Chất liệu thủy tinh được con người sử dụng để chế tạo sản phẩm từ rất sớm. Sản phẩm từ thủy tinh chủ yếu là đồ trang sức và đồ dùng sinh hoạt. Những hiện vật thủy tinh không chỉ là những vật dụng đơn thuần mà là những sản phẩm thủy tinh được xem là đặc biệt, thậm chí có phần thần bí.
Ở nước ta, nghề chế tạo thủy tinh bản địa đã tồn tại từ thời sơ sử, thời của văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai.
Trong các đợt thám sát và khai quật những năm gần đây các nhà khảo cổ học đã thu được một số lượng khá lớn các hiện vật có chất liệu bằng thủy tinh chủ yếu là đồ trang sức mà con người lúc sống sử dụng và giữ gìn, khi chết người ta cũng thường mang theo cùng về thế giới bên kia toàn bộ hoặc một phần đồ trang sức đó của mình.
Những di tích khảo cổ học có chứa đồ thủy tinh thường tập trung ở ba trung tâm lớn thuộc địa vực của ba văn hóa khảo cổ học như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai. Các di tích đã phát hiện ở văn hóa Đông Sơn có: Di tích Đông Sơn, Lạch Trường, Bỉm Sơn, Đường Cồ, Làng Vạc…; ở văn hóa Sa Huỳnh có: Di tích Sa Huỳnh, Tam Mỹ, Núi Thành, Bàu Trám, Long Thạnh, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ…; ở văn hóa Đồng Nai có: Di tích Phú Hòa, Suối Chồn, Hàng Gòn…
Đồ trang sức bằng thủy tinh trong các đợt khai quật ở các di tích trên bao gồm vòng tay, khuyên tai và các hạt chuỗi là chủ yếu, có rất nhiều loại hình, kích cỡ và màu sắc. Có loại trong suốt hoặc trắng đục, màu xanh lơ, xanh đen, màu nâu, da cam, đỏ tím hay xám tro…
Trong đó, vòng tay bằng thủy tinh có 3 loại:
Loại I: tiết diện hình tam giác;
Loại II: tiết diện hình hình bán nguyệt;
Loại III: tiết diện hình ngũ giác.

Vòng tay bằng thủy tinh, màu xanh lục, phát hiện tại di tích Giồng Phệt, Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Nói chung vòng tay bằng thủy tinh đều có dạng vòng tròn khép kín trên dưới 7cm, bản vòng rộng trên dưới 1cm, độ dày của vòng trên dưới 1cm. Với kích thước như vậy, vòng tay luồn qua tay người lớn một cách dễ dàng. Màu sắc thường là màu trắng đục, xanh lá mạ, xanh đen hoặc xanh lơ. Bề mặt vòng tay nhẵn, mịn, bóng đều toàn khối. Trọng lượng nhẹ hơn vòng tay cùng kích thước được chế tác từ các loại đá có sẵn trong thiên nhiên. Với ưu thế của chất liệu, qua nấu chảy ép khuôn và gia công mài, tu sửa, đánh bóng, vòng tay bằng thủy tinh nói chung nhẹ, thanh và đẹp hơn vòng tay đá. Để chế tác vòng tay đá người thợ thủ công phải đầu tư nhiều công sức, qua nhiều khâu rất công phu, chọn nguyên liệu, tạo phác vật, khoan tách lõi, mài đánh bóng…với chất liệu đá có kết cấu hạt mịn cứng, việc hoàn chỉnh một vòng tay bằng đá là một chu trình đầy khó khăn, song lại rất dễ vỡ và dễ gãy trong quá trình chế tác nên vòng đá thường có độ dày, nặng, thô hơn vòng thủy tinh.
Ở giai đoạn mở đầu, vòng tay bằng thủy tinh chưa có sự thay đổi so với những chiếc vòng tay có chất liệu đá trước đó, vì vậy ở giai đoạn này loại hình vòng tay thủy tinh chưa có mặt cắt phức tạp.
Khuyên tai bằng thủy tinh có 4 loại:
Loại I: không có mấu, mặt cắt hình bậc thang, có kích thước từ 3 – 7cm kể cả bản vòng. Bản vòng rộng từ 1 – 1,5cm, dày khoảng từ 0,3 – 0,7cm, có một mặt phẳng, mặt kia cấu tạo kiểu bậc thang (2 bậc), vòng tròn có khe hở rộng từ 0,2 – 0,5cm, khe hở được đeo vào tai bằng cách luồn khuyên tai qua dái tai lọt vào hốc tai. Bởi vậy khuyên tai loại này khi đeo thường có mặt phẳng của khuyên tai vuông góc với má dưới.
Loại II: là khuyên tai có mấu, có 3 mấu nhọn, dài, phần trên có ngoàm để đeo vào tai (hoặc móc vào một vòng đeo ở tai hay cổ). Có kích thước kể cả các mấu từ 7 – 13cm.
Loại III: là khuyên tai có hình dọi se chỉ, mặt cắt ngang hình tròn, mặt cắt dọc hình bát giác, đeo ở tai là phải xâu dây.
Loại IV: là khuyên tai hai đầu thú, có hình dáng, kích thước giống với những chiếc khuyên tai hai đầu thú bằng đá, loại hình khuyên tai này thấy khá nhiều ở văn hóa Sa Huỳnh, có màu xanh thẫm. Sản phẩm khuyên tai hai đầu thú là đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh được làm bằng thủy tinh tìm thấy ở Quảng Nam – Đà Nẵng và ở khu mộ chum Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã phát hiện khuyên tai hai đầu thú được làm bằng thủy tinh, là chứng cứ có sức thuyết phục.

Khuyên tai hai đầu thú bằng thủy tinh, màu xanh phát hiện tại di tích Giồng Phệt, Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Do khuyên tai thủy tinh có 4 loại khác nhau, nên nhìn chung về kích thước cũng có sự khác biệt. Khuyên tai thủy tinh cũng như vòng tay, cùng chất liệu, đều có màu khối thuần nhất (không đan xen màu ở một cá thể). Hình khối khuyên tai không có chi tiết phức tạp, nhưng được gia công rất đẹp và cân đối. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khuyên tai bằng thủy tinh ở loại III, có kiểu hình mới lạ, khá đồng nhất về kích cỡ với những khuyên tai đá có mấu. Đây là loại kiểu hình trang sức lạ mới xuất hiện ở chất liệu thủy tinh, hình dáng mô phỏng theo chiếc dọi se chỉ bằng đất nung.
Khuyên tai thủy tinh về cơ bản đã có cùng loại hình với đồ trang sức chất liệu đá ở các giai đoạn trước. Bên cạnh đó, loại khuyên tai mô phỏng hình dáng dọi se chỉ bằng đất nung xuất hiện ở chất liệu thủy tinh phản ánh sự trở lại sớm hơn về hình loại. Khuyên tai thủy tinh loại I loại hình phổ biến ở văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai, khuyên tai bằng thủy tinh loại II và loại IV là loại hình đặc trưng, xuất hiện có ưu thế hơn ở văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực ven biển Trung Bộ, nó tồn tại trong suốt thời gian khá dài (kể từ tiền Sa Huỳnh), đồ khuyên tai bằng chất liệu đá quý luôn đa dạng về loại hình, phong phú về số lượng, trong khi khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai có mấu bằng đá vẫn được ưa chuộng và được chế tác thì việc xuất hiện khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú bằng thủy tinh càng làm rực rỡ thêm bộ trang sức đẹp của cư dân cổ khu vực này.
Hạt chuỗi bằng thủy tinh có 4 loại:
Có một số người gọi những hạt chuỗi thủy tinh này là những hạt cườm (có màu sắc lóng lánh) để phân biệt với những hạt chuỗi bằng đá. Hạt chuỗi thủy tinh nhỏ, có nhiều hình dáng, có lỗ xâu thành chuỗi, chiếm số lượng rất lớn trong tổng số đồ trang sức bằng thủy tinh. Gồm có 4 loại hình:
Loại I: Hình cầu, mặt cắt tròn.
Loại II: Hình cầu, mặt cắt hình chữ nhật.
Loại III: Hình trụ hoặc gần hình thoi, mặt cắt tròn.
Loại IV: Hình thoi, mặt cắt đa giác.
Đường kinh cả 4 loại khoảng từ 0,2 – 4cm, cao 0,3 – 6cm, màu sắc màu trắng đục, xanh lá mạ, xanh đen, xanh lơ, ngoài ra còn có các hạt màu nâu, màu đỏ, da cam, tím hay xám tro…màu đồng khối không pha trộn.
Hạt chuỗi thường thấy ở những di tích có cùng vòng tay, khuyên tai, ngoài ra cũng thấy xuất hiện ở một số di tích ở đồng bằng Bắc Bộ mà những nơi này chưa tìm thấy vòng tay và khuyên tai. Trong 4 loại hình hạt chuỗi, loại I và loại II chiếm tỷ lệ cao hơn loại III và loại IV.

Hạt chuỗi thủy tinh, mã não và khuyên tai ba mấu thuộc văn hóa Sa Huỳnh.

Dây hạt chuỗi thủy tinh nhiều màu, kích cỡ và kiểu dáng khác nhau phát hiện tại di tích Giồng Phệt, Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Đồ trang sức thủy tinh đặc biệt gắn bó chặt chẽ với cư dân cổ ở văn hóa Sa Huỳnh. Táng thức của cư dân ở giai đoạn sắt sớm này được đặc trưng bởi nhiều khu mộ chum, nhiều cụm quan tài bằng gốm. Đồ thủy tinh được phát hiện trong các ngôi mộ chiếm tỷ lệ cao. Chính những người Sa Huỳnh, họ chế tạo ra những trang sức bằng thủy tinh, họ là chủ nhân của những sản phẩm này, họ rất ưa chuộng đeo những trang sức đó.
Vị trí trang sức cổ được phát hiện nằm trong mộ táng. Người chết nằm thẳng, ngửa, hai tay duỗi thẳng ép sát người. Vòng tay được phát hiện trong vị trí cổ tay sát hai bên xương hông. Khuyên tai nằm ở vị trí hai bên tai. Hạt chuỗi tìm thấy ở vị trí đeo nơi cổ.
Trang sức thủy tinh thường gặp ở các mộ táng quan tài bằng gốm, chủ yếu là ở văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai. Tại di tích Làng Vạc thuộc văn hóa Đông Sơn, đồ thủy tinh được phát hiện trong mộ nồi vò nhưng chỉ là những hạt chuỗi, không có vòng và khuyên tai.
Hiện vật thủy tinh gia dụng trong các đợt khai quật đều đã bị vỡ, rất khó xác định loại hình. Dựa vào các mảnh thân của đồ đựng cho thấy, màu sắc có màu vàng, màu xanh, màu trắng, màu đen và thủy tinh sơn. Ngoài ra còn có một số mảnh thủy tinh thân trơn được trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi. Ngoài ra còn phát hiện thủy tinh nguyên liệu là những thủy tinh được đúc thành khối, không có hình dáng của sản phẩm đã được tạo tác. Những khối thủy tinh này dùng để chế tạo ra các sản phẩm khác nhau khi được nung nóng chảy trở lại.

Thủy tinh được trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi phát hiện tại di chỉ Bãi Làng, Quảng Nam.
Qua các hiện vật trang sức cổ mà các nhà khảo cổ đã phát hiện được các nhà nghiên cứu đã nêu lên một số vấn đề:
Đồ thủy tinh cổ ở Việt Nam thời kỳ sắt sớm chủ yếu là đồ trang sức, thuộc loại thủy tinh nhân tạo. Qua các di vật đã phản ánh các khâu kỹ thuật: nấu, ép khuôn, cắt gọt, cưa, mài, đánh bóng để tạo hình. Đây là loại thủy tinh thông thường, nhiệt độ nóng chảy chưa cao, tỷ lệ thành phần nguyên liệu pha chế còn ít, phần lớn dược sử dụng ở thể nguyên dạng có sẵn trong thiên nhiên, đồ trang sức thường ở dạng khối đặc, dày.
Trung tâm của nghề thủy tinh cổ có ba trung tâm lớn của ba văn hóa là văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai. Đây là đồ thủy tinh bản địa có nhiều khả năng điểm gốc đầu tiên là ở Sa Huỳnh vì di vật thủy tinh đã được phát hiện ở đó.
Qua các cuộc khai quật cho ta thấy nghề thủy tinh đã làm ra những đồ trang sức, những dụng cụ sinh hoạt, đồng thời đóng góp một phần cho việc tiếp tục nghiên cứu về đồ thủy tinh trong những giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của dân tộc ta sâu hơn, kỹ hơn, từ đó rút ra một số vấn đề có ý nghĩa về mặt khảo cổ học và lịch sử.
Lê Thị Huệ (tổng hợp).
Nguồn:
- Nguyễn Trường Kỳ. Đồ thủy tinh cổ ở Việt Nam. Viện khảo cổ học. NXB Khoa học Xã hội năm 1996.
- Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Thông báo khoa học năm 2001.
- Cục bảo tồn Bảo tàng – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cổ Vật Việt Nam năm 2003.
- Trịnh Sinh, Nguyễn Văn Huyên. Trang sức của người Việt cổ. NXB Văn hóa dân tộc năm 2001.