Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến và Th.s Lê Thị Thanh Hà vừa công bố trong số báo Cổ vật tinh hoa (tháng 4/2014) sưu tập gốm sứ Nhật Bản khá đồ sộ, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
1. Đây là bộ sưu tập gốm sứ vẽ nhiều màu, sưu tầm từ nhiều nguồn, trong thời gian dài, từ đầu đến cuối thế kỉ 20, được thực hiện do các học giả Pháp của Bảo tàng Louis Finot và các nhà nghiên cứu Việt Nam. Việc thêm một bước nghiên cứu bộ sưu tập này là vô cùng cần thiết, nhằm đánh giá thêm và nhìn nhận lại các bộ sưu tập cổ vật nói chung và gốm sứ nói riêng của Bảo tàng, vốn phức tạp về xuất xứ, nguồn gốc và còn nhiều điều sơ lược trong hồ sơ lưu trữ, do điều kiện khách quan và chủ quan, kể từ khi sưu tầm cho đến gần đây, chưa được quan tâm thích đáng.
Với cách trình bày của hai tác giả, tôi hiểu đây là những thông tin bước đầu trong một đề tài khoa học cấp cơ sở, nên văn liệu, nghiêng về sự phân loại, thống kê kích thước từng tiêu bản, đôi điều về nguyên nhân sự có mặt của chúng trong bảo tàng và niên đại sơ bộ được thẩm định. Những đánh giá mang tính nghiên cứu cho bộ sưu tập còn ở mức độ, dẫu rằng, T.S Nguyễn Đình Chiến cũng mong muốn tìm ra nơi sản xuất của những đồ gốm sứ ấy. Hãy khoan bàn đến chuyện này, cho dù, bài viết của tôi cũng muốn hướng tới gợi ý ấy của tác giả, để làm rõ hơn xuất xứ của từng sản phầm, từng loại sản phẩm, từng dòng gốm sứ trong sưu tập. Nhưng trước hết, với tư cách là người nghiên cứu, đã có thời gian làm quản lý, tôi đánh giá cao sự đầu tư của lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho công tác này và cổ vũ hai tác giả, đã một bước làm rõ nhiều thông tin còn thiếu trong phiếu, phích và sổ sách, trước khi chúng được đặt trong đối tượng nghiên cứu kỹ càng hơn. Tôi cũng cảm ơn tạp chí Cổ vật tinh hoa, đã không quản tốn kém, dường như in những tiêu bản khá điển hình của sưu tập bảo tàng với chất lượng hình ảnh mỹ mãn, để có điều kiện tham khảo và lạm bàn, dẫu rằng, tôi đã không dưới năm lần tiếp xúc với chúng, mỗi khi có điều kiện vào kho, nhưng không tài nào ghi nhớ hết ở nhiều thập niên trước.
2.Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến và Th.s Lê Thị Thanh Hà cho rằng, cũng giống như đồ sứ Trung Quốc, đồ sứ vẽ nhiều màu của Nhật Bản gồm hai loại:
a, Vẽ men xanh cobal qua lần nung thứ nhất, sau đó vẽ nhiều màu hoặc vàng kim rồi nung lần thứ hai nhẹ lửa.
b, Vẽ nhiều màu và nung một lần, loại men nhẹ lửa, nên chưa đạt tiêu chuẩn đồ sứ.
Thực tế trong bộ sưu tập này, còn một loại thứ ba, đó là những đồ sứ vẽ nhiều màu dưới men, nung nặng lửa một lần. Bổ sung thêm loại này, đồng thời tôi cũng chia sẻ thêm với hai tác giả rằng, loại thứ hai, rõ ràng chưa đạt tiêu chuẩn sứ mà theo thuật ngữ trước đây, cố giáo sư Nguyễn Văn Y gọi đó là đồ sành xốp, sản xuất phục vụ cho thị hiếu Phương Tây mà gốm Dona Biên Hòa thời Mỹ - Ngụy đã du nhập vào miền Nam trước giải phóng. Vì lẽ đó, trong bài viết, ngay từ đầu đề, cho tới nội dung, tôi luôn dùng danh từ chung gốm - sứ, đặc biệt với dòng men vẽ nhiều màu này của Nhật Bản.
Với ba loại trên đây, thông qua bộ sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, diện mạo gốm sứ vẽ nhiều màu của Nhật Bản đã hiện hình tương đối rõ ràng với những dòng, những tiêu bản gốm sứ hoàng gia, quý tộc, xuất khẩu và bình dân. Cũng qua bộ sưu tập này, người nghiên cứu, nhà sưu tập cũng nhận ra các sản phẩm ấy chủ yếu được sản xuất tại trung tâm gốm sứ Arita, trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỉ 20. Đó có thể được coi là thời hoàng kim nhất của gốm sứ Nhật Bản nói chung, Arita - Hizen nói riêng.
Bộ sưu tập gốm vẽ nhiều màu Nhật Bản được hai tác giả giới thiệu tương đối nhiều, nhưng, có lẽ, những tiêu bản xuất sắc và đáng chú ý nhất đều có hình ảnh và miêu tả rõ ràng. Từ hình ảnh và thông tin miêu thuật, kết hợp với những điều ghi nhận được qua những lần tiếp cận với bộ sưu tập ở trong kho trước đây, tôi nhận ra rằng, những chiếc đĩa kiểu 2b theo phân loại của các tác giả thuộc dòng gốm Koimari hay còn gọi là Imari cổ do trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng Arita sản xuất. Mặc dù không có bản ảnh, nhưng tôi cho chiếc đĩa kiểu 2a cũng cùng một phong cách ấy.
Men vẽ nhiều màu Koimari có hai thời kỳ, đó là thời kỳ trước năm 1720 và sau năm 1720. Ở thời kỳ trước năm 1720, Koimari có xương ít cao lanh, nghiêng nhiều về gốm và màu sắc trang trí trầm tối, thiên về màu tự nhiên: cây cối, hoa cỏ. Chiếc đĩa kiểu 2a dẫu có diễn tả cả một phong cảnh sơn thủy hoành tráng, nhưng với khóm trúc, hoa anh đào xen trong lá hoa với các màu sắc trầm: xanh, lục, đỏ nâu, đen trên nền men trắng, như là một đặc trưng cho Koimari trước năm 1720. Nguyễn Đình Chiến và Lê Thị Thanh Hà xếp 2a và 2b có niên đại thời Giang Hộ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 theo tôi là hợp lý, song, về đẳng cấp, hai chiếc đĩa nói trên là sản phẩm của tầng lớp quý tộc đương thời. Việc hai chiếc đĩa đều được sưu tầm trôi nổi, trong đó, có một chiếc mua được ở Quảng Trị hẳn phải liên quan tới một nhân vật thuộc dòng dõi Võ sĩ đạo - Samurai. Đó hoàn toàn không phải là đồ gốm màu xuất khẩu của Nhật Bản, cho dù gốm vẽ màu xuất khẩu của nước này lan tràn ở Châu Âu và Nam Mỹ, chủ yếu ở giai đoạn sau thời Minh Trị. Cũng thuộc dòng này, giai đoạn trước 1720, sưu tập còn trình ra hai tiêu bản, đó là bình kiểu 1 và bát kiểu 3. Bình vẽ nhà cửa, lan can và võ sĩ đạo Samurai. Bát vẽ hoa anh đào, cúc dây…Tất cả đều được sử dụng màu sắc trầm tối là đặc trưng của sứ giai đoạn trước năm 1720 của Koimari. Điều này cũng phù hợp với niên đại được hai tác giả xếp vào thời Giang Hộ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

Chiếc đĩa 2c theo phân loại của hai tác giả, đó là sản phần được vẽ năm màu. Ở phần giữa lòng vẽ đại bàng và phượng hoàng, cây và hoa anh đào, hoa lá cúc, uyên ương. Tôi cho rằng, đây là chiếc đĩa có niên đại 1720 của dòng gốm Koimari, thuộc sản phẩm của Hoàng gia Nhật Bản thời Edo cường thịnh.

Tiêu bản này không thể là đại diện để nói về Koimari sau 1720, nhưng với màu sắc của nó, với sự tham gia của những đường viền vàng cao sang, lộng lẫy; cùng với thể tài mang tính cung đình điển hình, tự nó đã khẳng định sự chối bỏ các motíp phỏng theo đồ dệt trên vải thô của giai đoạn trước và tiếp tục truyền thống sử dụng vàng bạc trang trí trên dòng gốm sứ này, làm tốn kém đáng kể nguồn kim loại hiếm quý ấy của Nhật Bản trong khoảng từ nửa cuối thể kỷ 17 đến thế kỷ 18.
Dòng gốm men vẽ nhiều màu Koimari với những chiếc bình được các tác giả xếp vào kiểu 2 hay những chiếc đĩa vẽ phong cảnh, nhân vật được xếp vào 9a và 9b đều được hiện hình trên bản ảnh của số Tạp chí Cổ vật tinh hoa tháng 4/2014, là những sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, quà tặng của Hoàng gia với các quốc gia láng giềng, sử dụng ở trong nước ở tầng lớp quý tộc, được xếp niên đại thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tương đương đời Minh Trị (1868-1912) là hoàn toàn chấp nhận được.

Trong sưu tập này, hai tác giả còn đưa ra một chiếc đĩa được xếp kiểu 1 vẽ đề tài Bát bảo: Kiếm, ống tiêu, quạt, sách, ngọc báu với sự kết hợp của màu xanh lục và tam lam. Đây là đồ sứ vẽ men nhiều màu, nung một lần, nặng lửa. Các tác giả không mấy quan tâm đến hiện tượng này của gốm sứ Nhật Bản. Song, trên thực tế, sản phẩm ấy dẫu ít ỏi nhưng có xuất hiện trên dòng gốm Nabeshima ở Arita. Đó là cách vẽ theo mảng màu và với những đường nét điêu luyện, vờn đuổi đậm nhạt, các nghệ nhân đã tạo nên các đề tài khá sống động với sự kết hợp giữa mảng và khối để tạo hình cơ bản và dùng lối vẽ công bút để diễn tả chi tiết của lông chim, gân lá, hoa quả…


Sứ vẽ nhiều màu Nabeshima được đánh giá là dòng sứ quý tộc của Nhật Bản, chuyên sản xuất để phục vụ lãnh chúa và tướng quân Nhật. Chiếc đĩa trên đây là sở hữu của võ sĩ đạo Samurai nửa sau thế kỷ 17, xứng đáng là một cổ vật quý hiếm của Nhật Bản.
Cùng kỹ thuật với chiếc đĩa trên là chiếc bát kiểu 1, theo phân loại của hai tác giả. Bát vẽ cành và quả hồng viền quanh thành trong đĩa với các màu vàng, đỏ, xanh cobal, xanh lục và trắng. Ba con chim bay lượn ở giữa lòng như đang vờn đuổi nhau giữa mùi thơm của trái chín. Sự thể hiện đề tài bằng đường nét, cũng là một phong cách khác của Nabeshima vẽ màu men nặng lửa. Tuy nhiên, nhìn vào những quả hồng ở ngoài thành bát, lối vẽ tam lam vẫn mang đặc trưng của Nabeshima ở Arita. Niên đại của chiếc bát được hai tác giả xếp vào nửa sau thế kỷ 19, theo tôi là hơi sớm. Nó là sản phẩm sứ cao cấp làm quà tặng của Nabeshima cuối thời Đại Chính thì hợp lý hơn.

3. Đồ sứ vẽ nhiều màu Nhật Bản hiện nay đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia được hai tác giả thông báo với số lượng tương đối lớn. Trong số này, có nhiều tiêu bản xứng đáng được phẩm bình thêm, đặc biệt là những đồ gốm sứ được hai tác giả xếp vào đời Giang Hộ ( bình kiểu 2, kiểu 4, kiểu 6, kiểu 8; bát kiểu 2, đĩa kiểu 3, đĩa kiểu 5a, 5b), có nguồn gốc xuất xứ trao đổi với Bảo tàng Hoàng gia Nhật Bản năm 1950, hay do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thu được từ cải cách ruộng đất hoặc do hải quan chuyển giao cho Bảo tàng vào những thập niên cuối 90 của thế kỷ trước. Tất cả cần được đánh giá thêm vì những tiêu bản ấy, ngay cả chính quốc, cũng vô cùng hiếm quý với giá trị đa diện của chúng, từ nguồn gốc xuất xứ đến chủ nhân sở hữu cùng lý do của sự trôi nổi, nếu như những sản phẩm ấy không phải là những hàng hóa xuất khẩu đơn thuần. Ngoài ra, những tiêu bản trong sưu tập này được các tác giả xếp vào thời Minh Trị, theo tôi là hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, hiếm hoi trong số ấy không phải là đồ gia dụng, đồ sinh hoạt hàng ngày, mà đó là những đồ dùng của Hoàng gia, quý tộc, lãnh chúa, xuất khẩu sang châu Âu với tư cách là đồ dùng Cung đình của xứ ấy, cũng cần được rạch ròi. Tôi đã nhận ra giá trị ấy từ một số tiêu bản, đó là những chiếc đĩa kiểu 9a, 9b, 9c; đĩa kiểu 11, do Bộ Tài chính bàn giao cho Bảo tàng, rất có thể là quà tặng của Hoàng gia Nhật Bản cho Hoàng gia Triều Nguyễn đã được các cụ Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận thu về trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Sự cố mất chiếc ấn ở Bảo tàng, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, toàn bộ sưu tập được gửi tới Ngân hàng Nhà nước, nhưng những chiếc đĩa nói trên lại không nằm trong đối tượng, để rồi, đến hôm nay vô tình bị chia tách. Sẽ còn bao nhiêu sự chia tách trong sưu tập này cần được làm rõ, bởi cổ vật hoàng gia là siêu cấp... Tôi đã từng được xem những đồ sứ vẽ trẻ em dòng Mikiwachi, là quà tặng của triều đình, tướng quân, lãnh chúa và võ sĩ đạo. Vẽ 7 em là của triều đình, 5 em là của lãnh chúa, 3 em là của võ sĩ đạo, theo đó, giá trị phẩm cấp của từng loại là một trời, một vực. Đó là những giá trị vật thể và giá trị phi vật thể của hiện vật bảo tàng rất cần được làm sáng tỏ để giá trị đích thực của từng hiện vật được phát huy hiệu quả hơn.

Trong sưu tập này, có một số tiêu bản, TS. Nguyễn Đình Chiến và Th.s Lê Thị Thanh Hà không cung cấp niên đại, không có ảnh minh họa, ví dụ như: âu kiểu 5, do Bảo tàng Louis Finot mua tại Bergeren, Nhật Bản, hay bộ đồ cà phê mang phong cách Âu Châu, thậm chí không có cả lý do về sự có mặt trong bộ sưu tập… cần được bổ sung thêm.
Ý kiến thì còn nhiều, nhưng điều kiện tiếp xúc trực tiếp với sưu tập này, với tôi, hiện nay là khó khăn, trong khi những hình ảnh được cung cấp thì hạn chế, hồi ức của những lần tiếp xúc từ vài thập niên trước ngày càng phôi phai theo năm tháng, do vậy, những ý kiến này, thiết nghĩ chỉ là mong muốn đầu tư thêm công sức, tiền của và thời gian cho bộ sưu tập để có thêm thông tin - điều còn rất hạn chế trong nghiên cứu sưu tập ở nhiều bảo tàng Việt Nam.
Còn việc đúng, sai là chuyện muôn thuở của khoa học, khiến chẳng mấy bận lòng, nhất là sự hiểu biết của tôi về gốm sứ Nhật Bản còn chưa thật đủ đầy.
TS. Phạm Quốc Quân (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)