Thứ Hai, 04/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/01/2014 16:42 2852
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Mộ thuyền Việt Khê là minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục Đông Sơn.

Bảo vật quốc gia - Kỳ 9: Mộ thuyền Việt Khê
Mộ thuyền Việt Khê - Ảnh: Ngọc Thắng

Năm 1961, cuộc khai quật ở xã Phù Ninh, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng phát hiện 5 chiếc quan tài hình thuyền. Quan tài là những thân cây khoét rỗng, dài hơn 4 m, có nắp. Tìm được 5 nhưng chỉ một chiếc còn các vật chôn theo. Đầu to của thuyền có đồ đồng lớn như trống, thạp, đỉnh, bình. Đầu nhỏ có rìu, đục, dao găm. Chiếc quan tài duy nhất có chứa hiện vật giờ đây đã trở thành bảo vật quốc gia - mộ thuyền Việt Khê, đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Theo các chuyên gia lịch sử, tục chôn cất người chết xưa hết sức phong phú. Mộ táng thời Đông Sơn có loại mộ huyệt đất, mộ có quan tài hình thuyền, mộ nồi vò... Người Đông Sơn cho rằng cái chết chấm dứt cuộc sống ở thế giới bên này, mở ra cuộc sống ở thế giới bên kia. Sang bên đó, họ vẫn tiếp tục lao động, sinh hoạt và chiến đấu. Vì thế, người Đông Sơn khi chết đều thực hiện táng tục giống nhau. Người chết được chôn cùng đủ ba loại đồ vật: sinh hoạt, công cụ sản xuất và vũ khí.

Lượng di vật phong phú

Mộ cổ Việt Khê là một minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm

TS Vũ Quốc Hiền,
Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

“Mộ cổ Việt Khê là một minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn cách ngày nay khoảng 2.500 năm”, TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói. Trên thực tế, mộ thuyền Đông Sơn phát triển qua ba giai đoạn. Ở giai đoạn sớm, mộ chôn trong huyệt đất, quan tài gỗ có mặt cắt ngang tròn - gần tròn, hai đầu chừa lại hai đoạn thân cây gỗ làm vách ngăn, dùng đinh chốt hoặc mộng khớp liên kết tấm thiên và địa, trong mộ chôn theo nhiều đồ đồng điển hình của văn hóa Đông Sơn. Mộ Việt Khê chính là tiêu biểu cho giai đoạn sớm này.

Khi tìm thấy, bộ di cốt trong mộ Việt Khê đã mủn. Tuy nhiên, đồ vật chôn theo hầu như còn nguyên vẹn gồm 107 hiện vật. Cũng giống như các mộ Đông Sơn khác, hiện vật trong mộ bao gồm đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất và vũ khí, trong số này đồ đồng chiếm nhiều nhất. Các chất liệu còn lại gồm gỗ, da, đất.

“Mộ Việt Khê được tìm thấy trong một nhóm mộ táng gồm 5 mộ. Trong đó chỉ mỗi mộ này có trên 100 hiện vật”, PGS-TS Bùi Văn Liêm cho biết. Các hiện vật đồng gồm: giáo, lao, dao găm, kiếm, ống bịt đầu cán giáo, rìu, đục, nạo móc, đũa, dao gọt, thạp, thố, bình, âu, đỉnh, khay, ấm, muôi, đèn, trống, chuông, chuông dẹt, chuông có núm. Các hiện vật gỗ gồm: mái chèo, cán giáo, đồ sơn, khuy áo.

Không chỉ nhiều, các hiện vật trong mộ Việt Khê cũng vô cùng độc đáo, đa dạng. Theo PGS-TS Liêm, trong các mộ Đông Sơn, chỉ duy nhất mộ Việt Khê có một tiêu bản dũa đồng, với hình dáng gần giống chiếc bàn chải hiện đại, dài 19 cm. Thân dũa hình chữ nhật góc vê tròn, một mặt phẳng, một mặt có viền một gờ nổi ở mép, trong lòng có nhiều răng nhọn. Những răng dũa không xếp theo một trật tự nhất định. Một số răng đã bị gãy. Số còn lại nhọn. Có thể dũa đã được sử dụng.

Cũng theo ông Liêm, trong số các loại hình hiện vật, rìu chiếm số lượng lớn nhất. Công cụ chặt cũng chiếm số nhiều so với nông cụ làm đất như lưỡi cày. Nó cũng nhiều hơn công cụ chế tác đồ gỗ (đục), dụng cụ gặt lúa (nhíp) hoặc dụng cụ gia công đồng (dũa).

Vũ khí bằng đồng chôn theo cũng khá phổ biến. Trong số các mộ Đông Sơn, Việt Khê là một trong 3 ngôi mộ có vũ khí bằng đồng nhiều nhất.

Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn phát hiện thạp Việt Khê có kích cỡ lớn. Thố tìm thấy trong mộ cũng được coi là thố thời Đông Sơn có thân và đáy được trang trí đẹp nhất. Thố được trang trí thêm các băng răng cưa, bao bọc bên trong bằng hai vòng tròn đồng tâm liền nhau và năm vòng tròn đồng tâm chung tiếp tuyến.

Ngoài ra, trong các khu mộ thuyền chỉ duy nhất ở Việt Khê có phát hiện trống Đông Sơn. Trống Việt Khê đã bị vỡ chỉ còn lại một phần tang và mặt trống. Lưng và tang chỉ còn lại một mảnh nhưng vẫn có thể nghiên cứu được. Mặt trống hình tròn, đường kính 23 cm, giữa là ngôi sao 8 cánh. Tang trống được trang trí đơn giản, chủ yếu là đường chỉ nổi chạy vòng quanh. Thân chỉ còn một mảng, trang trí một con chim đứng chầu mỏ lên trời.

Gia đình quyền quý

Thống kê cho thấy, đa số những khu mộ lớn thường có hướng mộ thống nhất. Năm ngôi mộ ở Việt Khê đều đặt theo hướng đông - tây, hơi chếch tây nam một ít. Tám mộ ở Châu Can đều cùng hướng chếch đông từ 18 - 45 độ. Điều này cho thấy người xưa đã có ý thức nghi lễ trong chôn cất người chết.

Cũng về nghi lễ chôn cất, theo ông Liêm, rất có thể mộ thuyền là của người giàu, có địa vị trong xã hội; còn mộ đất, mộ vỏ cây, mộ giát giường là của người nghèo, có địa vị thấp trong xã hội. Và cũng có thể mộ đất, mộ vỏ cây là mộ của những người chết đột ngột, chết trẻ, chết ác.

“Theo tôi, thân phận, địa vị của người chết không phải chỉ thể hiện trong mộ thuyền và các loại hình mộ táng khác, mà ngay trong mộ thuyền cũng đã biểu hiện rất rõ nét”, ông Liêm cho biết. “Khu mộ táng Việt Khê là một minh chứng. Ở đây chủ nhân của ngôi mộ có quan tài to nhất là người giàu có nhất, với trên 100 hiện vật. Bốn ngôi mộ nhỏ còn lại hiện vật không có gì. Như vậy, hoàn cảnh sống của người chết đã để lại dấu ấn đậm nét trong ngôi mộ”.

Do đó, ông Liêm cho rằng mộ Việt Khê đã cho thấy có sự phân hóa xã hội trong thời Đông Sơn, dẫn tới hình thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Và, sự phát triển ở giai đoạn sau của văn hóa này đã đạt tới mức hình thành các giai cấp đầu tiên trong xã hội.

Trinh Nguyễn

thanhnien.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4383

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Bảo vật quốc gia - Kỳ 8: Bia Vĩnh Lăng - bản hùng ca trên đá

Bảo vật quốc gia - Kỳ 8: Bia Vĩnh Lăng - bản hùng ca trên đá

  • 14/01/2014 16:39
  • 2955

Bia Vĩnh Lăng tại Lam Kinh (Thanh Hóa) do Nguyễn Trãi phụng thảo ghi lại thân thế, sự nghiệp của Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi không những có giá trị tài liệu lịch sử gốc, mà còn là tài liệu quý cho các nhà khoa học khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê.