Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/01/2014 16:56 4630
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đồ sứ hoa lam là nhóm hiện vật có số lượng lớn với nhiều loại hình đồ gia dụng như: Lọ, nậm, bát, đĩa và chén. Những đồ sứ hoa lam này là những loại hình khá tiêu biểu của dòng gốm Arita, đặc biệt là khu vực lò gốm Ko Imari.

1. Nậm sứ hoa lam:

+ Kiểu 1: Nậm có gờ miệng loe, cổ cao, thân hình trứng chân đế thấp, đáy lõm. Quanh cổ và vai vẽ băng cánh hoa cúc và băng tam giác, thân vẽ cây lá và hình chim bay. Cao 45,3 cm, đkm 8,5 cm. Chiêc nậm này do Peri mua năm 1921. Đây là chiếc nậm thuộc đời Giang Hộ 1660-1705.

Nậm sứ hoa lam, niên đại 1660-1705

+ Kiểu 2: Nậm hình củ tỏi miệng vút. Phần miệng bịt kim loại. Cổ và vai vẽ băng cánh hoa cúc và hình tam giác. Xung quanh thân vẽ dây hoa lá theo kiểu chuỗi tràng hoa. Nậm cao 26,8 cm, đướng kính miệng 1,5 cm. Chiếc nậm này thuộc đời Giang Hộ khoảng nửa đầu thế kỷ 18.

Nậm sứ hoa lam, niên đại nửa đầu thế kỷ 18

+ Kiểu 3: Nậm hình củ tỏi, miệng hơi loe, cổ cao, thân phình, đế thấp, đáy lõm. Xung quanh cổ dọc theo chiều cao chia thành 4 ô trang trí hàng văn nhũ đinh. Xung quanh thân vẽ hoa lá cúc, phong cách tương tự kiểu hoa lá đời Khang Hy của Trung Quốc. Cao 15,5 cm, đkm 2,7 cm. Chiếc nậm này thuộc đời Giang Hộ khoảng năm 1630. Theo lý lịch hiện vật, chiếc nậm này do ông Dalet gửi bảo tàng năm 1938.

2. Lọ sứ hoa lam gồm 5 kiểu:

+ Kiểu 1: Lọ có nắp, miệng tròn, cổ đứng hình trụ, vai phình, thân thuôn, đế thấp, đáy lõm, nắp hình chỏm cầu. Nắp và xung quanh thân vẽ hoa lá. Cao 7,1 cm, đkm 5cm. Đây là lọ sứ hoa lam thuộc đời Giang Hộ, khoảng thế kỷ 17. Theo lý lịch hiện vật chiếc lọ này do ông Dalet gửi bảo tàng năm 1938.

+ Kiểu 2: Lọ có miệng tròn cổ đứng hình trụ, trên nhỏ dưới to, vai phình, thân thuôn, đáy thót. Xung quanh cổ vẽ băng chữ V lồng nhau. Xung quanh thân vẽ dây hoa lá. Cao 7,2 cm, đkm 3,2 cm. Chiếc lọ này thuộc đời Giang Hộ nửa sau thế kỷ 17.

Lọ sứ hoa lam, niên đại nửa sau thế kỷ 17

+ Kiểu 3: Lọ có miệng loe, cổ cao, thân hình cầu, đế thấp, đáy lõm. Xung quanh cổ vẽ băng tam giác lồng nhau. Xung quanh thân vẽ hoa lá. Lọ cao 7,6 cm. Chiếc lọ này thuộc đời Giang Hộ khoảng giữa thế kỷ 17. Chiếc lọ này do ông Dalet gửi bảo tàng năm 1938.

+ Kiểu 4: Lọ có miệng tròn, cổ cao hình trụ, vai phình, thân thuôn, đáy lõm. Xung quanh cổ vẽ dải lá, vai vẽ băng lá đề. Xung quanh thân vẽ cành hoa lá mẫu đơn. Cao 8,6 cm , đkm 2,2 cm. Đây là chiếc lọ thuộc đời Giang Hộ, thế kỷ 17. Chiếc lọ này do ông Dalet gửi bảo tàng năm 1938.

+ Kiểu 5: Các lọ thuộc kiểu 5 đều có miệng loe, cổ eo, thân hình cầu, đế thấp, đáy lõm. Xung quanh cổ và vai đều có băng tam giác và xung quanh thân đều vẽ cành hoa lá mẫu đơn. Kích thước của các lọ này đều thuộc loại nhỏ, với chiều cao7,3 cm-8,4 cm. Các lọ sứ hoa lam này đều thuộc đời Giang Hộ, khoảng giữa thế kỷ 17. Theo lý lịch hiện vật, các lọ sứ hoa lam này do ông Dalet gửi bảo tàng năm 1938 và bảo tàng Phnom Penh gửi năm 1934.

3. Bát sứ hoa lam.

+ Kiểu 1: Bát có miệng khum, thành cong, chân đế nhỏ. Thành ngoài vẽ băng dây hoa lá trên nền trắng. Đáy viết 6 chữ Hán: Đại Minh Thành Hóa niên chế. Bát có chiều cao: 7cm , đkm: 23cm. Đây là loại bát đời Giang Hộ khoảng 1650-1680. Chiếc bát do Hải quan giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1990.

Bát sứ hoa lam, niên đại 1650-1680

+ Kiểu 2: Bát miệng loe, thành cong, đế rộng. Thành ngoài vẽ băng hồi văn hình học và băng dây hoa lá. Trong lòng vẽ phong cảnh cây hoa lá, kiến trúc mây trời (Khác hẳn lối vẽ Trung Quốc). Bát cao 10,2cm, đkm 22,4cm. Đây là chiếc bát đời Giang Hộ 1670-1710.

+ Kiểu 3: Bát có miệng loe, thành cong, đế rộng. Xung quanh thành ngoài vẽ đề tài mã - liễu (Ngựa và cây liễu). Giữa lòng bát vẽ một hình ngựa nằm, đầu ngựa ngoảnh lại, giữa phong cảnh núi non bao quanh hai đường chỉ tròn. Dưới đáy bát viết chữ nhật. Bát cao 9,4 cm, đkm 19,7 cm. Chiếc bát này thuộc đời Giang Hộ khoảng 1660-1690. Theo lý lịch hiện vật chiếc bát này do bảo tàng Louis Finot mua của Nguyễn Thị Hai ở Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội năm 1930.

Bát sứ hoa lam, niên đại 1660-1690

+ Kiểu 4: Bát có miệng loe, thành cong, chân đế cao. Xung quanh thành ngoài vẽ các hình viên long (rồng trong hình tròn) xem kẽ các hình chiếc quạt. Giữa lòng vẽ hình chiếc quạt bao quanh là hai đường chỉ tròn. Bát cao 8 cm, đkm 16 cm. Chiếc bát này thuộc đời Giang Hộ khoảng nửa sau thế kỷ 17.

+ Kiểu 5: Bát có miệng loe, thành cong, đế thấp và rộng. Xung quanh thành ngoài vẽ băng dây hoa lá và băng chữ thọ xem kẽ các ô hình bầu dục. Trong ô vẽ hai vị tiên. Giữa lòng vẽ hình tiên cưỡi hạc và sóng nước trong ô hai đường chỉ tròn. Xung quanh gờ miệng vẽ các bông mai xem kẽ dải lá. Dưới đáy viết 6 chữ Hán: Nhật Bản Khoan Vĩnh sơ tác. (Chế tác vào đầu niên hiệu Khoan Vĩnh của nước Nhật Bản, năm 1750). Bát cao 9,5 cm, đkm 22 cm.

Bát sứ hoa lam , niên đại 1750

+ Kiểu 6: Bát có miệng tròn thân chia múi nổi theo 12 cạnh uốn cong, chân đế thấp. Cả trong và ngoài bát vẽ các đề tài hoa lá, nhân vật, phong cảnh sơn thủy, nền gấm chữ vạn trong các ô chéo. Bát cao 9,5 cm, đkm 19,7 cm. Chiếc bát này thuộc cuối đời Giang Hộ khoảng đầu thế kỷ 19. Theo tài liệu lưu trữ chiếc bát này do Sở văn hóa Hà Nội thu giữ của Vũ Văn Thịnh và giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1975.

(Còn phần 2)

TS.Nguyễn Đình Chiến

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4472

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Hệ thủy Lam Kinh (Thanh Hóa).

Hệ thủy Lam Kinh (Thanh Hóa).

  • 31/12/2013 10:48
  • 3135

Hệ thủy - đó là khái niệm do cố GS. Trần Quốc Vượng đề xuất, chỉ hệ thống các con sông, suối, kênh dẫn và hồ chứa nước tạo thành chỉnh thể liên hoàn khi ông cùng các cộng sự của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn Di tích tiến hành khảo sát khu trung tâm và ngoại vi vùng Lam Kinh/Lam Sơn.