Thứ Tư, 15/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/04/2014 15:34 4007
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chuyện kể rằng, vào thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), có một người nông dân làm nghề chài lưới ở làng Thuận Nghĩa, xứ Thanh, do ngày ngày tiếp xúc với sò hến, cá tôm, nên đã nhìn thấy sự huyền ảo của sắc màu từ những vỏ trai, hến phát ra, đặc biệt là khi nó nằm trong những khoảng sáng tối phân tranh.

Về nhà, người nông dân nảy ra ý định cắt những vỏ trai, dán vào chân bàn thờ và quả tình, nó có sức quyến rũ lạ thường. Ông đã đem dán lên tất cả những đồ gỗ gia đình, khiến đem lại bao lời đồn thổi, đưa đến tai ương. Quan trấn thủ đến nhà, bắt lên dinh trị tội vì những đồ dùng của một dân đen lại dám trang trí những hình long, phượng của triều đình và hoàng tộc. Ông phải chịu tội chu di. Thế nhưng, sau bao lần kêu oan, được quan tha, nhưng tất cả đồ gỗ trong nhà bị tịch thu. Nỗi sợ cứ đeo đuổi và dằn vặt ông hoài, buộc phải bỏ làng đi tha hương nơi đất khách. Đất khách ấy chính là làng Chuyên Mỹ, tức làng Chuôn, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây ngày nay. Tại đây ông đã phát triển nghề khảm trai và trở thành tổ nghề. Hậu duệ đã ghi công, lập đền thờ. Một bộ phận khác của dòng họ đã chuyển về Thăng Long, mở ra phố Hàng Khay, và để tưởng nhớ người khai sinh ra nghề khảm, họ cũng đã lập đền thờ ông ở đây, đó chính là phần nối phố Tràng Tiền hiện nay, mà xưa kia là làng Cựu Lâu của kinh thành Thăng Long một thời vang bóng.

Khay khảm trai, triều Nguyễn.

Cụ tổ nghề ấy chính là Vũ Văn Kim (cũng có tài liệu ghi là Nguyễn Kim). Một truyền thuyết khác lại kể rằng, ông tổ nghề khảm trai của Chuyên Mỹ là Trương Công Thành, sống vào triều Lý Nhân Tông, cách đây 900 năm, vốn là một tướng tài, có công dẹp giặc ngoại xâm. Làm quan được một thời gian, ông cáo quan đi tu. Trong thời gian tu hành, ông đã kiếm vỏ trai về khảm những đồ thờ cúng. Từ đó, dân địa phương học được nghề. Sau khi qua đời, dân Chuyên Mỹ đã thờ ông là thần hoàng và tôn làm tổ nghề.

Hộp tròn khảm trai, triều Nguyễn.

Vũ Văn Kim, Trương Công Thành hay Nguyễn Kim là hai hay ba khi mà truyền thuyết đã bị khúc xạ bởi thời gian và lời kể dân gian. Hai hay ba là một sự thường tình của sử liệu dân gian, khiến cho hậu thế khó bề phân xử. Thế nhưng, vượt lên trên hết thảy, ta thấy ngay sự ảnh xạ của truyền thuyết, đó là nghề khảm trai Việt Nam có lịch sử 900 năm cách ngày nay. Thế nhưng, dường như truyền thuyết và gia phả không nhận được sự ủng hộ của di tích, di vật, khi mà những bức chạm gỗ trong các chùa chiền thời Trần, tuy là siêu đẳng về nghệ thuật và sự tài khéo, nhưng đó đều là những tác phẩm không thuộc về nghề khảm và sơn thếp.

Hộp khảm trai, triều Nguyễn.

Hộp khảm trai, triều Nguyễn.

Sử sách có ghi năm 1289, vua Trần gửi tặng vua Nguyên nhiều đồ khảm vàng: hòm gỗ, chén bằng sừng tê, bàn cờ bằng xương voi...khảm vàng. Tuy những báu vật này không phải khảm bằng trai, nhưng với kỹ nghệ khảm, chạm ấy, hẳn chúng ta có thể tin được nghề khảm Việt Nam ra đời khá sớm. Sử còn chép rằng, thời Bắc thuộc, đồ khảm xà cừ của ta đã có tiếng. Những loại khay, cơi trầu khảm xà cừ đều được sử sách Trung Quốc khen là báu vật.

Câu đối, thời Nguyễn.

Chất liệu gỗ khảm thật khó còn giữ được đến ngày nay, khiến cho việc định nhận niên đại ra đời của đồ khảm Việt Nam thông qua di vật quả là khó khăn, bế tắc. Tuy vậy, những gì còn lại đến hôm nay, thông qua những bộ sưu tập đồ gỗ khảm trai của thời Nguyễn, của những làng nghề suốt từ Bắc đến Trung, có thể thấy nghề khảm Việt Nam là có bề dày lịch sử và truyền thống. Sách Vân Đài loại ngữ năm 1776, học giả Lê Quý Đôn có viết “Xà cừ sản ở Quảng Nam trước không có thuế thương. Có dùng để trang sức thì quan Đồ gia hạ lệnh cho quan công đường xứ ấy truyền cho các xã trên phường tìm mua để nộp, hoặc bốn năm trăm cái, hoặc vài nghìn cái. Người xứ Thuận Hoá hay dùng để trang sức khay vuông, hộp tròn, hòm mũ, chuôi kiếm. ở Chiêm Thành và Cao Miên, khay hộp trang sức bằng xà cừ thì khảm lẫn các mảnh thuỷ tinh nhỏ, xanh biếc rực rỡ”. Rõ ràng, đến thế kỷ 18, nghề khảm của ta đã sản xuất với số lượng mang tính hàng hoá. Điều ghi chép ấy của Lê Quý Đôn theo tôi là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của ngành nghề này xét từ mọi góc nhìn.

Bát điếu, thời Nguyễn.

Nghề làm đồ gỗ nói chung, nghề khảm trai nói riêng ở Việt Nam hiện nay đang rạng rỡ hồi xuân với những làng nghề và sản phẩm làng nghề đầy ấn tượng, thu hút sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước. Xưa kia gỗ khảm là đồ dùng của tầng lớp trên, thì ngày nay trở thành đồ gia dụng của đa số người dân ở thành thị cũng như nông thôn và đang trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sản phẩm của xứ nóng ẩm, theo đó, mọi công nghệ dường như chỉ tạo nên những hàng hoá mang tính vùng, khó có thể vươn sang xứ lạnh, khi những hoạ tiết trang trí bằng vỏ trai, ốc đều bị bong tróc khi gặp thời tiết khô hanh. Vấn đề đặt ra cho làng nghề, sản phẩm làng nghề phải thích ứng được với thị trường rộng lớn khi chúng ta đang hội nhập với toàn thế giới. Muốn như thế, cần phải nghiên cứu để đổi mới quy trình công nghệ, phải biết vinh danh các nghệ nhân để tranh thủ kinh nghiệm, đừng như xưa kia, người đời nhìn những người thợ khảm bằng con mắt miệt thị, chua cay:

“Hoài người lấy chú thợ khay

Cò cưa ký quéc có ngày không cơm”.

TS.Phạm Quốc Quân

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4584

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Di tích thời Lý ở khu vực núi Phương Nhi (Ý Yên, Nam Định)

Di tích thời Lý ở khu vực núi Phương Nhi (Ý Yên, Nam Định)

  • 31/03/2014 16:28
  • 4392

Trong chương trình khảo sát một số di tích thời Lý - Trần quanh khu vực Ý Yên (Nam Định), chúng tôi đã khảo sát tại núi Phương Nhi nằm trong dải núi sót nối liền từ dãy Điệp Sơn (Hà Nam). Nằm đối diện là núi Ngô Xá, nơi có phế tích ngọn Bảo tháp Chương Sơn nổi tiếng.