Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/03/2014 15:50 3880
Điểm: 3/5 (1 đánh giá)
Bảo tàng lịch sử Quốc gia (BTLSQG) hiện lưu giữ hàng ngàn di vật, cổ vật quý hiếm của nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều chất liệu và loại hình khác nhau. Trong muôn vàn những di vật, cổ vật quý hiếm đó có những chiếc đỉnh bằng đồng thời Nguyễn thế kỷ 19 - 20.

Dưới bàn tay và tâm hồn của người thợ đúc thì những chiếc đỉnh đồng không chỉ có chức năng thờ tự mà còn là vật trang trí hoặc mang những ẩn ý tốt đẹp cầu chúc cho gia chủ. Trên đỉnh người ta trang trí những loại hoa văn đơn giản như khắc vạch, hoặc cầu kỳ như đúc nổi hay trổ thủng, nhưng tất cả những đề tài ấy dù ít hay nhiều cũng đều mang một ý nghĩa nào đó gắn với những ý niệm về mong ước của con người.

Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về kiểu dáng và đề tài trang trí trên những chiếc Đỉnh đồng thời Nguyễn hiện lưu giữ tại BTLSQG.

Thông thường thì đỉnh chia làm ba phần chính: phần nắp, phần thân và chân đế.

Phần nắp đỉnh: thường có núm cầm. Núm thường được đúc liền cùng với nắp. Trên nắp có trổ thủng để khi đốt trầm, hương thơm có thể từ đây bay tỏa ra xung quanh.

Phần thân đỉnh: thường có hai bộ phận chính: thân và chân đỉnh.

Chân đỉnh được đúc liền cùng thân. Trên thân đỉnh, hai quai đối xứng đóng vai trò quan trọng, vừa là điểm tiếp xúc cầm nắm mỗi khi di chuyển, vừa tạo vẻ uy nghiêm cho không gian thờ tự.

Phần đế đỉnh: đế đỉnh là một bộ phận rời, đôi khi có những chiếc đỉnh đã bị mất đế.

I. Kiểu dáng:

Kiểu đỉnh hình cầu.

Kiểu đỉnh hình quả đào.

Ngoài những khác biệt về hình thức và kỹ thuật đúc, kiểu dáng của đỉnh cũng rất phong phú nhưng chủ yếu là các kiểu sau:

- Kiểu đỉnh hình cầu tròn: gồm có ba chân quỳ, nắp trang trí hình con lân, 2 quai là hai đầu rồng phun mưa.

- Kiểu đỉnh hình chữ nhật: là 4 chân đế dạng kỷ với 2 quai là hai mấu đốt trúc hay chữ U ngược.

- Kiểu đỉnh hình các loại quả: thân đỉnh được thể hiện là các loại quả như quả đào, lựu, phật thủ…, biểu tượng của tam đa: phúc, lộc, thọ...

II. Đề tài trang trí:

1. Đề tài rồng lân :

Trong hầu hết những hiện vật của sưu tập đỉnh đồng này, các đỉnh đồng được trang trí đề tài rồng lân tương đối nhiều. Rồng và lân thường đi đôi với nhau. Rồng thường được trang trí dưới hai quai hay chân của đỉnh. Còn lân được gắn trên nắp, hay được trang trí ở chân hoặc cũng được thể hiện dưới dạng đầu lân ở hai quai. Hai quai đỉnh là hai đầu rồng đúc dẹt cách điệu với nhiều hoa văn dải mây xoắn và vòi phun ra từ miệng rồng dưới dạng phun mưa. Có khi nắp đỉnh được gắn một chú lân tư thế dũng mãnh đang vươn ra phía trước, chân đỉnh cũng là ba chú lân nét mặt dữ tợn, hai chân sau giơ lên đỡ lấy thân đỉnh.

Đỉnh có đề tài trang trí Rồng lân.

Lại có đỉnh đồng khác, chân đế là một tượng rồng khỏe khoắn như vươn ra từ một đám mây, một chân chống vào thân, chân kia nâng viên ngọc ngang đầu. Thân đỉnh là năm râu rồng đỡ lấy hai quai cũng là hai rồng nhỏ nét mặt tươi vui sống động. Lại có chiếc đỉnh có hình cầu dẹt, nắp khảm tam khí (3 loại đồng, bạc, vàng) với những dải hoa có rồng 4 móng làm núm cầm, hai quai là đôi lân có nét mặt tươi vui tinh nghịch. Chân đỉnh là ba chân quỳ mặt hổ phù cũng giống như nhiều đỉnh khác.

2. Đề tài bát quái:

Với đề tài này thường được thể hiện trên nắp trổ thủng của đỉnh, cũng có khi được đúc nổi ở thân và đế. Chiếc đỉnh có núm cầm là lân vờn cầu (hay sư tử hí cầu), xung quanh trổ thủng các quẻ bát quái: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Hay chiếc đỉnh có nắp được trổ thủng bát quái thân đỉnh hình bát giác trang trí hoa văn lá đề.

3. Đề tài chữ Thọ:

Với ý nghĩa tốt đẹp của từ này, chữ Thọ xuất hiện với tần xuất rất nhiều bằng nhiều kiểu khác nhau, tùy theo vị trí của đỉnh. Hầu hết phần đế đỉnh được trang trí chữ Thọ, trong hoa lá hay dải hoa văn cách điệu. Chữ Thọ cũng có khi được trổ thủng trên nắp đỉnh hay dưới hình thức hình khánh xung quanh thân.

4. Đề tài hoa lá, quả và các loài vật:

Đỉnh trang trí hoa lá,quả.

Đặc biệt trong tạo hình loại đỉnh phỏng theo các loại quả đào, lựu , phật thủ hày cành lá trúc. Chẳng hạn đỉnh đồng có dáng hình quả đào, chân là ba cành đào mập mạp với một cành vươn lên là quai có những quả đào non, một cành khác vươn lên bám vào thân có những cành lá xum xuê, thân đỉnh là một trái đã chín trông thật vui mắt. Đế đỉnh cách điệu có 2 quả đào với những chiếc lá mềm mại.

Chiếc đỉnh có thân được thể hiện là một quả lựu, cành uốn lượn sang một bên tạo thành quai, hai nhánh nhỏ vươn lên ôm lấy quả, có những chiếc lá và nụ uốn lượn mềm mại, ngược hẳn với chất liệu kim loại khô cứng lạnh lùng này.

Chiếc đỉnh có hình quả bí, nắp là chiếc lá úp vào thân đỉnh; dây lá uốn quanh và hoa làm quai. Thân đỉnh nổi rõ những khía quả bí như đã đến ngày thu hoạch. Đế đỉnh cũng được trổ thủng lá và dây cành.

Với đề tài nho sóc, dơi cũng thấy xuất hiện tương đối nhiều. Chiếc đỉnh được trổ thủng cả thân và nắp. Đế đỉnh là ba cành mai nở. Quanh thân, ba cành mai mập mạp uốn vờn cùng những dải mây trông rất sinh động. Có một điều thú vị của chiếc đỉnh, nắp đỉnh là một cành nho trĩu quả với những chiếc lá được khắc họa rõ nét, một chú sóc ngồi vắt vẻo trên cành nho. Chú sóc có đuôi dài quấn quanh thân.

Chiếc đỉnh có hình bát giác, bốn góc của đỉnh là bốn chú dơi đang xòe cánh, miệng ngậm đồng tiền là một cách biểu trưng của ngũ phúc. Có chiếc đỉnh quanh thân đúc nổi những chú dơi uốn lượn cùng mây.

Với đề tài cây lá trúc , thường được thể hiện dưới dạng làm chân của đỉnh hay làm hai tai. Chiếc đỉnh có chân là 4 gốc trúc với các đốt và lá được khắc họa rõ nét. Cành trúc có đôi chim sẻ đang hót phản ánh đề tài trúc – tước biểu trưng cảu người quân tử và tiểu nhân, quai là hai cành trúc hóa long bám vào thân đỉnh. Đỉnh này có một đặc điểm, nắp là một cành trúc già xum xuê nhiều cành lá. Trên cành có chú chim sẻ xòe rộng đôi cánh đang hót.

Ngày nay, những chiếc đỉnh đồng vẫn là một trong bộ đồ khí tự “tam sự, ngũ sự” không thể thiếu trong các bàn thờ gia tiên của người Việt. Trên bàn thờ ở các ngôi chùa chiền, đình miếu... đỉnh đồng được đúc với kích thước lớn luôn đặt ở chỗ trang trọng nhất. Những đề tài trang trí trên đỉnh được người dân gửi gắm nhiều niềm ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Bộ đỉnh đồng trên ban thờ luôn nhắc nhở mọi người trong gia đình “Cây có cội, nước có nguồn. Chim có tổ, người có tông; Vì vậy luôn phải giữ vững đạo lý tốt đẹp đó, góp phần bảo vệ sự bền vững của gia đình, một yếu tố nền tảng của ổn định xã hội, một nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam.

Đinh Phương Châm (Phòng Quản lý hiện vật)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Đồ gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16

Đồ gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 15-16

  • 13/03/2014 20:33
  • 6096

Từ những năm 70 của thế kỷ 20, chúng ta đã biết đến những đồ gốm sứ Việt Nam qua các phát hiện tàu cổ bị chìm ở vùng biển Đông Nam Á. Những đồ gốm sứ Việt Nam cũng thường được tìm thấy cùng đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, chúng t­­­a lại chưa thấy có một con tàu nào chỉ chuyên chở đồ gốm sứ Việt nam riêng biệt. Trong khi đó, nhiều bảo tàng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á công bố những sưu tập đồ gốm sứ Việt Nam xuất khẩu có chất lượng cao. Điều đó chứng minh rằng đã có nhiều đồ gốm Việt Nam được xuất khẩu ra khu vực này từ những thế kỷ trước.