Nhật Bản có một truyền thống sản xuất gốm lâu đời với rất nhiều các dòng gốm khác nhau. Mỗi dòng gốm đều có kỹ thuật và các thiết kế phong phú và độc đáo riêng của mình. Sau đây xin được giới thiệu một số dòng gốm tiêu biểu mang đậm nét truyền thống của gốm sứ đất nước hoa anh đào.
4.Gốm Mimpei:
Mimpeiyaki hoặc Mimpei là một loại đồ gốm được tạo ra vào cuối thời Edo khoảng năm 1830. Người thợ gốm duy nhất thời kỳ đó của Nhật Bản làm ra đồ gốm Mimpei là Mimpei Kashyu, ông là trưởng thôn Igano mura, một thị trấn nhỏ nằm ở phía Nam của đảo Awaji thuộc vùng biển nội địa, phía Tây của Osaka. Gia đình của ông kinh doanh shoyu (nước tương), nhưng với tham vọng và tài năng ông đã từ bỏ việc kinh doanh của gia đình để theo nghề gốm và trở thành thợ gốm ở tuổi 33.
Sau khi mời được Ogata Shuhei tới lò gốm của mình để giới thiệu về các kỹ thuật của Kyoyaki (đồ gốm Kyoto), từ đây ông đã sớm phát triển phong cách của riêng mình và phong cách này đã ảnh hưởng tới nhiều thợ gốm đương đại như Eiraku Hozen, Ninnami Dohachi - anh trai của Shuhei. Cũng lấy cảm hứng từ đồ gốm Trung Hoa, ông đã tạo ra đồ sứ trang trí tinh tế và phức tạp theo thiết kế ba chiều bao gồm các loại động vật, các mẫu con người, hoa và các hoạ tiết hình học. Những sản phẩm Mimpei được phủ lớp men nhiều màu sắc với những màu cổ điển Trung Hoa (màu xanh, màu men ngọc, xanh lá cây sáng, màu vàng và vàng đậm), đa dạng màu giúp cho mẫu thiết kế được nhấn mạnh những điểm nổi bật và tạo ra những tổng hợp ngẫu nhiên về màu sắc. Mimpei đã sản xuất rất nhiều và khá thành công, ở thời kỳ của ông gốm Mimpei được phổ biến và giao dịch rộng rãi. Những loại đĩa sau này được khai quật ở cả những thành phố lớn như là Tokyo (tên gọi sau này của Edo), Kyoto, Osaka và xa hơn nữa như Aomori (thuộc phía Bắc Nhật Bản), Okinawa (hòn đảo ở cực Nam).
Gốm Mimpei.
Mục đích sử dụng:
Với màu sắc rực rỡ và mạnh mẽ, đồ gốm Mimpei mang lại hiệu ứng trông chúng như là những viên thủy tinh màu, bởi kích thước nhỏ bé và đặc biệt là kozara (đĩa nhỏ) những chiếc đĩa trông như viên đá quý lôi cuốn đầy hấp dẫn, có thể thấy rất nhiều loại hình này. Nhiều người đã nhận thấy sự ảnh hưởng rộng rãi của đồ mimpei yaki. Nhiều năm trước đây những mimpei kozara thường được để trang trí trên mặt bàn. Tuy vậy, rất thú vị khi sử dụng mimpei kozara để bày đồ ăn trên đó, như món tsukemono (dưa chua), một miếng wagashi (bánh ngọt) hay một miếng chinmi (cá muối). Bạn có thể kết hợp một vài màu sắc với nhau, để làm tăng thêm vẻ đẹp của những mimpei kozara bạn có thể dùng một đĩa gốm lớn hay đĩa sơn mài và đặt chúng lên đó.
5. Gốm Oribe:
Càng tìm hiểu về nghệ thuật Nhật Bản, bạn càng cảm thấy gạt bỏ được những quan niệm lỗi thời và trực quan rằng phần lớn những thứ hiện đại…Dù là trong đồ sơn mài, gốm sứ hay đồ dệt chúng ta sẽ luôn có những ngạc nhiên bởi những sáng tạo vô hạn của người nghệ sĩ và thợ thủ công trong quá khứ. Khi thấy những sản phẩm đó bạn như đang nhìn vào một cỗ máy thời gian, mà ở đó bạn có thể vừa nhìn lại 400 năm trước và cũng nhìn thấy cả tương lai. Một ví dụ hoàn hảo của điều này có thể thấy khi ta so sánh giữa tuổi tác của gốm Oribe với phong cách táo bạo, vui tươi và trừu tượng của loại gốm này.
Gốm Oribe.
Lịch sử:
Oribe mang phong cách trực quan, nó được lấy theo tên của một bậc thầy về trà đạo Furuta Oribe ở cuối thế kỷ 16 (1544-1615). Oribe thường được biết tới bởi những sản phẩm gốm nhưng cũng được mở rộng ra với các sản phẩm dệt may và những tác phẩm hội họa. Thực tế Oribe không phải là một thợ gốm, nhưng (như nhiều nhân vật có ảnh hướng khác trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản) ông ấy thật sự là một nhà thiết kế hoặc giống như một giám đốc nghệ thuật. Phong cách trà đạo wabi đã được Oribe thổi thêm linh hồn vào và trở nên trọn vẹn hơn bởi việc những sản phẩm gốm của ông có khả năng mang đến cho trà đạo một sự chân thành mới mẻ nhưng đồng thời cũng đầy sức tưởng tượng lạ thường. Khi đồ gốm của Oribe xuất hiện trên sân khấu trà đạo ở Kyoto, bạn có thể chỉ cảm nhận thấy rất bất ngờ và phấn khích với những mẫu sản phẩm táo bạo của ông, thường thì chúng bị cố tình bóp méo đi như chawan (những bát trà), được trang trí với lớp men nâu và xanh cùng những thiết kế trừu tượng. Các họa tiết lấy từ tự nhiên hoặc hoa văn trang trí trên đồ dệt may đã đánh thức sự sáng tạo táo bạo. Dựa trên những sản phẩm mang nét riêng của Triều Tiên hay Trung Hoa để tạo ra những sản phẩm mang nét riêng toàn vẹn của Nhật Bản. Đồ gốm Oribe đã được các tín đồ của trà đạo yêu mến, họ công nhận và coi nó như là yếu tố thẩm mỹ mới của người Nhật. Đồ Oribe như thể hiện được nét riêng tinh thần và tâm hồn của người Nhật, nó nhanh chóng được lan rộng trong cả nước từ khi nó ra đời và phổ biến cho tới tận ngày nay.
Những sản phẩm gốm sau này chỉ có hình thức dáng dấp, nhưng không thể hiện được tinh thần phong cách của các bậc thầy về trà đạo, trên từng mảng gốm thiếu đi trí tưởng tượng đầy hoang dã mà tưởng chừng như vượt ra khỏi tầm kiểm soát và không có giới hạn của thời kỳ Momoyama (1573-1615).
Oribe ngày nay:
Tới tận ngày nay, Oribe vẫn rất phổ biến và được coi là một phong cách cổ điển của mỹ thuật học Nhật Bản. Bạn sẽ không tìm thấy đồ Oribe tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay một số nước khác ở Châu Á. Vào thời điểm đồ Oribe ít tinh tế nhất, là lúc nó chỉ có một loại hình đơn thuần là hoa văn màu nâu được phủ lên trên lớp men xanh đồng. Cho tới thời kỳ đỉnh cao nhất, nó thể hiện được tinh thần của nghệ thuật trà đạo wabi như sự hồi sinh nguyên vẹn của thời kỳ Momoyama ở thời đại mới. Một trong những thợ gốm được yêu mến là Shigeru Koyama ở tỉnh Nagano. Tại một cửa hàng trưng bày nghệ thuật ở Kyoto có chiếc bình hoàn hảo được cho rằng thuộc thế kỷ 16. Nhưng thật ngạc nhiên khi ở phòng trưng bày này hiện diện những người nghệ sĩ đang sống. Họ sáng tạo ra những sản phẩm của thời kỳ hiện đại mà vẫn giữ nguyên tinh thần của đồ gốm Oribe trong thời đại Mymoyama và họ đã thực sự thành công.
Đồ Oribe được người Nhật ưa chuộng không chỉ bởi nét nghệ thuật tinh tế của chúng, mà còn tuyệt vời khi kết hợp thức ăn với đồ đựng là gốm Oribe. Những đường nét mềm mại và yên tĩnh, màu sắc tự nhiên mang tới khung cảnh thiên nhiên cho món sashimi, rau, dưa chua hoặc món hầm và có thể được dùng trong bất cứ mùa nào, mặc dù đồ Oribe thường được ưa chuộng dùng vào mùa thu và mùa đông. Khi chạm vào đồ Oribe họ thấy được sự hiện diện của đất, sự mạnh mẽ, nhưng không quá nặng nề và cầm giữ rất thoải mái. Đối với một oribe chawan (trà bát oribe) thường nam tính và quá khổ, chúng phù hợp và thoải mái trong bàn tay lớn.
6.Gốm Raku
Hầu hết mọi người khi nghĩ tới đồ Raku, thì họ nhớ tới tổ tiên gia tộc Raku là những người làm ra chawan (bát trà) đầu tiên, tuy nhỏ bé xoàng xĩnh nhưng đầy siêu việt. Những đường nét mềm mại với lớp men đơn giản đỏ hoặc đen - tạo ra cảm giác rất gần gũi với đất - là sản phẩm hoàn hảo để lưu giữ màu xanh lá cây sống động của matcha (trà bột) trong nghệ thuật trà đạo. Khi ta ngắm chăm chú vào cái bát, có một cảm giác như nó đang nắm giữ cả vũ trụ.
Gốm Raku.
Lịch sử:
Vào thế kỷ 16, nhà sản xuất tên Chojiro là người tiên phong làm ra sản phẩm Raku và lúc đầu nó được mang tên là ima-yaki (thiết bị hiện đại). Sau đó, được biết đến với tên gọi Juraku-yaki (sau được rút ngắn thành Raku) tên gọi này có nguồn gốc từ Jurakudai - tên một cung điện ở Kyoto, được xây dựng bởi các lãnh chúa lớn Toyotomi Hideyoshi. Theo chữ kanji (ký tự Trung Quốc) Raku có nghĩa là “một cách dễ dàng và hưởng thụ”.
Raku được nung ở nhiệt độ thấp, kỹ thuật nung này cho ra loại sản phẩm gốm có cốt tương đối mềm, xốp và dễ vỡ. Nó rất tinh tế, nhẹ và cảm thấy rất thật khi chạm vào nó. Điều quan trọng nhất, đó là đồ raku chawan không phải làm bằng kỹ thuật bàn xoay, mà cách thức làm ra sản phẩm là sử dụng tay để nặn đập tạo dáng cho sản phẩm và quá trình này được biết đến với tên gọi là tebineri (tay xây dựng). Cách thức này là sử dụng tay để điêu khắc, tạo dáng, điều này cũng có vẻ đơn giản, nhưng để làm tốt, đạt đến độ uyên thâm và để truyền đạt được cảm xúc trực tiếp của người thợ gốm tới tay các trà đạo thì lại là điều vô cùng khó khăn.
7.Gốm Shino:
Shino-yaki là một trong những đồ gốm được yêu thích nhất bởi loại hình đa dạng, nó được sử dụng cả trong phòng trà và trên bàn ăn. Cái tên Shino được đặt cho dòng gốm này cũng nhằm thể hiện cho men của nó, kiểu men dịch chuyển từ màu trắng tuyết sang màu kem sẫm và phía trên là màu xám, thậm chí cả lớp màu vàng cam khá dày, kết cấu bề mặt không phẳng thường vón cục lại và tạo ra những lỗ nhỏ. Do sự bao hàm trong nó cả linh hồn, phù du và thực tại mà đồ Shino-yaki thực sự rất đặc biệt để các tín đồ của nó có thể dễ dàng phân biệt được.
Đồ Shino được ưa chuộng sử dụng vào mùa đông, lớp men dày và màu men khiến chúng ta gợi nhớ tới hình ảnh tuyết, lớp men luôn được phủ dày lấp lên các lỗ hổng giúp cho tách trà được giữ nhiệt rất tốt.
Gốm Shino.
Lịch sử:
Đồ Shino đầu tiên xuất hiện vào thời đại Momoyama (1568-1600), nhưng tới những năm đầu của thế kỷ 18 dòng gốm men này đã bị kém lợi thế khi mà màu men xanh lá và màu nâu của đồ gốm Oribe trở nên phổ biến. Đến thế kỷ 19, gốm Shino có sự hồi sinh trong thời gian ngắn ngủi, sau đó nó biến mất cho đến thế kỷ 20.
Đây là dòng men trắng đầu tiên của Nhật Bản, nó được làm ra bằng việc trộn lẫn các khoáng chất với đất sét. Trường hợp men mỏng, các khoáng chất thường có màu như của đất sét đôi khi là màu nâu sẫm, được gọi là okoge (bị cháy) hoặc màu đỏ tươi, được gọi hi-e (điểm cháy). Những dấu ấn xuất hiện một cách ngẫu nhiên trên sản phẩm đều là những vẻ đẹp tuyệt vời, những sự ngẫu nhiên đó không thể đoán trước được, chính vì vậy mà nó luôn nhận được tình cảm đặc biệt của những người sành trà.
E-Shino:
Là đồ Shino có lớp men được phủ lên các họa tiết được vẽ trên lớp oxit sắt, chúng xuất hiện hay biến mất phụ thuộc vào độ dày khác nhau của lớp men, và kết quả là đã tạo ra sản phẩm có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Chúng được gọi là e-Shino (e có nghĩa là hình ảnh).
Nezumi Shino:
Người nghệ nhân sử dụng kỹ thuật khắc họa tiết trên lớp oxit sắt rồi sau đó tráng men Shino lên trên, kết quả sẽ tạo ra sản phẩm có bề mặt với những trang trí có màu xám sáng. Và được biết tới với tên gọi là nezumi Shino (hay màu lông chuột).
Trên đây là những dòng giới thiệu ngắn gọn về một số những dòng gốm tiêu biểu của Nhật Bản. Mà, giai đoạn phát triển đỉnh cao của chúng có thể nói ở thời kỳ Edo. Tuy vậy, sự phát triên của gốm sứ Nhật Bản không chỉ dừng lại ở đó.
Nhật Bản ngày nay đã có một ngành công nghiệp gốm sứ vững mạnh. Việc kiếm sống được nhờ nghề gốm không chỉ có những người thợ gốm của những dòng họ danh tiếng; mà còn cả những người thợ gốm trẻ họ tách ra làm việc độc lập, họ tự điều hành phát triển bằng tài năng và sự sáng tạo của mình./.
Người dịch: Nguyễn Thị Lan (Phòng Bảo quản)