Thứ Sáu, 24/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/04/2014 15:02 5303
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Di tích khảo cổ học Hòa Diêm thuộc đội 5, thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Di tích này có tọa độ khoảng 11o55’40’’ độ vĩ Bắc; 109o3’30’’ độ kinh Đông, cách di chỉ Xóm Cồn, phường Cam Linh, thị xã Cam Ranh khoảng 5km. Di tích Hòa Diêm nằm trong thung lũng của dãy núi Tà Lưa, cách bờ biển khoảng 500m về phía Đông và ở gần đó có nguồn nước ngọt tự nhiên thuận tiện cho con người sinh sống.

Di tích Hòa Diêm được phát hiện vào tháng 2 năm 1998 (Viện Khảo cổ học đi nghiên cứu, khảo sát các di tích thuộc văn hóa Chăm Pa ở 3 tỉnh Nam Trung Bộ là tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận). Thông qua một số mảnh gốm cổ của di tích, các nhà khảo cổ học dự đoán là nhưng mảnh gốm này thuộc vào khoảng cuối Văn hóa Sa Huỳnh sang đến tận Chăm Pa sớm.

Tiếp đó, tháng 4 năm 1999, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Khánh Hòa đã đào thám sát tại di tích Hòa Diêm, các nhà khảo cổ đã thu được trên 3000 tiêu bản trong đó chủ yếu là đồ gốm, đặc biệt là phát hiện mộ vò và mộ đất. Qua các hiện vật ở đây phản ánh nhiều giai đoạn cư trú của cư dân cổ nhất là sự có mặt của đồ gốm Xóm Cồn (di tích Xóm Cồn là di tích đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam-nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật năm 1980).

Bình diện hố khai quật khảo cổ di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa năm 1999

Để góp thêm tư liệu tìm hiểu văn hóa Tiền sơ sử Khánh Hòa, vào tháng 3 và tháng 4 năm 2002, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khảo sát địa điểm di tích Hòa Diêm đã thu được kết quả khá bất ngờ. Qua thám sát lần này các nhà khảo cổ học nhận định: Tầng văn hóa dày mỏng khác nhau, tìm thấy được 14 mộ chum và 2 mộ đất, hiện vật thu được gồm các hiện vật như đồ đá, đồ gốm và 2 chiếc rìu đồng còn khá nguyên vẹn, nhất là chiếc rìu đồng xòe cân có họng tra cán và những mảnh gốm có chất liệu xương gốm mỏng, màu đen nhạt, cứng, trên thân và đáy có trang trí hoa văn in ấn lỗ được chôn theo trong mộ. Như vậy, di tích Hòa Diêm là di chỉ cư trú đồng thời là khu mộ táng (mộ táng gồm có mộ chum và mộ nồi vò).

Ba cá thể trong mộ chum tìm thấy tại di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa

Qua các đợt thám sát, khai quật và nghiên cứu vào những năm 1999; 2002 cho thấy di tích Hòa Diêm mang những đặc trưng khá độc đáo, nên ngày 8 tháng 1 đến 14 tháng 1 năm 2007, Đại học Waseda Nhật Bản cùng Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học, viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa và Viện Khảo cổ học đã tổ chức khai quật với mục đích khoa học nhằm hiểu biết cụ thể hơn những nét đặc trưng độc đáo của di tích Hòa Diêm.

Hiện trường khai quật khảo cổ di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa năm 2007

Diện tích khai quật năm 2007 là 72m2, qua hố thám sát và khai quật cho thấy:

Tầng văn hóa: Lớp trên 20cm - 40cm là lớp mộ táng, lớp giữa từ 50cm – 60cm là lớp cư trú, lớp này gồm nhiều vỏ sò, mảnh gốm vỡ và xương động vật. Lớp dưới là lớp sinh thổ.

Mộ táng: Các ngôi mộ nằm khá nông so với bề mặt đất canh tác, chỉ đào xuống 20cm thì đã thấy dấu vết của mộ. Mộ chum được chôn vào tầng văn hóa lớp dưới ở độ sâu khoảng 70cm – 80cm, dưới lớp này là lớp sinh thổ cát trắng. Có 2 ngôi mộ đất xuất hiện sát lớp sinh thổ.

Hiện vật: Hiện vật chủ yếu là đồ tùy táng được chôn theo bên trong và bên ngoài chum bao gồm đồ gốm (chum, bình, nồi, lọ, âu, bát bông, nổi bật là một bình gốm có 8 cái “vú”); vỏ sò; xương động vật; một ít đồ sắt và đồ trang sức (chất liệu bằng đá, mã não, đá ngọc nephrite, thủy tinh). Ngoài ra, có một mộ đất ở bên cạnh hộp sọ của ngôi mộ này có thấy một chiếc chuông đồng nhỏ, chiều cao gần 20cm, không trang trí hoa văn.

Đồ gốm chủ yếu là chum, hình cầu, miệng được ghè phẳng có chủ ý, đường kính của chum lớn nhất khoảng 45cm – 75cm, cao 20cm – 60cm, một số chum có nắp đạy và một số không có nắp đạy. Khi đã được phục chế cho thấy, chum có nắp đạy rất độc đáo, có núm cầm ở giữa rất rõ. Mép miệng hơi ngả ấn răng cưa. Phần cổ hơi cao trang trí khắc vạch in chấm quanh phần cổ, bên trong là 2 đường vẽ in chấm mép sò. Phần vai của chum rộng và vát chéo, trên vai trang trí hoa văn phong phú bằng các đường khắc vạch. Trên thân trang trí in chấm tạo thành những mảnh trang trí khác nhau. Phần đáy chum cong tròn. Dựa trên các mảnh gốm vỡ thì thấy, chất liệu gốm có pha bã thực vật, màu xám đen, xương gốm thường có độ dày 0,8 – 1,0cm, áo gốm được xử lý kỹ có trang trí hoa văn.

Chum gốm tìm thấy tại di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa.

Đèn gốm tìm thấy tại di chỉ Hòa Diêm, Khánh Hòa.

Đồ trang sức trong di chỉ Hòa Diêm chủ yếu là hạt chuỗi, tổng số hạt chuỗi khai quật được trong năm 2007 gần 520 hạt bao gồm các loại chất liệu như mã não, đá ngọc và thủy tinh. Có 2 hạt chuỗi bằng vàng được xác định ở ngoài mộ chum cùng rất nhiều hạt chuỗi thủy tinh, mã não nằm rải rác trên diện tích khai quật.

Qua các cuộc khai quật và kết hợp của các đợt điều tra, thám sát và hiện vật ở Di tích Hòa Diêm cho thấy di tích Khảo cổ học thuộc giai đoạn Tiền – Sơ sử ở Khánh Hòa tồn tại cho đến vài thế kỷ đầu Công nguyên.

Di tích này có tầng văn hóa khá thống nhất, mộ táng phân bố dày với nhiều loại hình khác nhau. Tính chất của di tích là mộ táng phân bố ngay trong khu cư trú. Mộ táng nằm trong tầng văn hóa, khá phong phú về loại hình như: mộ đất, mộ chôn lần đầu, mộ chôn biểu trưng, mộ hỏa táng và mộ cải táng. Mộ chum ở đây chủ yếu là mộ chum hình cầu và mộ nồi vò đáy tròn. Việc táng thức cũng rất đa dạng, phần lớn các mộ khai quật được ở đây, phát hiện được di cốt người với hình thức táng tục khác nhau chôn lần đầu hoặc vừa chôn lần đầu kết hợp với cải táng. Mộ chum có thể chôn một hay nhiều tử thi, có chum không có tử thi. Đồ tùy táng tìm thấy cả bên trong và bên ngoài mộ chum với nhiều loại hình và chất liệu như: đồ gốm, đồ sắt, đồ đồng, đá quý…Mộ chum ở đây có dáng hình cầu, có dáng lạ như chum hình cầu có cổ, có nắp đạy được trang trí hoa văn hoặc vẽ màu (đây cũng là loại chum chỉ thấy ở di tích Hòa Diêm). Kiểu táng thức rất gần với phong cách mai táng của Văn hóa Sa Huỳnh.

Qua các di vật như: rìu, bàn mài, công cụ xương, công cụ bằng vỏ nhuyễn thể, đồ sắt… có thể cho thấy chúng mang nhiều yếu tố của Văn hóa Xóm Cồn, đồng thời có thế đoán định được khu cư trú ở di tích Hòa Diêm cũng thể hiện các giai đoạn sớm muộn khác nhau. Thêm nữa trên bề mặt tầng văn hóa lác đác có mặt gốm với kiểu dáng và chất liệu giống đồ gốm thuộc di tích Chăm sớm ở miền Trung Việt Nam. Đồ gốm trong di chỉ cư trú và đồ gốm trong đồ tùy táng có thể phân biệt khá rõ nét thông qua một số kiểu dáng và kích cỡ, đặc biệt là hoa văn trang trí, cũng cho ta thấy những giai đoạn phát triển của đồ gốm Hòa Diêm. Nhất là gốm trang trí 8 vú cũng gần gũi với những đồ gốm có vú ở di chỉ Long Thạnh

Về niên đại, đã có những mẫu được phân tích bằng phương pháp AMS những chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên dựa vào 2 đồng tiền Ngũ Thù (Hán) đã phát hiện được trong khai quật cho thấy khu mộ của di tích Hòa Diêm có niên đại sớm nhất là tương đương thời Hán (Tây Hán và Đông Hán) trong thế kỷ I trước Công nguyên đến một vài thế kỷ đầu Công nguyên. Niên đại tương đương với Văn hóa Sa Huỳnh muộn ở miền Trung (Việt Nam).

Từ tư liệu trong các đợt khai quật, từ loại hình di tích, di vật đã mang lại những nhận thức về vấn đề không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh. Có thể cho rằng trong nhiều con đường phát triển của di tích Hòa Diêm có một nhánh phát triển lên Văn hóa Chăm Pa.

Lê Thị Huệ (tổng hợp)

Nguồn:

- Báo cáo kết quả khai quật di tích Hòa Diêm – Khánh Hòa năm 2002.

- Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2007. Khai quật Hòa Diêm - Khánh Hòa tháng 1 năm 2007.

- Khai quật di chỉ ở Cam Ranh, Khánh Hòa năm 2002. Báo Thanh Niên, số 218 (2418), ra ngày thứ 3, 6/8/2002.

- Khảo cổ học số 5/ 2009. Tác giả Bùi Chí Hoàng. Không gian văn hóa Sa Huỳnh: Nhận thức từ di chỉ Hòa Diêm (Khánh Hòa).

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4608

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Vùng đất Kiếp Bạc “Địa linh Nhân kiệt”

Vùng đất Kiếp Bạc “Địa linh Nhân kiệt”

  • 14/04/2014 15:35
  • 3582

Vùng đất Kiếp Bạc nằm liền kề bên tả ngạn sông Lục Đầu Giang, thuộc địa phận xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương), cách Hà Nội khoảng 100km về phía đông, cách Phả Lại 5km về phía Bắc. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây là nơi có vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều mặt. Trên hết, đó là vị trí tiền tiêu của cả vùng đông bắc rộng lớn của tổ quốc, thường được ví như điểm "đầu con đường xâm lược" của phong kiến phương Bắc.