Trong quá trình phục vụ Dự án xây dựng Làng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát khảo cổ học trên phạm vi rộng với diện tích hơn 500ha, trên miền địa hình vùng "bán sơn địa" nối liền với một phần của tỉnh Hà Tây cũ, Hoà Bình và vùng hạ du Phú Thọ với những quả đồi thấp và triền sông suối, vốn được coi là không gian cư trú của người Mường.
Kết quả thu được rất khả quan, với số lượng lớn các di tích và di vật của nhiều thời kỳ khác nhau trải dài theo lịch sử dân tộc. Bên cạnh sự phong phú của di tích thời tiền - sơ sử, đợt khảo sát cũng đã phát hiện được di tích của các thời kỳ lịch sử, trong đó tập trung hơn cả là những khu di tích mộ Mường, niên đại kéo dài từ thế kỷ 12 -13 đến thế kỷ 15 -16, tương ứng với thời Lý, Trần và Lê sơ.
Một góc hồ Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Vết tích của những ngôi mộ Mường cổ phân bố rải rác trên diện rộng trong khu vực nam Đồng Mô, cùng với những giai thoại, truyền thuyết kể về bóng "người" ẩn hiện ở khu vực đồi Sành, Mỏ Vít, khe Xăng Dầu.... và những "vàng bạc châu báu" lấy lên trong những ngôi "vô thừa nhận"... do những kẻ săn lùng đồ cổ đào phá dữ dội vào những năm 1980.

Những quả đồi vào mùa khô là nơi táng mộ.
Kết quả khảo sát cho thấy nơi đây có mật độ khá dày đặc di tích mộ Mường cổ phân bố trên phạm vi lớn. Rải rác trên bề mặt gò đồi đã thu được những mảnh gốm sứ, sành, do quá trình xói lở, canh tác và đào trộm vương lại. Những dấu tích này tập trung hơn cả ở 5 khu mộ trên sườn những quả đồi: khu Đồi Sành, khu Khe Xăng Dầu, Khu Thuỷ Sản, khu Mỏ Vít và khu Đảo Xanh. Có thể nhận biết đó là những khu mộ qua việc tìm thấy những thanh đá hòn mồ với hình dáng và kích thước to nhỏ khác nhau, sử dụng loại đá cát kết màu xám và nâu đỏ, kết cấu hạt thô, mềm, dễ ghè đẽo, dài khoảng từ 0,7m - 0,9m.

Khảo sát khu mộ ở Khe Xăng Dầu.

Sườn đồi Khe Xanh sạt lở, lộ vết tích mộ táng.
Cá biệt, khu mộ ở Mỏ Vít hòn mồ sử dụng đá thạch anh, là loại chất liệu dường như còn ít thấy sử dụng. Bên cạnh đó là những vệt than củi cháy vương vãi trên bề mặt, hay tạo thành vỉa kết dính trong các vách hố đào của những kẻ săn lùng đồ cổ. Dấu vết của việc đào trộm, tàn phá nghiêm trọng cho thấy rõ nhất là hàng trăm hố đào nham nhở làm nát bề mặt di tích. Theo người dân kể lại, những hố sâu, rộng là mộ chứa nhiều đồ tuỳ táng hoặc đồ quí, có giá trị kinh tế lớn như trống đồng, thạp đồng, thạp gốm hoa nâu lớn... ngược lại hố nông là bởi do những mộ đó không có hoặc đồ tuỳ táng không có "giá trị".

Thanh đá hòn mồ nằm rải rác trên bề mặt.
Có lẽ đáng chú ý hơn cả là những "bãi" mảnh vỡ của đồ gốm sứ Việt Nam có niên đại từ thế kỷ 12 -13 đến thế kỷ 15 -16, chủ yếu là bát, đĩa, âu, bình, thạp.... với các loại men trắng ngà, men trắng hoa nâu, men ngọc và nâu trang trí ám hoạ hoa cúc và hoa sen rất đặc trưng đặc trưng gốm men thời Lý - Trần, bên cạnh số ít là đồ gốm men trắng vẽ lam thời Lê sơ. Bên cạnh gốm Việt Nam là đồ sứ Trung Quốc với đủ loại cả men ngọc, men trắng, hoa lam cao cấp (Long Tuyền) và thứ cấp (các lò nam Trung Quốc) .

Bát gốm thời Trần là đồ tùy táng phổ biến trong các ngôi mộ Mường.
Ngoài ra, còn có những "bãi" lon sành, chủ yếu là loại lon hình trụ, bu gà với gờ miệng vát hay vê tròn mãu hồng và tím nhạt, trang trí văn chải kết hợp với văn sóng nước khắc vạch là đặc trưng thời Trần thấy phổ biến trong di chỉ sản xuất gốm sứ Xóm Hống (Hải Dương). Sự xuất hiện với số lượng lớn của đồ gốm sứ và sành phần nào cho biết "vị trí, thân phận" của chủ nhân các khu mộ đó, "giàu" hay "nghèo" địa vị cao hay thấp trong xã hội đương thời ? bởi đó chính là các đồ tuỳ táng hay có thể một bộ phận tham gia kè mộ (lon sành).
Từ thực tế phát hiện và nghiên cứu cho thấy khu vực Đồng Mô có mật độ dày đặc các khu mộ Mường cổ. Đây vốn là những khu mộ rất lớn của người Mường kéo dài từ thời Lý - Trần đến thời Lê sơ. Rất có thể tên gọi Đồng Mô là tên gọi chệch của đống mồ/đống mộ/đồng mồ/đồng mộ ? Ở đó, có những khu mộ đã bị phá huỷ nghiêm trọng, song cũng có những khu còn tương đối "nguyên vẹn" như khu Mỏ Vít. Tại đây, ngoài những vết tích nêu trên, đã phát hiện được những ngôi mộ còn tương đối nguyên vẹn với những hàng lon sành kè mộ, nhiều ngôi mộ lộ rõ lớp đất lateritte vốn là lớp đất đắp mộ, huyệt mộ tương đối rõ. Trên cơ sở kết quả khảo sát, chúng tôi đã tiến hành đào thám sát tại khu vực Đồi Sành và thu được những kết quả hết sức khả quan và thú vị, hé lộ nhiều vấn đề khoa học trong việc nghiên cứu về táng tục của người Mường xưa.
TS. Nguyễn Văn Đoàn-Phó Giám đốc BTLSQG