Thứ Bảy, 23/09/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/06/2014 11:29 2835
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Xuân Giáp Ngọ vừa rồi, Câu lạc bộ Thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội tổ chức trưng bày tại Đinh Tiên Hoàng nhiều sưu tập hiện vật gốm sứ, đá đồng, giấy vải của nhiều nhà sưu tập cổ vật ở nhiều địa phương, chứ không riêng ở Tràng An – Thăng Long – Hà Nội.

Đó là một truyền thống đã được câu lạc bộ này tạo dựng vào mỗi độ tết đến, xuân sang khoảng năm năm trở lại đây. Đó cũng là một sân chơi được nhiều hội viên hưởng ứng, theo đó, sưu tập không chỉ có cổ ngoạn mà cả những đồ đồng, đồ đá mỹ nghệ - thiết nghĩ cũng là một thú chơi, thú thưởng ngoạn cần được khuyến khích, tôn vinh. Mỗi lần trưng bày như thế, câu lạc bộ cho in những sưu tập trang trọng và hấp dẫn bằng sự tài trợ của các đại gia, đóng góp của các hội viên quả là tài liệu quý cho người chơi, người nghiên cứu. Chỉ tiếc rằng, không hiểu vì sự vị nể, hay vội vàng do thời gian hối thúc, nhưng những chú thích, những ghi chú còn né tránh nhiều điều, còn mâu thuẫn nhiều chỗ và nhiều sưu tập còn có sự sai lệch về niên đại. Đây cũng là sự thường tình của những ấn phẩm được phát hành ở Việt Nam, nhưng nếu được gạn đãi, những hạt sạn như thế sẽ được loại trừ, vị thế của vựng tập, của phòng trưng bày, của câu lạc bộ sẽ uy tín hơn rất nhiều, tôi tin là như vậy.

Trong nhiều sự sai lệch, gây ấn tượng nhất với tôi là sưu tập đồ đồng cũ của ông bà Chi Lan.

Gương đồng.

Trống đồng loại I Heger.

Ghè đồng.

Tước đồng.

Rìu đồng, Dao găm cán hình người.

Tôi không chỉ một lần đến xem bộ sưu tập ở Đinh Tiên Hoàng và tôi cũng không dưới một chục lần lật dở những trang 103, 104, 105 của cuốn sách Thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội và nhận ra rằng, tất cả những đồ đồng ở đây được phỏng đúc theo đồ đồng của văn hóa Đông Sơn, đồ đồng của văn hóa ở những thế kỷ đầu Công nguyên, của thời Trần, thời Lê… Tuy nhiên, nhìn vào những chiếc dao găm cán hình người, những trồng đồng loại I Heger, những ghè đồng, gương đồng, tước đồng…với những tạo tác hoa văn phi truyền thống, kể cả bố cục lẫn kỹ thuật tạo tác, sẽ thấy ngay sự lệch pha giữa chúng với đồ đồng cổ.

Cách đây 15 năm, Hội đồng giám định cổ vật Bộ văn hóa – Thông tin trong đó có tôi, đến giám định 5 chiếc trống đồng do Công an Quận Hoàn Kiếm thu giữ được từ những người buôn bán trái phép, theo đề nghị của Công an Thành phố và theo tiến cử của ông Trần Hoàn- khi ấy là Bộ trưởng Bộ văn hóa – thông tin. Vụ bắt giữ gây chấn động dư luận, đài BBC, RFI có đưa tin vụ việc này, do đó, sự thật giả cần phải được làm minh bạch rõ ràng. Năm chiếc trống đồng có hoa văn trang trí giống hệt như trống đồng, gương đồng, rìu đồng, ghè đồng, tước đồng của ông bà Chi Lan và màu xanh patin cũng một chín, một mười ở hai bộ sưu tập, dẫu tôi có phải liên hệ và hồi cố từ hơn một thập niên trước. Hội đồng giám định khẳng định, đó là trống đồng giả. Điều này lại được các chuyên gia nghiên cứu đồ đồng cổ của Viện Khảo cổ học khẳng định thêm, qua 5 mẫu phân tích quang phổ định tính của 5 chiếc trống đồng này. Tỷ lệ nhôm có trong hợp kim đồng như một sự khẳng định, 5 chiếc trống đồng được đúc bằng đồng công nghiệp. Đồng cổ không có thành phần nhôm, mà chỉ có đồng – chì - thiếc cũng nhiều yếu tố vị lượng khác, được thực hiện qua rất nhiều mẫu cổ.

Sau này, Bảo tàng lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) còn nhận được hai tiêu bản nữa, cùng một phong cách với 5 chiếc trống đồng nói trên và rất đồng phong cách với nhóm đồ đồng tôi đang đề cập. Hai chiếc trống ấy, Bảo tàng không nhập kho cơ sở, lưu trữ ở kho tham khảo để làm tiêu bản cho việc thực tập của học sinh, sinh viên.

Với chú thích “Bộ sưu tập đồ đồng cũ”, tôi nghĩ ban biên tập muốn né tránh sự thật. Thế nhưng, sự thật vẫn là sự thật, cần được rõ ràng, như một chỉ dẫn cho người sưu tập tránh được những sai lầm đáng tiếc, để ngày một thêm nhiệt huyết, trong việc bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa. Ông bà Chi Lan là người tôi không hề quen biết, nhưng qua nhiều lần trưng bày ở Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Hoa Thám và những nơi khác, thấy rằng, nhiều cổ vật của họ rất đáng tin cậy, thể hiện sự đam mê, nhiệt huyết, chân thành với di sản. Những người như thế cần được bảo vệ.

TS.Phạm Quốc Quân

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 3172

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông.

Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông.

  • 30/05/2014 16:32
  • 2530

Việt Nam mang trong mình lịch sử ngàn năm mở đất và mở nước. Mở đất là cương thổ, mở nước là biên đảo và còn có cả những chuyến hải trình vạn dặm của tổ tiên ta mà các bảo vật khai quật được từ những con tàu đắm dưới đáy Biển Đông đã phần nào nhắc lại nghị lực phi thường ấy.