Tấm bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Tuyên Quang) cho thấy chính sách dân tộc của nước ta xưa kia.
Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc - Ảnh: Lý Thịnh |
Những năm 1980, khu vực chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, còn gọi là chùa Khuân Khoai, thật khó đến do dốc lên dựng ngược, cây cối rậm rạp che khuất, toàn bộ nền chùa bị che phủ... Vì thế, người dân địa phương rất ít lên đó. Nhưng họ vẫn truyền miệng cho nhau nghe về một tấm bia đá ở khu vực phía nam đồi Khuân Khoai. “Sau đó, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã mở một cuộc điều tra. Họ tìm được tấm bia bằng đá xanh xám mịn. Bia cao 1,45 m; rộng 0,8 m; được đặt trên lưng một con rùa. Chính giữa trán bia khắc 6 chữ: Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”, TS Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ nhớ lại.
| | | Phong cách trang trí và mô típ trang trí cho thấy đây là một tấm bia thời Lý muộn | | | TS Trần Anh Dũng | | |
Cũng theo tư liệu của TS Trần Anh Dũng, bia hình chữ nhật, dáng bia cong hình vòng cung. Phần trán bia, phía trên trang trí hình cúc dây và các đường xoắn ốc hình dấu hỏi. Chính giữa trán khắc chữ, hai bên khắc chìm hai con rồng chầu.
Đây là loại rồng bờm, hình sin, không có vảy, mào trên, mào dưới hình lá đề, miệng nhả ngọc, xung quanh là mây hình móc xoắn. Hai bên diềm dọc, một bên trang trí hoa dây hình sin theo kiểu hoa lá, bên còn lại trang trí hoa dây hình sin theo kiểu móc xoắn nhiều vòng.
Diềm dọc của mặt sau mỗi bên khắc chìm bảy đường tròn đồng tâm có nhiều lớp. Một bên diềm dọc trang trí xen kẽ hình rồng và hình hoa cúc. Khoảng cách giữa mỗi đường tròn trang trí hoa lá hình cây dương xỉ. Bên diềm dọc còn lại trang trí bảy con rồng trong bảy đường tròn, khoảng cách giữa mỗi đường tròn trang trí hoa lá hình cây dương xỉ. Rồng trong đường tròn là loại rồng, thân mảnh, uốn nhiều khúc.
Các diềm ngang của mặt bia trước và sau trang trí bằng sóng nước hình núi có ba lớp. Ở dưới chân của mỗi một cột sóng nước đều có hoa mai 5 cánh. Nhìn chung phong cách trang trí bia rậm rạp, chi tiết.
“Phong cách trang trí và mô típ trang trí cho thấy đây là một tấm bia thời Lý muộn”, TS Dũng cho biết.
Văn bia ghi công họ Hà
TS Trần Anh Dũng cho biết theo nội dung trên văn bia, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được khởi dựng vào cuối mùa xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thời Lý Nhân Tông (năm 1107). “Văn bia không cho biết năm chùa dựng xong và năm khắc bia. Tuy nhiên trang trí văn bia đã cho biết chính xác đây là tấm bia thời Lý. Có lẽ bia được dựng ít lâu sau khi khánh thành chùa. Chùa do thổ tù Hà Hưng Tông, Tri châu Vị Long, tức huyện Chiêm Hóa dựng”, ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng cho biết, tính đến Hà Hưng Tông, họ Hà đã có 15 đời làm Tri châu Vị Long, trong đó có 3 lần làm đến Thái bảo và Thái phó của triều Lý. Theo văn bia, ông của Hà Hưng Tông lấy công chúa thứ ba của vua Lý Thái Tổ. Nhờ công của cha, Hà Hưng Tông năm 9 tuổi đã được kết nghĩa làm em vua nhà Lý. Hà Hưng Tông lấy công chúa Khâm Thánh con vua Lý Nhân Tông năm 1082 khi ông mới 14 tuổi. Bố của Hà Hưng Tông có công cùng với Lý Thường Kiệt đánh vào châu Ung, châu Khâm (của nhà Tống).
“Tư liệu ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc có giá trị lớn phản ánh về cuộc phản công tự vệ vào châu Ung, châu Khâm, châu Liêm năm 1075”, ông Trần Anh Dũng cho biết. “Cuộc phản công vào đất Tống tháng 10.1075 có sự tham gia của bố Hà Hưng Tông (chức Thái phó), đã bắt được võ tướng cùng nhiều tù binh của nhà Tống. Ông đã huy động được quân dân người dân tộc thiểu số của 49 động, 15 huyện tham gia vào cuộc phản công ba châu kể trên”.
Chính vì thế, theo ông Dũng, qua tư liệu này chúng ta được biết thêm rằng cuộc phản công của Lý Thường Kiệt vào đất Tống giành được thắng lợi vang dội. Đó là nhờ đoàn kết được các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía bắc và được sự ủng hộ của các thổ tù. Tư liệu ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc có giá trị lớn, là một trong những tài liệu quan trọng để nghiên cứu chính sách Kimi của triều Lý. “Thực chất của chính sách Kimi (ràng buộc) ở dưới triều Lý là chính sách đoàn kết dân tộc, thu phục các thổ tù miền núi, ràng buộc họ bằng quan hệ với hoàng tộc để cùng triều đình giữ gìn và bảo vệ vùng biên viễn xa xôi, nơi mà triều đình chưa thể trực tiếp với tay cai trị được”, ông Dũng cho biết.
Chùa cổ ở đâu ?
Sau khi giải mã văn bia, theo TS Trần Anh Dũng, vấn đề đặt ra là liệu tấm bia này có được đặt trên đúng nền chùa cũ không. Khi tìm thấy bia, người ta vẫn chưa biết chính xác vị trí ngôi chùa này nằm ở đâu. “Liệu dưới lòng đất có còn dấu vết gì để chứng minh rằng nơi đây vốn xưa kia đã từng tồn tại một ngôi chùa cổ? Rằng tấm bia là của ngôi chùa này như truyền thuyết đang lưu hành?”, ông Dũng nhớ lại.
Nhưng khảo cổ học đã giải quyết được câu hỏi đó. Kết quả đào thám sát đã tìm được một đoạn nền móng kiến trúc được kè đá cuội và đá phiến cùng gạch ngói thời Lý, trong đó có cả viên gạch hình chữ nhật còn nguyên vẹn. Có lẽ đây là kiến trúc chính nên bề mặt móng được kè rộng hơn theo kiểu móng bè.
Ngoài ra còn tìm thấy khá nhiều hiện vật thời Lê như gốm trắng trang trí sóng nước hình vảy cá, gốm hoa lam, sành thời Lý”, ông Dũng cho biết. “Và đặc biệt là các chi tiết kiến trúc thời Lê thế kỷ 17 như con kìm hình đầu rồng, diềm mái kiến trúc hình răng cưa, diềm mái hình lá đề, lá lan đằng ở đầu đao... Những bằng chứng này cho thấy đây là kiến trúc thời Lê Trung hưng”, ông Dũng phân tích.
“Dấu vết kiến trúc cùng những vật liệu và trang trí kiến trúc đã khẳng định nơi đây chính là vị trí của chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được khởi dựng”, ông Dũng kết luận. Điều này, theo ông, rất quan trọng với kế hoạch phục dựng lại ngôi chùa cổ.
Ngữ Yên