Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, cho biết trong hàng ngàn hiện vật đang có mặt tại đây thì bộ chân đèn, lư hương bằng gốm thời Mạc được 'chăm sóc' với chế độ đặc biệt nhất.
Chiếc chân đèn thời Mạc - Ảnh: Hoàng Long |
Được chế tạo cùng ngày
Đây là một trong 2 cổ vật duy nhất của Nam Định được công nhận là bảo vật quốc gia. Theo ông Thư, lý do xếp cả hai hiện vật này vào bộ bảo vật quốc gia vì cả 2 đều được tìm thấy tại một địa bàn là huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Trong đó, chân đèn được sưu tầm tại đình Cự Trữ, còn bát hương tại chùa Cổ Chất gần đó. Căn cứ vào các dấu tích lưu lại trên bảo vật thì mặc dù có nguồn gốc tại 2 di tích khác nhau nhưng chúng đều được sản xuất cùng bằng chất liệu gốm men và cùng một thời gian là ngày 20.8.1590 thời Mạc Mậu Hợp.
Có mặt tại Bảo tàng Nam Định, phải thuyết phục rất lâu, ông Thư mới đồng ý cho chúng tôi tiếp cận với bộ bảo vật quốc gia này vì nó được bảo quản rất nghiêm nhặt. Chân đèn thời Mạc có đường kính mặt 17 cm, đường kính đế 21,2 cm, cao 76 cm và nặng 77 gr. Về hình thức, chân đèn có dáng thon cao, gồm 2 phần cổ và thân ghép với nhau. Cổ đèn hình trụ tròn nhỏ cao, miệng loe, hai bên đắp 2 tai hình rồng có cánh, đầu hướng xuống dưới. Phần trang trí nổi không men gồm các hoa văn rồng, phượng, hoa thị 4 cánh, lá đề, rồng trong cánh sen, chữ Hán “Phật” và hoa văn hình học, kết hợp vẽ lam đề tài rồng, phượng. Thân đèn có vai ngang, thân nở, eo thon, chân đế cao loe rộng, đắp nổi hình một con rồng không men, đầu hướng vào dòng chữ Hán khắc chìm theo chiều dọc với nội dung Hưng Trị tam niên bát nhị thập nhật tạo (có nghĩa là chế tạo ngày 20.8 năm Hưng Trị 3). Phần thân đèn sát chân đế được nghệ nhân thời Mạc tạo ra một băng cánh sen vuông đầu, trang trí nổi hoa văn.
Dòng chữ Hán ghi ngày chế tạo chân đèn |
Chiếc lư hương có đường kính mặt 20 cm, đường kính đế 20 cm, cao 40,4 cm và nặng 478 gr. Khác với chân đèn liền khố, lư hương gồm 2 phần chồng lên nhau. Phần trên giống một bát hương độc lập có miệng bằng, loe, cổ hình trụ, thân phình gắn 4 chân hình đầu thú uốn cong ra ngoài. Trang trí đắp nổi kết hợp vẽ lam các loại hoa văn, rồng trong ô, lân, ngựa có cánh, mặt hổ phù, mây và hoa văn hình học.
Phần đế giống chiếc hồ lô, trong đó thân trên dáng búp sen, thân dưới hình trụ tròn, cổ nhỏ ngắn, vai nở, đế loe tô son nâu. Ngoài phần trang trí nổi không men hình rồng trong ô, điểm gây nhiều chú ý cho giới khảo cổ khi tìm ra bảo vật này là trên chân lư hương còn khắc chìm một minh văn với mật độ chữ Hán dày đặc, lên tới 27 dòng cho biết nguồn gốc, thân thế của chiếc lư hương là do ông Đỗ Xuân Vi ở xã Bát Tràng chế tạo vào ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590) và tên các tín đồ cúng lư hương vào chùa.
Duy nhất và nguyên vẹn
Các nhà nghiên cứu về văn hóa, khảo cổ học đánh giá bộ chân đèn, lư hương được công nhận là bảo vật quốc gia vì đều mang tính độc bản, còn nguyên vẹn nhất về hình thức trong số lượng rất lớn các cổ vật thời Mạc nhưng lại thể hiện đầy đủ các đặc trưng của cổ vật gốm thời này là phong cách bổ ô đắp nổi để mộc kết hợp vẽ lam dưới men. Kỹ thuật trang trí và các đề tài hoa văn thể hiện trên bảo vật này là đặc trưng cho phong cách nghệ thuật, mỹ thuật của thời Mạc thế kỷ 16, đồng thời còn là cơ sở để đối chiếu, so sánh, xác định niên đại cho các hiện vật cùng thời cũng như những hiện vật sản xuất trước và sau đó. Hệ thống minh văn trên hiện vật ngoài việc cung cấp các thông tin cụ thể về niên đại sản xuất, người chế tạo, nơi chế tạo, di tích lưu giữ hiện vật... còn có thể nghiên cứu, tìm hiểu về cách hành văn, phong cách, kiểu chữ của thế kỷ 16.
Đặc biệt, theo các nhà nghiên cứu thì đến nay, chiếc chân đèn trong bộ bảo vật này là hiện vật duy nhất còn giữ được 2 tai hình rồng có cánh đắp nổi để mộc ở 2 bên cổ đèn. Lư hương cũng là tiêu bản duy nhất có hình thức khác biệt so với các lư hương thời Mạc, đó là phần thân trên đúng như một lư hương độc lập, có 4 chân choãi hình đầu thú, đặt lên phần đế viết kín minh văn. Bên cạnh đó, nét độc đáo khác của cổ vật này là trên thân hiện vật còn viết chữ Hán, đặc biệt là 258 chữ Hán ghi dày đặc trên đế lư hương phản ánh nhiều thông tin về tên người, các địa điểm, địa danh lịch sử hành chính của Nam Định thế kỷ 16.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thư còn cho biết chân đèn và lư hương đều có cùng một địa danh hành chính và cùng niên đại ngày 20.8.1590 nên các nhà nghiên cứu đã đưa giả thiết là có thể cả hai đều được dân huyện Trực Ninh đặt hàng và do một người thợ gốm làng Bát Tràng chế tạo.
Nhà mạc là thời kỳ rất mộ đạo Phật “Căn cứ vào minh văn trên bảo vật, ghi rõ các địa danh Nam Định, cả tên những người phát tâm cúng bái, gợi nhớ đến nhà Mạc là thời kỳ rất mộ đạo Phật. Người mộ đạo thường làm nhiều món đồ để tiến nhà chùa. Công chúa thời đó là Mạc Ngọc Liễn cũng nhiều lần đặt làm đồ để tặng các địa phương, tiến vào chùa. Bản thân lư hương, chân đèn gốm cũng chính là những hiện vật tạo nét riêng biệt cho đồ gốm thời đó. Chúng thậm chí còn được xuất khẩu ra nước ngoài qua đường biển. Với hai tác phẩm này, người thợ đã tính được độ đọng men khiến trên bề mặt cùng một màu men xanh mà có những thay đổi sắc độ đậm, dịu, bóng, nhạt khác nhau”. PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành Trinh Nguyễn (ghi) |
Hoàng Long