Người Việt trong thời kỳ phong kiến vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Trung Hoa (các học thuyết Phong thủy cũng có từ rất sớm, mà các bức bình phong trở thành một bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà của họ). Sau này người Việt đã phát triển quan niệm về các bức bình phong trở nên phong phú và đa dạng hơn.
Ở Việt Nam, có lẽ Huế là nơi còn giữ được nhiều kiểu bình phong nhất. Điều này cũng dễ hiểu vì Huế là cố đô cuối cùng của phong kiến Việt Nam, lại vẫn giữ được khá nguyên vẹn diện mạo của Kinh đô thời quân chủ. Nhưng không chỉ trong kiến trúc cung đình mà ngay cả ở đền chùa, am miếu, đình làng, nhà thờ họ…dường như nơi nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy những bức bình phong được trang trí rất cầu kỳ, tinh xảo.
Cung Trường Sanh cũng là một di tích trong Hoàng thành Huế. Cung nằm ở góc Tây bắc trong Hoàng thành, phía sau cung Diên Thọ với tên gọi ban đầu là cung Trường Ninh. Cung được khởi dựng vào năm Minh Mạng thứ hai (1821). Cung Trường Ninh ban đầu có vai trò như một hoa viên là nơi các vua Nguyễn thường mời thân mẫu của mình đến thăm thú “thưởng tiết ưu du”, về cuối triều Nguyễn, cung lại trở thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà Hoàng thái hậu, Thái hoàng Thái hậu.
Năm 1923, vua Khải Định cho tu bổ cung và đổi tên thành Cung Trường Sanh. Từ năm 1954 vùng đất này trở thành khu dân cư và cảnh quan đã bị phá hủy nghiêm trọng.
Đến nay trải qua bao thời gian, các biến động lịch sử, kiến trúc Cung Trường Sanh đã có nhiều thay đổi, phần nhiều đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình đã bị phá hủy, bị biến đổi so với hình dáng ban đầu. Do vậy nghiên cứu toàn diện Cung Trường Sanh là cần thiết trong việc phục vụ cho dự án tu bổ, tôn tạo di tích đồng thời góp phần tìm hiểu lịch sử, văn hóa, kiến trúc của vương triều phong kiến cuối cùng trên đất nước ta.
Với mục đích này, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định số 1369/QĐ-BVHTT ngày 22 /6 /2000 cho phép Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiến hành điều tra thám sát khảo cổ học quần thể kiến trúc Cung Trường Sanh.
Qua các đợt tiến hành công việc điều tra, thám sát, các nhà khảo cổ học đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng hiện vật lớn các loại và làm xuất lộ nhiều nền móng kiến trúc trong khu vực Cung Trường Sanh, trong đó có hai bức bình phong (một bức là bình phong tiền án và một bức là bình phong hậu).
Bình phong tiền án của Cung Trường Sanh được xây ngay trên bờ của hồ Tân Nguyệt và cách cổng Trường An 10m về phía tây. Hiện nay bức bình phong này còn khá nguyên vẹn (sau này đã được trùng tu).
Bình phong tiền án ở Cung Trường Sanh, thám sát năm 2000.
Bình phong này có kích thước chiều dài là 11,4m, dày 0,5m. Bình phong được xây theo kiểu cuốn thư ở giữa có trang trí chữ “Thọ” trong khung hình bát giác, hai bên có hai con chim phượng chầu vào, ở giữa khung hình chữ nhật được trang trí mâm hoa quả cùng nhiều mô típ hoa văn khác như hình thoi dạng mắt võng, hình sóng nước, hoa lá… Cánh bình phong hai bên trang trí hồi văn, hoa lá và được ốp sứ đẹp. Trên nóc bình phong đắp nổi hình “Lưỡng Long chầu Nguyệt”.
Bình phong hậu của cung được xây ở khoảng giữa của bức tường bao phía sau khu hoa viên. Bức bình phong này cũng được xây theo dạng cuốn thư, ở giữa có ô vuông hình chữ “Thọ” trong khung hình tròn. Ở giữa hai bên cánh trang trí mâm hoa quả và trang trí hồi văn dạng “mắt võng” hình thoi. Phía trên có tầng mái giả trang trí theo các ô hộc và được ốp sứ. Bức bình phong này cũng là giới hạn sau của khu vực trung tâm cung Trường Sanh.
Bình phong hậu của Cung Trường Sanh, thám sát năm 2000.
Ngoài hai bình phong tiền và hậu vẫn còn nguyên vẹn, các nhà khảo cổ học còn thấy vết tích của một bình phong ở gần cổng Hữu Hòa, gần cung Diên Thọ. Ở độ sâu 10cm xuất hiện chân móng của bình phong, móng rộng 0,73m, cao 0,45m dược xây bằng gạch vồ màu đỏ có ký tự. Phàn bình phong rộng 0,49m, cao còn lại 0,30m. Bốn góc của bình phong đều có văn đắp nổi và trát vữa màu đen. Toàn bộ móng dài 8,55m, phía trên có một bức bình phong khác xây đè lên móng. Bức bình phong này dài 3,38m, rộng 0,34m, cao 2,6m xây bằng gạch vồ và vữa màu trắng đục. Căn cứ vào vật liệu xây dựng, đặc điểm của bức bình phong cho thấy, móng xuất lộ được xây vào thời điểm sớm hơn bức bình phong hiện tại.
Bình phong nằm ngay sau cổng Hữu Hòa, thám sát năm 2000.
Qua việc điều tra, thám sát khảo cổ học, đã đưa ra được rất nhiều kết quả thú vị, đặc biệt là cách thiết kế kiến trúc đầy chất phong thủy của những bức bình phong.
Bình phong tiền án phía sau cổng Trường An, cạnh hồ Tân Nguyệt tại di tích Cung Trường Sanh đã được trùng tu năm 2007.
Trong đời sống văn hóa người Việt, nhất là văn hóa của người Huế, bình phong xuất phát từ các yếu tố “triều” và “án” trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Dựng bình phong ngay sau cửa ngõ để ngăn chặn loại uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, đồng thời khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng hơn, an toàn hơn. Bình phong đặt trước nhà còn nhằm cản bớt Hỏa khí xâm nhập vào nội thất, gây hại cho chủ nhân. Vì thế cần phải có bình phong án ngữ trước để cản bớt Hỏa khí. Vì lý do này mà ở Huế hầu hết các cung điện, đền thờ, đình làng…đều có bình phong án ngữ ở phía trước.
Ở giữa bình phong hậu ở Cung Trường Sanh được trang trí hình chữ “Thọ”.
Hình bát quả được trang trí trên bình phong của Cung Trường Sanh.
Việc nghiên cứu hệ thống bình phong cổ sẽ góp phần giải mã nhiều vấn đề thú vị của phong thủy được áp dụng trong kiến trúc truyền thống, nhất là trong kiến trúc cung đình Huế. Bên cạnh đó bình phong còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu và bảo tồn hệ thống bình phong trong kiến trúc cổ, sẽ góp phần quan trọng trong việc trả lại cho các di tích xưa đúng diện mạo vốn có, đồng thời để chuẩn bị cho công tác phục hồi các kiến trúc như kiến trúc ở Cung Trường Sanh – Huế.
Lê Thị Huệ (tổng hợp)
Nguồn:
- Báo cáo kết quả điều tra, thám sát khảo cổ học Di tích Cung Trường Sanh (Đại nội Huế) năm 2000 – 2001.
- Tạp chí Xưa và nay. Phong thủy và bức bình phong trong dân gian.
- Văn hóa Huế. Bình phong và non bộ trong kiến trúc cung đình Huế. Tháng 4/2011.