Nhật Bản có một truyền thống sản xuất gốm lâu đời với rất nhiều các dòng gốm khác nhau. Mỗi dòng gốm đều có kỹ thuật và các thiết kế phong phú và độc đáo riêng của mình. Sau đây xin được giới thiệu một số dòng gốm tiêu biểu mang đậm nét truyền thống của gốm sứ đất nước hoa anh đào.
1.Gốm Bizen:
Bizen được sản xuất ở phía Tây Nhật Bản, gần với Okayama, đây là một trong những phong cách nổi tiếng của gốm sứ Nhật Bản. Chúng ta có thể biết đến một vài sản phẩm Bizen trong nhà như những bình, ly tách và lọ đựng sake hoặc shochu. Dòng gốm này tối màu, có bề mặt gồ ghề, khi các món ăn được để trong đó sẽ tạo cho chúng ta cảm giác ấm áp hơn, nhất là vào mùa thu và mùa đông.
Lịch sử:
Bizen là một trong sáu lò nung cổ xưa ở Nhật Bản, và đã trở thành một trung tâm sản xuất gốm hoạt động trong suốt hơn một nghìn năm. Thời kỳ đầu đồ Bizen nhìn khá khác. Trong suốt thời kỳ Kamakura (1185 -1333) dòng gốm này đã phát triển để có được hình dạng giống như hiện tại của nó, một loại đồ gốm dày, bền và tiện dụng.
Gốm Bizen (Bizen goma).
Kỹ thuật:
Vẻ đẹp của Bizen đến từ đất sét, màu sắc dao động từ màu đỏ của đất sét sang mầu nâu đậm. Điều mà nó trở nên độc đáo đó là trong suốt lịch sử, đồ gốm Bizen không tráng men và chưa từng có trang trí. Trong suốt quá trình nung, người thợ gốm khéo léo điều chỉnh nhiệt độ bằng cách lần lượt xen kẽ việc nạp thêm nhiệt lượng rồi lại để cho mát đi. Phương pháp nung này sẽ mang tới cho sản phẩm những thay đổi về màu sắc hoặc là nguyên màu đất sét và được gọi là Higawari - sự thay đổi hay “sự biến đổi của lửa”. Đây là kỹ thuật khó và đã bị thất truyền. Những sản phẩm được sản xuất trong vùng Edo đều có màu đồng nhất và đặc điểm chung được coi trọng của chúng là sự ứng dụng thực tế hơn là yếu tố nghệ thuật. Đến thế kỷ 20, sau suốt thời gian dài một số ít các thợ gốm tài ba đã quyết tâm làm nhiều thử nghiệm cũng như có nhiều sai sót, thì kỹ thuật Higawari đã được phục hồi trở lại.Những người thợ gốm dùng loại gỗ mềm, như gỗ thông để nung gốm và gỗ này sẽ chế xuất ra loại tro mềm, mịn. Loại tro sáng này sẽ bị gió lò hút và bám vào đồ gốm trong quá trình nung và tạo ra một loại men sáng. Trong một số trường hợp, ngẫu nhiên tro bay và dính vào những điểm tối thì sẽ tạo ra những mẫu hình hấp dẫn trên bề mặt. Chúng cho kết quả mô hình giống như những hạt mè, những sản phẩm này được gọi là Bizen goma.
2.Gốm Iga:
Lịch sử:
Gốm Iga được sản xuất ở thị trấn Iga, thuộc quận Mie, phía Nam Nagoya. Đây là lò gốm lâu đời nhất với những mẫu vật có niên đại từ sau thời Nara (710-794). Gốm Iga được đánh giá là đỉnh cao trong suốt thời kỳ Momoyama (1573-1600) cùng với sự phát triển nghệ thuật trà wabi của Sen-no Rikyu. Những lò gốm ở Mino của Furuta Oribe cũng bao gồm cả những sản phẩm gốm Iga, điều này giúp cho việc nâng cao hơn nữa giá trị của gốm bản địa trong nghệ thuật trà đạo. Sau này với vai trò đặc biệt là một người nghệ sĩ và là bậc thầy về nghệ thuật trà đạo Kobori Enshu tới thăm Iga và điều đó thể hiện tầm nhìn rộng của ông về đồ gốm Iga.
Tuy nhiên, sau những năm đầu của thể kỷ 17, những nhà cầm quyền địa phương ở Iga đã dung túng và cấu kết cùng với gia tộc Tokugawa (là gia tộc lãnh chúa phong kiến hùng mạnh ở Nhật Bản), chúng đánh thuế rất cao nhằm mục đích ngưng hoạt động của các lò gốm. Cuối thời Edo khi các lò gốm bắt đầu hoạt động trở lại, họ hướng tới việc sản xuất những đồ gốm tiện dụng hơn bằng việc tận dụng ưu thế chịu nhiệt cao của đất sét vùng Iga. Vào cuối thế kỷ 19, là thời kỳ người ta bị thu hút trở lại với vẻ đẹp thô ráp của gốm Iga, đây là nguyên do của việc tái khám phá và phục hồi lại những kỹ thuật chế tác đã bị thất truyền trong suốt thời kỳ Edo. Rất nhiều những nghệ nhân có tay nghề cao đã vô cùng khó khăn để duy trì nghề truyền thống, những sản phẩm gốm Iga ngày nay kết hợp từ sự rung động cùng việc bảo tồn những sự ngẫu nhiên và đồng thời với đó là sự thăng hoa trên sản phẩm gốm, điều này thể hiện sự khao khát mong muốn những sản phẩm Iga ngày nay giống như chúng đã được 500 tuổi vậy.
Kỹ thuật:
Vẻ đẹp hấp dẫn và đáng chú ý của gốm Iga là sự gồ ghề, nặng nề đầy khỏe khoắn. Với nhiều người dòng gốm Iga là hình ảnh thu nhỏ của gốm sứ Nhật Bản. Từ sự kết hợp tuyệt vời giữa bàn tay của những người thợ gốm cùng với đất sét, Iga dường như được sinh ra chứ không phải là được làm ra. Đồ gốm Iga, không có gì là bí ẩn. Bạn có thể nhìn thấy và cảm nhận trên đất sét, những thao tác chuyển động của người thợ gốm được tạo ra vô tình hay ngẫu nhiên trên sản phẩm và được phủ lên bởi lớp men tro trong suốt.
Bên cạnh vẻ đẹp của nó, Iga còn được biết tới là loại gốm được sử dụng hữu ích nhất trong gian bếp của người Nhật.Chất lượng nổi tiếng nhất của gốm Iga - yaki là khả năng chịu nhiệt cao một cách tuyệt vời và không bị nứt vỡ khi thời tiết thay đổi nhiệt độ đột ngột. Chính điều này đã nảy sinh ra ý tưởng dùng đồ gốm làm đồ nấu bếp, chẳng hạn như là dùng làm nồi lẩu, đồ dùng nấu súp và các loại đĩa đựng đồ ăn của lẩu và đồ dùng khác nhau để làm các loại cơm. Độ bền của đồ gốm Iga là nhờ sự thừa hưởng từ đất sét, loại đất này chỉ có ở vùng Iga. Thị trấn này nằm trong khu vực đã từng là lòng hồ Biwa, đây là nơi dồi dào những nguyên liệu hữu cơ tự nhiên đã được hình thành qua gần 4 triệu năm thủy sinh. Khi đất sét được cho vào lò, sự đốt cháy này sẽ tạo thành những chiếc túi khí có hình dáng tự nhiên, điều này giúp cho đất sét vẫn thở và giữ được nhiệt. Những thợ gốm tráng một lớp mỏng men đen cho những loại sản phẩm nồi lẩu Iga hay nồi nấu cơm. Gần đây, trong kỹ thuật nấu ăn của phương Tây cũng đã sử dụng đồ dùng nấu bếp Iga, như chảo rán, gạt tàn, thậm chí là dùng để nấu cả món mỳ sợi tuyệt hảo của Ma-rốc. Iga-mono và Nagatani-en và những sản phảm nồi đất nung cao cấp của gốm Iga.
3. Gốm sứ Imari:
Imari là một trong những phong cách gốm linh hoạt nhất và rất phổ biến trong ẩm thực của người Nhật. Cho dù, đó là đồ gốm xuất khẩu nhiều màu, gốm vùng Arita trắng và xanh hay là Nabeshima thanh lịch. Đồ gốm Imari được sử dùng hàng ngày trong gian bếp của người Nhật. Tên Imari được đặt từ sau khi có những con tàu xuất phát từ bến cảng Imari chuyên chở đồ đồ gốm sứ sang các nước Châu Âu, Imari là tên chung thường sử dụng để gọi cho cả hai là đồ sứ Nhật Bản trong nước và đồ sứ xuất khẩu.
Gốm sứ Imari.
Lịch sử:
Hầu hết đồ gốm Imari được sản xuất ở gần thị trấn Arita, vùng Kyushu. Người ta nói rằng, gia tộc Takeo đã mang Risampei - một trong những thợ gốm Triều Tiên tới vùng Kyushu, năm 1616 người thợ gốm này đã tìm ra loại đất sét để làm đồ sứ và bắt đầu chế tác ra sản phẩm gốm men màu trắng - xanh mang phong cách đồ gốm Triều Tiên (do chịu ảnh hưởng của gốm thời Minh - Trung Hoa). Thời kỳ đầu Imari mang nét đặc trưng của phong cảnh, núi non và những họa tiết đậm chất Trung Hoa như rồng và hoa mẫu đơn có màu xanh coban sáng và sau đó phủ lớp men trắng lên trên, kỹ thuật này được biết đúng cách gọi là sometsuke (nghĩa là “ứng dụng chất màu”). Muộn hơn, những mẫu thiết kế và những phong cách hội họa với các họa tiết trang trí có xu hướng trừu tượng hơn mà chỉ duy nhất Nhật mới có. Thời gian đầu, chỉ có giới quý tộc mới sử dụng đồ Imari vì nó vô cùng đắt; về sau, phương pháp sản xuất được cải tiến cho nên giá cả giảm xuống, chính vì thế mà tầng lớp trung lưu cũng có đủ khả năng để dùng sản phẩm.
(Còn tiếp phần 3)
Người dịch: Nguyễn Thị Lan (phòng Bảo quản)