Văn hóa Đông Sơn là một trong ba nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng đã góp phần hình thành nên các nhà nước sơ khai ở Việt Nam. Di tích được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1924 tại làng Đông Sơn (Thanh Hóa). Năm 1934, nhà khảo cổ học R. Heine-Geldern đề nghị đặt tên là văn hóa Đông Sơn
Tính đến nay, sau 90 phát hiện và nghiên cứu, nhiều phương diện của văn hoá Đông Sơn đã được làm sáng tỏ. Văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại trong khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên, với phạm vi phân bố rộng khắp khu vực Bắc Bộ kéo dài đến tận Quảng Bình, tập trung chủ yếu ở lưu vực các sông Hồng, sông Mã và sông Cả.

Phân bố di tích văn hóa Đông Sơn lưu vực sông Hồng

Phân bố di tích văn hóa Đông Sơn lưu vực sông Mã

Phân bố di tích văn hóa Đông Sơn lưu vực sông Cả
Qua hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã được phát hiện và nghiên cứu, là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên-Đồng Đậu-Gò Mun) đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt. Văn hóa Đông Sơn là cơ sở vật chất và là sự thể hiện sinh động “hình ảnh” nhà nước Văn Lang-Âu Lạc được hình thành và phát triển ở khu vực miền Bắc Việt Nam hiện nay, trong trào lưu chung của khu vực từ khoảng hơn hai nghìn năm trước.

Khai quật di tích Đông Lâm (Bắc Giang, 1968)

Khai quật di tích Làng Cả (Phú Thọ)

Địa tầng mặt cắt di tích thành Cổ Loa
1. Niên đại và các giai đoạn phát triển
Khung niên đại của văn hóa Đông Sơn được xác định kéo dài từ khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ I-II sau Công nguyên, với 3 giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn văn hóa Đông Sơn sớm (khoảng thế kỷ VII- VI trước Công nguyên), được phát triển trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn, tập trung chủ yếu trên địa bàn vùng núi, trung du và đồng bằng cao của các châu thổ.
- Giai đoạn văn hóa Đông Sơn giữa (thế kỷ V- thế kỷ III trước Công nguyên) là giai đoạn phát triển trên phạm vi rộng, lan tỏa theo lưu vực các sông lớn xuống vùng đồng bằng thấp, ô trũng, đồng bằng ven biển. Giai đoạn này, nền kinh tế Đông Sơn phát triển, xuất hiện của trống đồng (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn); mộ quan tài thân cây khoét rỗng, đồ tùy táng bằng các chất liệu như gỗ, tre, nứa…
- Giai đoạn văn hóa Đông Sơn muộn (thế kỷ I-II trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên), là giai đoạn phát triển, tiếp xúc và giao lưu mạnh mẽ với các văn hóa bên ngoài, các di tích tập trung đều khắp các vùng đồng bằng thấp, vùng trũng ven theo các dòng sông và vùng đồng bằng ven biển. Hiện vật du nhập từ văn hóa Hán xuất hiện và tăng dần.
2. Không gian phân bố
- Đồng bằng phù sa mới, cao ráo, là vùng có địa hình chuyển tiếp giữa vùng trung du và đồng bằng, nằm giữa hệ thống các sông lớn và chi lưu sông Hồng, sông Mã và sông Cả, có 3 loại địa hình chính: đồi núi, đồng bằng, vùng bãi, núi sót. Các di tích có diện tích lớn, phân bố trên gò cao, mật độ di tích, di vật cao, phản ánh cư trú lâu dài, gắn với hình thành các trung tâm.
- Đồng bằng phù sa mới thấp, là vùng đất mới hơn, chịu nhiều biến đổi của thiên nhiên trong thời tiền sử. Các di tích phân bố có mật độ lớn, những phát hiện về di tích càng tăng, mật độ dày đặc. Các di tích chủ yếu là mộ thân cây khoét rỗng (hay còn gọi là mộ thuyền) phân bố trong các vùng đất trũng, thấp (ở đáy ao, mương, ruộng) bám theo các dòng sông và các chi lưu.
- Đồng bằng phù sa mới ven biển, là vùng đất duyên hải ven biển (Hải Phòng, Quảng Ninh). Với vị trí thuận tiện mở ra biển và sông ngòi dày đặc, bắt đầu xuất hiện dấu tích văn hóa Hán.
Các di tích văn hóa Đông Sơn phân bố trên nhiều dạng địa hình, với xu thế dịch chuyển dần từ vùng địa bàn đồi núi cao, miền trung du xuống vùng đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển. Các di tích giai đoạn Đông Sơn muộn tăng so với giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Hình thành các trung tâm lớn, có vị thế quan trọng với những đặc trưng riêng.
TS. Nguyễn Văn Đoàn
(Phó Giám đốc BTLSQG)