Gò Ốc là một ngọn gò nổi cao và chạy dài dọc ven bờ đầm Cù Mông thuộc thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Địa điểm Gò Ốc được phát hiện từ cuối những năm 80. Vào khoảng giữa và cuối năm 1990, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) phối hợp với Bảo tàng Phú Yên đã đào 2 đợt thăm dò.
Cuộc khai quật khảo cổ chính thức được tiến hành vào cuối năm 1991, trong cuộc thám sát đó đã phát hiện được thêm một loạt vết tích văn hóa cùng tính chất văn hóa với Gò Ốc nhưng phân bố bên dãy núi Bầu Bàng. Các địa điểm mới đó gồm: Giồng Đồn, Giồng Niệm, Hang Beo… Trong đó, chỉ có Giồng Đồn là còn một phần đáng kể của tầng đất văn hóa.
Di tích văn hóa Gò Ốc là di tích thuộc loại hình “Đống rác bếp”. Ở đây còn lại lớp đất văn hóa đã bị bạt một phần trên, dưới nó là lớp sinh thổ.
Bản vẽ tầng văn hóa di chỉ Gò Ốc
Địa điểm Gò Ốc chỉ có một tầng văn hóa. Ở cả hai hố đào, đất văn hóa dày khoảng 80 - 90cm. Ở hố II, có lớp vô sinh dày khoảng 10cm. Khi chưa đào bóc lớp văn hóa, đã phát hiện được ngay trên mặt một số di vật như: hòn kê và đặc biệt là bàn mài lõi vòng. Trong lớp đất văn hóa còn lại đào được một số đồ đá, đồ xương, bếp nấu, xương răng thú rừng và hàng loạt mảnh gốm thô…
Lớp dưới của tầng văn hóa là cát xám trắng chứ không có màu xám thẫm như lớp văn hóa nằm ở phía trên nó.
Cuộc khai quật thu được những kết quả sơ bộ với các di vật:
1. Đồ đá: Nhìn chung nghèo nàn. Kỹ thuật ghè đẽo ở trình độ thấp: chỉ bằng mấy nhát ghè to, thô giống rìu ngắn Hòa Bình. Ngoài ra, còn nhiều hòn kê, nạo lưỡi lồi, bàn xoa, mấy mảnh cuội và hòn cuội.
Bản vẽ các di vật đồ đá trong di chỉ khảo cổ Gò Ốc
2. Đồ gốm: Dường như có hiện tượng chênh lệch về trình độ phát triển giữa đồ gốm và đồ đá. Trong hai hố khai quật đã thu được 1903 mảnh, gồm: gốm thô và gốm màu. Trong đó loại gốm màu chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/10.
Gốm màu: Là loại gốm làm bằng nguyên liệu đất sét pha lẫn bột màu đỏ hồng, chủ yếu khai thác từ các loại khoáng sản có màu như: đá ong, đá gra-nit biến màu…, không trang trí hoa văn. Kỹ thuật chế tác chủ yếu bằng bàn xoay, ngoại trừ phần đáy. Phần đáy được làm riêng rẽ và lắp vào khí vật trước khi đem nung.
Gốm thô: Là loại gốm làm bằng nguyên liệu sét pha cát, bã thực vật, vụn sò ốc, gỉ sỏi… Xương xám hoặc đen. Da màu vàng - xám hồng, xám hoặc xám đen. Số mảnh gốm không hoa văn chiếm khoảng 25%. Số mảnh văn thừng chiếm khoảng gần 40%. Số mảnh còn lại có văn khắc vạch, văn răng lược, văn in mép sò… Đặc biệt là sự có mặt của loại văn răng lược với các cỡ từ khoảng 0,5 đến hơn 1mm. Các dạng cỡ nhỏ trông dễ lẫn với văn in mép sò. Vành miệng nhất là loại loe nghiêng gần gũi với Xóm Cồn, Bàu Trám…
Bản vẽ các di vật đồ gốm trong di chỉ khảo cổ Gò Ốc
3. Các di vật khác:
Bếp lửa: Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết các bếp lửa ở hai hố khai quật H.1 và H.2, một ở gần góc Đông Bắc thuộc H.2. Ở đây, ba ông đầu rau là các tảng đá gra-nit vừa tầm. Chúng chỉ là mấy tảng đá ngẫu nhiên được nhặt về và sau đó đem sử dụng. Do đó, chúng không có hình dáng đầu rau. Trên thân còn dính đầy tro xám và nằm trên đống tro.
Một ở gần góc Đông Nam của H.1. Ở đây, tàn tích chỉ còn lại một lớp tro xám.
Đá son: Nhiều viền đá màu đỏ thắm rất đẹp đã được tìm thấy ở Gò Ốc. Đây là một trong những nguồn nhan liệu (nguyên liệu màu) góp phần quan trọng cho việc sản xuất loại gốm màu.
Xương răng động vật gồm nhiều loại như: tê giác, hươu, nai, gấu, hổ, báo… và một chiếc răng có thể thuộc giống ngựa rừng. Còn vài chiếc răng to, cao hình nón chưa có điều kiện giám định. Nhìn chung, đó là những xương răng thú hiện đại. Quần động vật đương thời ở đây đồng dạng với quần động vật phát hiện ở địa điểm Xóm Cồn.
Vỏ nhuyễn thể: Ken dày trong mỗi độ cao, thấp khác nhau của tầng đất văn hóa. Gồm nhiều loại như: sò, ngao, điệp, hầu, ốc…
Cũng như Quỳnh Văn, Quỳnh Hoa và Quỳnh Tùng ở duyên hải phía Bắc, các địa điểm Gò Ốc, Giồng Niệm, Giồng Đồn, Hang Beo… tạo nên một dải văn hóa khảo cổ mới biết đó là nền văn hóa Gò Ốc.
Nền văn hóa Gò Ốc mới mẻ này hàm chứa những đặc thù của mình về đồ đá, nó hơn nền văn hóa Quỳnh Văn ở chỗ kỹ thuật mài chế vừa chớm nở. Nhưng kém hơn văn hóa Bắc Sơn ở mặt kỹ thuật. Ở đây đã có một bước phát triển đầu tiên về đồ gốm, trong nghệ thuật trang trí hoa văn, loại văn thừng mịn chiếm chủ đạo.
Di tích văn hóa Gò Ốc là một trong những di tích khởi đầu sáng tạo nên nghệ thuật tô màu lên gốm. Ngoài ra, những mảnh gốm màu được tìm thấy ở đây đánh dấu sự phát sinh, hình thành nghệ thuật hóa xương gốm. Về sau và ở những nơi khác, hiện tượng hóa bản thân đồ gốm ngay từ nguyên liệu chế nặn ngày một phổ biến. Những di tích Xóm Cồn, Tam Thăng, Bàu Trám… là những minh chứng.
Tóm lại, việc phát hiện di tích Văn hóa Gò Ốc đã cung cấp cho chúng ta những dữ liệu khoa học mới và có giá trị mở rộng hơn tầm nhìn và hiểu biết về nền khảo cổ học nước nhà.
Lê Khiêm tổng hợp
Nguồn:
- Trương Hoàng Châu, “Khai quật di tích văn hóa Gò Ốc”, NPHMVKCH 1993, H.: KHXH, 1994, tr. 83-84;
- Trương Hoàng Châu, “Khai quật di chỉ Gò Ốc và di chỉ Giồng Đồn (Phú Yên), TBKH 1993, H.: Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, 1993, tr. 1-24.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.