Xưa nay, những người nghiên cứu không chuyên thường nhầm lẫn hay ít ai phân biệt sản phẩm của làng nghề này với gốm Chu Đậu - Hùng Thắng, để gọi với cái tên chẳng đúng cũng chẳng sai: Gốm cổ Hải Dương.
Thế nhưng, gốm làng Cậy, đặc biệt là gốm hoa lam có những đặc điểm rất dễ nhận ra, mang đặc trưng riêng biệt, cho dù, nó có cùng thời đại với bao trung tâm gốm nổi tiếng khác của Hải Dương.
Cậy là tên gọi dân gian của hai làng Kẻ Gián và Hương Gián xưa. Thời Lê Quang Thuận (1640 - 1469), Cậy thuộc tổng Bình Gia, huyện Đường Yên, phủ Thượng Hồng. Đây là trung tâm sản xuất gốm có từ thế kỷ 15 và phồn thịnh vào thế kỷ 16 - 17.
Sản phẩm gốm Cậy gồm 4 dòng chính: Gốm men xanh ngọc, gốm men nâu, gốm men trắng - xanh và gốm men trắng vẽ lam. Tuy nhiên, gốm hoa lam ở đây là chủ yếu, chiếm tỷ lệ là 80-90%.
Đĩa, gốm Cậy- thế kỷ 15-16.
Gốm hoa lam ở Cậy thế kỷ 15-16 điển hình là loại đĩa dáng chậu, giữa lòng vẽ cá ngão, chim đậu cành mai, bát đĩa chân cao vẽ hoa cúc, hoa sen dây với những lá xoắn dài. Sang thời Mạc, loại hình phong phú hơn, đó là bát sâu lòng vẽ đoàn người đi bộ, đĩa sâu lòng vẽ “cây bên cầu” theo phong cách Trung Quốc thời Minh và các biến thể mang tính địa phương, phổ biến là môtíp cây, lá. Kỹ thuật xếp nung của bát, đĩa lò Cậy thường dùng con kê ba, bốn mấu. Từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, ngoài đồ gốm sinh hoạt, Cậy còn sản xuất những đồ thờ tự, gồm lư hương, chân đèn. Ngày nay, chúng ta còn tìm được những lư hương còn ghi rõ “Thượng Hồng phủ, Đường Yên huyện, Hương Gián xã” hay những dòng minh văn khẳng định niên đại tuyệt đối của sản phẩm,...đó là ngày 2 tháng 4 năm Hoằng Định 19 (1618) hoàn thành tác phẩm này.
Bát, gốm Cậy- thế kỷ 15-16.
Sang thế kỷ 17, dường như Cậy đã bước vào giai đoạn suy tàn với những loại hình đồ gốm đơn giản và phong cách trang trí thô phác, bao gồm các loại bát, đĩa rất thấp, sâu lòng vẽ cành lá cách điệu màu lam đen hay các loại bát đĩa nhỏ đế rộng, thành xiên vát có miệng thẳng hay miệng vê gấp, tạo gờ nổi, trang trí các đường chỉ lam và cành lá. Những sản phẩm này thường có men màu trắng xám, phần thân dưới và đế không phủ men.
Có thể nói, vào thời kỳ thịnh đạt và hoàng kim, gốm Cậy được chia thành hai dòng: gốm cao cấp và gốm bình dân, phục vụ cho mọi nhu cầu xã hội. ở đây còn sản xuất các loại con kê để cung cấp cho các lò gốm khác trong vùng. Tính chất đa năng của Cậy khiến cho nó có vị trí xứng đáng trong sự quan tâm của giới nghiên cứu, của người sưu tầm và vượt lên trên hết là vai trò quan trọng trong hệ thống gốm Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lư hương, gốm Cậy-thế kỷ 15-16.
Thế nhưng, cũng như bao số phận khác của trung tâm gốm Hải Dương, sau ba bốn thế kỷ phát triển và tỏa bóng như một cây đại thụ, nó đã bị lụi tàn, để lại một gốc sù xì tưởng như không còn sức sống. Ba trăm năm sau thế kỷ 17, nó như một gốc cây thế để người đời chiêm ngưỡng, nuối tiếc và hồi cố về một thời vàng son. Nền kinh tế thị trường như một cơn mưa rào làm cho cây khô nhú lên những mầm non, đó là những lò gốm tư nhân, sản xuất những đồ gốm dân dụng và mỹ nghệ phục vụ cho xây dựng, xuất khẩu, mang đậm sắc thái của gốm Cậy truyền thống và sự cách tân của thời hiện đại. Giờ đây, làng Cậy trở thành điểm đến của hành trình làng nghề - một dự án có tầm quốc tế đang được thực thi, hứa hẹn thêm một liều thuốc hồi sinh cho làng nghề này phát triển theo đúng định hướng. Tôi tin rằng gốm Cậy sẽ tìm lại được với quá khứ, nếu như những chủ lò, những thợ thủ nơi đây biết lắng nghe và biết quan sát những tấm gương từ các làng nghề khác để tìm cho mình một con đường do “lợi thế của người đi sau”. Lời tâm huyết này tôi đã học được từ các đồng nghiệp nước ngoài và đã đôi lần tâm sự với chủ, thợ gốm làng Cậy, nhưng dường như chưa đủ sức nặng khi sản phẩm mang tính thương mại đang là một sức ép quá lớn với họ. Mầm non nhú trên gốc cây khô là vô cùng yếu ớt trước mưa sa và bão táp, rất cần được sự che đỡ của những người vun trồng./.
TS.Phạm Quốc Quân