Có thể khẳng định, không một chút băn khoăn rằng, gốm Xứ Đông xưa, mà ngày nay, một phần thuộc đất Hải Dương, là một cây đại thụ, mà trên đó có bao càng nhánh xum xuê, tỏa bóng, tôn vinh cho vườn cây gốm sứ Đại Việt như một kỳ quan của thế giới Cổ trung đại.
Trong số những cành chủ ấy, có một cành ít được lưu tâm, nhưng lại vô cùng ấn tượng, đó là gốm Làng Ngói, với rất nhiều sản phẩm cao cấp, nay trở thành những cổ vật được khá nhiều sưu tập gia sưu tầm, nhưng tôi tin rằng, ít ai để ý tới nguồn gốc xuất xứ của chúng.
Ngói là tên dân gian của làng Thuận Lương, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Xưa kia, theo văn bia Hậu thần, soạn năm Bảo Thái thứ 5 (1724), nó thuộc xã Thuần Lương, huyện Đường Yên, phủ Thượng Hồng.
Ngói là trung tâm sản xuất gốm ra đời ở thế kỷ 15, tồn tại đến cuối thế kỷ 17, với rất nhiều sản phẩm, thuộc 4 dòng chính, nhưng ấn tượng và nổi bật nhất vẫn là gốm hoa lam. Gốm hoa lam ở đây khá phong phú về loại hình, bao gồm: bát đĩa, âu, ấm, chén, liễn có nắp, bình, chậu, bình tì bà, tước, hộp có nắp, lọ nhỏ...với hoa văn trang trí khá đa dạng: sen dây, cúc, mai, hoa đồng tiền, chim, cá, phong cảnh...
Bát chân cao, thế kỷ 15-16.
Thế kỷ 16 là thế kỷ hoàng kim của gốm Ngói, với nhiều loại hình phong phú và hoa văn trang trí sinh động. Đặc sắc nhất và dường như là một tiêu bản nổi trội mang đặc trưng gốm Ngói, đó là loại bát to, sâu, lòng vẽ phong cảnh, nhân vật, chim, thú, cá, tôm. Loại bát có chân đế thon nhỏ, đáy tô sơn nâu, ngoài vẽ hai cành lá kiểu lông vũ vắt chéo nhau, nét vẽ to, mềm, xen giữa là những hình xoắn tròn với nhiều tua xung quanh như mặt trời cũng là loại hình mang ý nghĩa chỉ định cho gốm Ngói hoa lam.
Âu, thế kỷ 15-16.
Đến nửa cuối thế kỷ 16, gốm Ngói bắt đầu có xu hướng đơn giản trong trang trí, đó là những loại đĩa nhỏ vê lòng, vẽ hoa lá, chân đế thấp, thành ngoài vẽ gân lá, tùng, cách điệu. Bước sang thế kỷ 17 và đặc biệt vào nửa cuối của thế kỷ ấy, gốm Ngói bước vào giai đoạn suy tàn, các lò gốm chỉ còn le lói như những ngôi sao hôm, với những sản phẩm chủ yếu là bát, đĩa vê lòng, kích thước nhỏ. Điển hình là loại bát đế rộng, thành vát vẽ cành lá ước lệ và các đường chỉ lam.
Lọ tỳ bà, thế kỷ 15.
Có thể nói, gốm Ngói bắt đầu biết đến từ thế kỷ 15, nhưng phải đến cuối thế kỷ ấy và sang thế kỷ 16, nó mới phát triển hoàn thiện, để rồi suy tàn vào nửa cuối thế kỷ 17. Trong gần ba thế kỷ tồn tại, gốm Ngói vừa sản xuất hàng hóa xuất khẩu, vừa sản xuất hàng phục vụ trong nước, điều này được phản ánh qua bộ sưu tập gốm ở đây đang lưu lạc tại nước ngoài và những sản phẩm tìm thấy trong các di chỉ mộ táng trong nước, với sự khác biệt lạ thường về chất lượng, kiểu dáng, hoa văn. Vậy thì, có hay không “lò quan” và “lò dân” song hành ở thời hoàng kim nơi đây? Vấn đề rất cần phải tìm hiểu, thông qua các cuộc khai quật khoa học.
Nậm rượu dáng củ tỏi, thế kỷ 15-16.
Cho đến nay, Ngói đã qua một phần tư thế kỷ nghiên cứu với ba cuộc khai quật khảo cổ học quy mô, song, những dấu vết “lò quan” ở đây chưa có tín hiệu gì đáng mừng. Thế nhưng, sản phẩm gốm cao cấp thấy trong con tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) và nước ngoài, khiến chúng ta luận suy về một cung cách trong tổ chức sản xuất gốm ở Ngói, đó là sự đa chức năng của các lò gốm, vừa sản xuất hàng cung đình, hàng xuất khẩu và hàng gia dụng. Luận suy thì vẫn chỉ được coi là giả thiết cho công tác, theo đó, câu trả lời cho vấn đề này dường như vẫn còn để ngỏ.
Tước, thế kỷ 15.
Trên cây đại thụ gốm Hải Dương, theo tôi, những lò gốm như Chu Đậu, Hùng Thắng, Cậy và đương nhiên có cả Ngói nữa...nên được coi là những cành chủ cứng cáp và xù xì, với sự vươn tỏa tưởng như không một loại sâu bệnh nào có thể làm thui cộc trong thời hoàng kim của gốm sứ Đại Việt. Thế nhưng, đâu đó vào cuối thế kỷ 17, tất cả dường như bị đột ngột lụi tàn, khiến cho có biết bao sự giải thích của hậu thế về nguyên nhân khách quan và chủ quan mà vẫn không sao thỏa mãn, cho dù đã tốn không ít giấy mực của nhiều thế hệ học giả trong và ngoài nước. Câu chuyện ấy xin được tỏ bày vào một dịp khác. Nhưng như một vấn đề hết sức thời sự hôm nay, rằng, vì sao gốm Hải Dương chưa lấy lại được truyền thống của cha ông, và các lò gốm dường như vẫn đang nhọc nhằn tìm về đỉnh cao vốn có. Câu trả lời, chắc chắn không chỉ có các nghệ nhân, thợ thủ công, các chủ lò, mà còn từ những nhà quản lý xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Tôi nghĩ rằng, thời cơ đã đến với những dự án hợp tác đầu tư mời gọi, nếu cứ làm ngơ hoặc say sưa với giấc ngủ của quá khứ vinh quang, thì còn lâu mới phục hồi được nghề gốm Xứ Đông. Thực tế sôi động đang cuốn hút các làng nghề, vào cuộc chơi ở biển lớn. Gốm Hải Dương nên tận dụng cơ hội này./.
TS.Phạm Quốc Quân