Tượng gốm là một trong các loại hình điêu khắc xuất hiện sớm nhất của văn minh nhân loại, mang đặc trưng là nghệ thuật tạo hình trực quan theo không gian ba chiều nhằm phản ảnh hiện thực hoặc mang tính biểu tượng. Do đặc thù vật liệu, gốm chỉ phù hợp để làm các bức tượng nhỏ. Tuy vậy, các tác phẩm tượng gốm không những thể hiện khát vọng hướng tới Chân - Thiện - Mỹ của loài người mà còn phản ảnh niềm tin tôn giáo ở hầu hết các nền văn hóa trên thế giới.
Ở Việt Nam, tượng gốm sớm nhất đã được tìm thấy trong Văn hóa Phùng Nguyên, thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 – 3500 năm. Đến thời kỳ phong kiến tự chủ (thế kỷ 10 – đầu thế kỷ 20), cùng với sự phát triển của nghề gốm, tượng gốm ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người Việt, tượng gốm còn được sản xuất để phục vụ việc thực hành các nghi lễ thờ cúng, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Không những thế, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống hàng ngày; bằng bàn tay tài hoa, sức sáng tạo và óc thẩm mỹ, các nghệ nhân gốm Việt xưa đã thổi hồn vào đất để tạo ra những thành quả văn hóa, nghệ thuật phản ảnh sinh động các mặt đời sống xã hội, thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử.
Tượng gốm cổ Việt Nam không những đa dạng về chất liệu, dòng men mà còn phong phú về hình thức thể hiện và chức năng sử dụng. Thực tế cho thấy, tượng gốm cổ Việt Nam được làm bằng nhiều chất liệu gốm như gốm xốp, đất nung, sành, gốm men, sứ và hiện diện trong đủ các dòng men khác nhau như men trắng, men rạn, men nâu, men lục, men vàng, men ngọc, hoa lam, hoa nâu, nhiều màu... Về hình thức thể hiện, tượng gốm cổ Việt Nam bao gồm tượng độc lập, vật dụng tạo hình theo hình thức tượng tròn và tượng trang trí với tư cách là một bộ phận hữu cơ của hiện vật.

Banner giới thiệu trưng bày chuyên đề “Tượng gốm cổ Việt Nam”.
Nhằm giúp khách tham quan có thêm hiểu biết về nghệ thuật điêu khắc tượng gốm cổ Việt Nam, Bảo tàng lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề Tượng gốm cổ Việt Nam. Trưng bày giới thiệu khoảng 70 hiện vật có niên đại từ khoảng 4000 năm cách ngày nay đến đầu thế kỷ 20 theo 3 chủ đề:
Tượng gốm hiện thực
Trong nghệ thuật tượng gốm cổ Việt Nam, tượng gốm hiện thực ngày càng trở nên phổ biến vì đây là những sản phẩm mỹ thuật thực dụng phục vụ nhu cầu trang trí, hưởng thụ cái đẹp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng cư dân. Tính hiện thực đã nâng cao giá trị phản ảnh thực tiễn cuộc sống của những bức tượng vừa mang tính thẩm mỹ, vừa mang tính thực dụng này. Đây cũng là sưu tập hiện diện đầy đủ nhất các chất liệu gốm như đất nung, sành, gốm xốp và gốm men, không những phong phú về loại hình sử dụng mà còn đa dạng về đề tài thể hiện như con người, các loài chim, thú, vật nuôi… gần gũi với đời sống con người.

Tượng mèo, gốm hoa nâu- thời Lý, thế kỷ 11-13.

Tước hình chim vẹt, gốm hoa nâu- thời Lý, thế kỷ 11-13.
Trong các văn hóa thời đại kim khí như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, gò Mun, Đông Sơn ở miền Bắc (khoảng 4000 – 2000 năm cách ngày nay) và Giồng Cá Vồ ở Đông Nam bộ (khoảng 2500 – 2000 năm cách ngày nay) các nhà khảo cổ học đã tìm thấy tượng người, tê giác, chim và tượng các loài động vật gần gũi trong cuộc sống như trâu, bò, lợn, gà… Nhóm tượng này chủ yếu làm bằng gốm xốp và đất nung, mặc dù còn thô phác, mộc mạc nhưng mang tính hiện thực cao, phản ảnh thực tiễn đời sống kinh tế đương thời cư dân Việt cổ đã thành thục trong việc thuần dưỡng nhiều loại gia súc, gia cầm phục vụ cuộc sống.

Hộp hình voi, gốm hoa lam- thời Lê Sơ, thế kỷ 15 (hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm-Hội An, Quảng Nam).
Trong các triều đại phong kiến tự chủ, tượng gốm hiện thực là loại tượng xuất hiện khá phổ biến nhằm đáp ứng nhu cầu đưa thẩm mỹ vào thực dụng. Bởi vậy, loại tượng này chủ yếu là những vật dụng hàng ngày được tạo hình theo hình thức tượng người, tượng động vật hoặc là tượng trang trí sản phẩm. Loại hình thì rất đa dạng, hiện diện trong hầu hết những loại hình sử dụng khác nhau: Đồ dùng sinh hoạt có các loại ấm, chén, lọ, bình, hộp, bình vôi, điếu hút thuốc… hình cóc, cua, cá, rùa, voi, ngựa, các loài chim… Đèn thắp sáng có đèn hình người, đĩa đèn có ống cắm bấc hình voi, rùa… Đồ trang trí có các loại chậu cảnh hình voi, các loại lọ hoa ốp tường hình tôm, cá, mai điểu…
Tượng gốm tôn giáo, tín ngưỡng
Tượng gốm cổ Việt Nam phục vụ tôn giáo tín ngưỡng chủ yếu gồm tượng Phật giáo và tượng các vị Thần linh trong các tín ngưỡng dân gian. Thời Lý – Trần, tượng Phật giáo chủ yếu là tượng Đức Phật và các vị tăng già, tổ Phật. Kích thước tượng đa phần đều rất nhỏ, được làm bằng đất nung hoặc gốm men để thờ trong các bảo tháp, động Phật. Những giai đoạn muộn về sau, tượng Phật giáo chủ yếu bằng chất liệu gốm men. Các nhân vật Phật giáo cũng đa dạng hơn trước nhưng xuất hiện nhiều hơn cả là tượng Quan Âm trong nhiều hình thức hóa thân khác nhau như Quan Âm cam lồ, Quan Âm tự tại, Quan Âm thủ quyển, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm tống tử… đáp ứng nhu cầu tu hành tại gia và việc thờ phụng mang tính chất cá nhân trong các am thờ hoặc những khi du hành trên đường.

Tượng Quan Âm Bồ Tát, gốm men trắng-thời Nguyễn, thế kỷ 19 (Lò gốm Bát Tràng, Hà Nội).

Tượng Tam Đa (Phúc- Lộc- Thọ), gốm nhiều màu- thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19- đầu thế kỷ 20 (Lò gốm Bát Tràng, Hà Nội).
Tượng Thần linh có các loại tượng Tam Đa (Phúc – Lộc – Thọ), Táo Công, Thổ Địa, Thần Tài… Mỗi tượng thường mang một ý nghĩa biểu trưng riêng, gắn với các niềm tin tâm linh mang đến sức khỏe, bình an, phúc đức, tài lộc… cho chủ nhân sở hữu.

Tượng nghê thờ, gốm men trắng vẽ lam và nâu- thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17-18.

Tượng voi đội bình, gốm men rạn- thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17-18.
Ngoài ra, do các nghi lễ thờ cúng ngày càng đa dạng nên việc chế tác các vật dụng nghi lễ theo hình thức tượng tròn ngày càng trở nên phổ biến. Đó là những chiếc đèn, đài thờ, đỉnh trầm, bình nước, bình hoa… được tạo tác theo hình các linh vật như rồng, phượng, lân, nghê, voi, sư tử… Những vật dụng này không những vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang ý nghĩa sử dụng mà còn mang tính thẩm mỹ cao.
Tượng gốm trang trí kiến trúc
Tượng gốm trang trí kiến trúc chủ yếu là tượng các linh vật như rồng, lân, nghê, xi vẫn… được gắn trên bờ nóc, bờ quyết, tàu đao quật thuộc bộ mái hoặc tam quan, trụ cổng các công trình kiến trúc cung đình, tôn giáo tín ngưỡng và dân sinh cổ như cung điện, chùa, đình, đền, miếu, lăng mộ, nhà thờ họ, cầu ngói, cổng làng… Mỗi linh vật mang một ý nghĩa biểu tượng khác nhau, đồng thời là những hình tượng thể hiện tinh thần của các công trình kiến trúc cổ: rồng mang ý nghĩa là biểu tượng trung tâm, thường được gắn ở giữa nóc mái; lân, nghê là những linh vật canh giữ về mặt tinh thần, mang đến điềm lành và xua đuổi tà ma, ác quỷ nên thường được gắn trên bờ quyết theo hướng trông xuống góc mái (nên còn được gọi là con xô), hoặc đặt trên đầu hai trụ cổng theo hướng châu đầu vào nhau; xi vẫn là biểu tượng của nước, thường được đặt ở hai đầu nóc mái hoặc các góc tàu đao quật (nên còn được gọi là con kìm), với niềm tin sẽ mang đến những cơn mưa lành ngăn chặn hỏa tai cho ngôi nhà…

Tượng người gắn trên ngói úp nóc, đất nung- thời Trần, thế kỷ 13-14.

Tượng lân hí cầu, sành - thời Nguyễn, thế kỷ 19 (lò gốm Thổ Hà, Bắc Giang).
Do đặc thù trang trí ngoài trời, chất liệu gốm ít được sử dụng mà chủ yếu là đất nung, đất nung tráng men hoặc sành. Mặc dù vậy, kỹ thuật chế tác và đặc trưng nghệ thuật của tượng trang trí kiến trúc mang xu hướng thời đại rất rõ nét.
Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ tháng 21/4/2014 tại phòng trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Hữu Vy