Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/03/2014 09:56 2952
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Theo GS Hà Văn Phùng, thạp Hợp Minh đã khiến Yên Bái trở thành một cái tên gắn với văn hóa Đông Sơn sáng giá.

Trong một bài viết trên Tạp chí Khảo cổ học, GS Hà Văn Phùng, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã nói về thời điểm tìm thấy thạp Hợp Minh - năm 1995. Khi đó, niềm tự hào về văn hóa Đông Sơn của Yên Bái chỉ là Đào Thịnh (thạp đồng Đào Thịnh là bảo vật quốc gia đợt 1 - NV).

Niềm tự hào Đào Thịnh đó cũng đã cách xa hàng chục năm, kể từ khi nó được tìm thấy tại H.Trấn Yên, Yên Bái. “35 năm sau, cũng ở H.Trấn Yên, cách khu di tích Đào Thịnh không xa, người ta lại phát hiện một di tích mới. Đó là di tích Hợp Minh. Dân quân xã Hợp Minh đã tìm thấy di tích này khi đào công sự. Nhờ đó thạp đồng nguyên vẹn đã được tìm thấy”, GS Phùng nhớ lại.

PGS-TS Tống Trung Tín khảo sát thạp Hợp Minh - Ảnh: tư liệu báo Yên Bái

PGS-TS Tống Trung Tín khảo sát thạp Hợp Minh - Ảnh: tư liệu báo Yên Bái.


Khi đó, theo các nhà khảo cổ, thạp được tìm thấy nguyên vẹn, trong đó có một bộ hài cốt; cũng có một số hiện vật như rìu, chuông, dao găm, khuyên tai và một số mảnh gốm vụn. Phía trên, bên ngoài thạp đồng còn tìm thấy một âu đồng ba chân đã bị vỡ làm nhiều mảnh.

Sự nguyên vẹn được giữ gìn

Nghiên cứu của GS Phùng cho thấy thạp đồng Hợp Minh còn nguyên vẹn có nắp đậy. “Đây là một trong số những thạp được giữ gìn tốt nhất từ trước đến nay. Tuy kích thước của thạp không lớn bằng Đào Thịnh nhưng lớn hơn thạp Vạn Thắng, Xuân Lạp. Điều đáng chú ý là hoa văn trang trí trên thạp rất sống động”, GS Phùng viết.

Cũng theo ông Phùng, các mô típ được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, hài hòa với nhiều chủ để sinh động, vừa cách điệu vừa hiện thực. Hoa văn trên thạp Hợp Minh không chỉ thể hiện các mô típ truyền thống như trên các thạp đồng mà còn có nhiều mô típ miêu tả cảnh sinh hoạt như trên nhóm trống đồng Heger I (dựa theo phân loại của nhà khảo cổ học người Áo Franz Heger).

Về kỹ thuật, thạp đồng Hợp Minh nặng 13,5 kg, đúc bằng khuôn hai mang. Đường giáp khuôn chia thạp thành hai nửa bằng nhau. Đó cũng là ranh giới phân chia các mảng hoa văn, không làm ảnh hưởng đến đường nét của các đồ án.

Thạp cũng có đôi quai hình chữ U lộn ngược đối xứng nhau qua thân. Đôi quai này được gắn ở miệng và cao vượt hẳn lên trên miệng. Ở lòng mỗi quai hình chữ U ta thấy người xưa còn gắn thêm một quai hình nui thuyền nhỏ. Sát với mép của nắp thạp cũng vậy. Khi nắp thạp đóng lại, chúng gắn khít với nhau.

Thạp cũng còn có cảnh 2 người hóa trang đứng đối diện, chân trước chân sau, tóc dài, chày đâm xuống một vật hình chiếc cối. Còn có cả cảnh người đang làm động tác như sàng sảy.

Tượng tròn gắn trên thạp Hợp Minh thuộc loại chim nước. Nó khác với tượng hổ báo trên thạp Vạn Thắng, tượng vật trên thạp Xuân Lộc.

Cấu trúc của tia mặt trời trên thạp Hợp Minh giống hệt các tia mặt trời trên trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa. Một số mảng hoa văn trên thân thạp được lặp lại các họa tiết thường thấy trên các thạp nhỏ. Đó là đường tròn đồng tâm có tiếp tuyến, răng cưa, vạch ngắn song song, chữ S gãy khúc.

Thạp cũng có mảng hình chim khắc chìm mô phỏng một loại chim nước như loại tượng chim gắn trên nắp thạp song đã cách điệu. Hình dáng của loại chim này ta từng thấy khắc trên thạp Vạn Thắng 1. “Vành 30 là những con thú tạm gọi là hươu nai. Tuy nhiên, nó lại không giống một loại hươu nai nào trên nhóm trống đồng Ngọc Lũ. Đây cũng là một đề tài cần sự giúp sức của các nhà động vật học để xác định tên gọi của chúng trong quá khứ cũng như trong hiện tại”, GS Phùng đánh giá.

Nghiên cứu những hoa văn khắc trên thạp, cho thấy chủ nhân của những hoa văn này cũng chính là chủ nhân những bức tranh trên trống đồng Ngọc Lũ. Do vậy, thạp Hợp Minh cùng với trống Ngọc Lũ, thạp Đào Thịnh cũng cùng niên đại.

Theo PGS-TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học phân tích thành phần hợp kim thạp đồng Hợp Minh cho thấy thành phần chủ yếu là đồng, thiếc, chì. Đó là thành phần cơ bản và ổn định của các di vật đồng văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam.

Không chỉ để dùng làm đồ đựng

Tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Quang cho biết người trực tiếp mở nắp thạp khi mới tìm thấy là anh Hà Xuân Trùy. Anh Trùy nhớ lại, khi ấy, mép thạp thấy một lớp màng màu đen phủ phía trên. Bóc đi lớp mảng màu đen này xuất hiện một lớp mền bằng vỏ một thực vật màu xám. Dưới lớp mền là bộ xương đặt ở tư thế ngồi, lưng tựa vào thành thạp, mặt nhìn ra hướng sông. Bên cạnh đó có 1 con dao găm, 1 quả chuông nhỏ, 1 khuyên tai đá 4 mấu.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ cho biết bộ xương đã được thu thập cẩn thận. Các mảnh sọ, xương chủ, xương sườn, đốt sống đã được gắn chắp và đo chỉ số. Qua giám định sơ bộ thấy đây là hài cốt của một bé gái chừng 4 - 4 tuổi rưỡi.

“Phát hiện di tích Hợp Minh khẳng định chắc chắn một trong những công dụng của thạp là được dùng để làm quan tài chôn người chết, ngoài việc dùng làm đồ đựng, vật tùy táng”, GS Phùng viết.

Trước đó, văn hóa Đông Sơn chỉ có sọ người trong thạp ở Thiệu Dương, hoặc than trong thạp Vạn Thắng, Đào Thịnh. Từ đó, các nhà khoa học cũng chỉ dừng lại ở giả thuyết về việc dùng thạp để chôn người đã cải táng hay hỏa thiêu.

“Bộ cốt trẻ em còn nguyên vẹn chứng tỏ thạp đồng đã có lúc dùng làm quan tài để chôn người chết, nhưng không phải phổ biến. Điều đó chỉ có được với những người quyền uy giàu có. Còn hầu hết những thạp dùng trong mộ cùng những đồ tùy táng khác đều thuộc loại nhỏ, hoa văn trang trí đơn giản và hầu hết là đồ minh khí”, GS Phùng khẳng định.

“Thạp đồng Hợp Minh một trong những thạp lớn nhất, trang trí hoàn mỹ nhất của văn hóa Đông Sơn. Yên Bái đã lấy hình mặt thạp đồng làm biểu tượng của truyền hình tỉnh. Nó cũng là biểu tượng, biểu trưng tự hào của tỉnh” - PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ.

Theo TNO

danviet.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Những chiếc Đỉnh đồng thời Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Những chiếc Đỉnh đồng thời Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 21/03/2014 15:50
  • 3881

Bảo tàng lịch sử Quốc gia (BTLSQG) hiện lưu giữ hàng ngàn di vật, cổ vật quý hiếm của nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều chất liệu và loại hình khác nhau. Trong muôn vàn những di vật, cổ vật quý hiếm đó có những chiếc đỉnh bằng đồng thời Nguyễn thế kỷ 19 - 20.