Hệ thủy - đó là khái niệm do cố GS. Trần Quốc Vượng đề xuất, chỉ hệ thống các con sông, suối, kênh dẫn và hồ chứa nước tạo thành chỉnh thể liên hoàn khi ông cùng các cộng sự của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn Di tích tiến hành khảo sát khu trung tâm và ngoại vi vùng Lam Kinh/Lam Sơn.
Đó là phần cực kỳ quan trọng, là sự kết hợp cái tự nhiên và cái nhân vi tạo nên không gian mang sắc thái riêng của Lam Kinh/Lam Sơn đầy huyền bí. Kết quả của đợt khảo sát đã xác định rõ hơn yêu cầu cần có phương pháp tiếp cận liên ngành khi nghiên cứu về Lam Kinh/Lam Sơn, luôn đặt di tích/di vật trong một phức hệ/tổng thể và gắn với cảnh quan môi trường tự nhiên. Đó cũng là cách ứng xử của con người suốt từ thời tiền sơ - sử cho tới hôm nay cũng đang là vấn đề thời sự, được cả xã hội quan tâm.
Lam Sơn là một không gian văn hóa rộng lớn, thời gian lịch sử diễn ra từ cuối Trần đến suốt cả thời hậu Lê mà đỉnh cao là những thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 16, gắn với nhà Lê sơ. Về di sản, đây có thể coi là một phức (complex) hay thậm chí là đa phức (multiplex) với các di tích cung điện, đền miếu, lăng mộ của vua, hoàng hậu và các đại công thần dưới thời Lê sơ. Song, trước hết, đây là nơi phát tích của nhà Lê, nơi phát sinhcuộc khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, khu trung tâm Lam Kinh như ta vẫn hiểu hiện nay có quan hệ với nhiều vùng di tích khác liền kề như: Như Áng, Thủy Chú, Mục Sơn, các vùng Mường - Kinh khác của miền núi, miền trung du và hạ du xứ Thanh.
Vết tích đập nước nhà Lê.
Trên nền tảng cơ bản ấy, khi xây dựng Lam Kinh, không chỉ có các công trình kiến trúc qui mô đồ sộ cùng hệ thống lăng mộ được xây dựng mà còn có một Lam Kinh lung linh, huyền ảo giữa núi rừng Lam Sơn, với miền địa hình núi, đồi của miền “bán sơn địa ” bao bọc bởi hệ thống sông suối tự nhiên, đã được cải biến, tạo thành một hệ (thống) thủy hoàn hảo, chuyển tải "tài tình" những nét cơ bản của tư duy phong thủy tạo nên không gian riêng của vùng văn hóa Lam Sơn.
Sông Chu- đoạn chảy qua Lam Kinh.
Hệ thuỷ Lam Kinh cũng được các sử gia quan tâm ghi chép và phản ánh. Song, rất đáng tiếc là những ghi chép chủ yếu miêu tả việc xây dựng, đón rước và tổ chức tế lễ ở Lam Kinh và đều hết sức ngắn gọn, súc tích, còn với cảnh quan và thông tin liên quan đến hệ thủy thì gần như không hề được nhắc tới, ngoại trừ một vài chi tiết liên quan gián tiếp hay trực tiếp đến hồ Tây. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết "sự kiện" diễn ra vào năm 1446 "nước hồ Tây ở Lam Kinh đỏ rực”. Thông tin này chắc hẳn hàm chỉ một “sự thật lịch sử” quan trọng nào đó, có sự tác động lớn đến "não" Lam Kinh là hồ Tây, mà nay vẫn là một ẩn số với chúng ta ?.
Kênh dẫn nước ở Lam Kinh.
Thật may mắn, chúng ta còn được biết tới khu Lam Kinh qua ghi chép của sử gia Phan Huy Chú vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, khi mà thời "vàng son" của miền đất cố đô không còn nữa. Song, Lam Kinh qua cảm nhận của Phan Huy Chú, được miêu tả thật to lớn và hoành tráng, được đặt ở địa thế tuyệt đẹp. Qua đó, phần nào có thể hình dung được diện mạo hệ thủy Lam Kinh trong qui hoạch tổng thể chung của các “kiến trúc sư” đương thời. Các công trình, điện miếu, lăng mộ được bao bọc bởi núi ở sau (núi Dầu), sông ở trước mặt (sông Chu), được bao bọc bởi non xanh, nước biếc, rừng rậm um tùm, có Tây Hồ là não, các ngả (suối) đều chảy vào đó, có lạch nước chảy ôm lại như hình cách cung (sông Ngọc).
Kênh dẫn nước sau khi phục hồi.
Trải qua thời gian tồn tại cùng bao thăng trầm lịch sử, miền đất Lam/Tây Kinh - kinh đô thứ hai của nước Đại Việt thời Lê đã trở thành "cố đô" in đậm sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt. Theo đó, cảnh quan môi trường cũng có nhiều thay đổi, tác động trực tiếp ảnh hưởng đến diện mạo của hệ thủy vốn có nơi đây.
Từ khi dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích Lam Kinh được phê duyệt, các nhà quản lý và các chuyên gia đã có nhận thức đúng đắn về qui hoạch tổng thể Lam Kinh. Đó là, bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo, khôi phục lại khu điện - miếu trung tâm, hệ thủy cũng trở thành trọng tâm nghiên cứu của dự án.
Sông Ngọc sau khi phục hồi.
Khi thực thi dự án, các nhà thiết kế đã đáp ứng được yêu cầu cần thiết đã đề ra đối với việc phục hồi, tôn tạo hệ thủy Lam Kinh. Về cơ bản “tinh thần cốt lõi” của người xưa đã được hiểu đúng đó là quan niệm dựng lại hệ thủy chính là tái tạo lại nguồn sinh thủy cho Lam Kinh. Công việc ấy phải đảm bảo nguyên tắc tận dụng triệt để địa thế tự nhiên, cải tạo và mở rộng cho hài hòa với không gian cả vùng Lam Sơn. Sự cải tạo và mở rộng sẽ tôn trọng tuyệt đối yếu tố tự nhiên vốn có của trong khu vực. Nếu như ở khu vực sông Ngọc, các “kiến trúc sư” đã kè đá một số đoạn theo yêu cầu đảm bảo gia cố vững chắc thì ở khu vực hồ Như Áng, đập nước, kênh dẫn nước và hồ Tây yếu tố tự nhiên được khai thác tối đa. Hệ thống nguồn nước Lam Kinh hôm nay đã trở thành hệ thủy có ý nghĩa to lớn, hòa hợp với không gian, môi trường sinh thái tổng thể của khu di tích.
Hồ Tây quanh năm đầy nước.
Hôm nay, khi về Lam Kinh hành lễ, dâng hương, tưởng niệm, nếu có dịp tham quan, tìm hiểu về hệ thủy ta sẽ thấy, Lam Kinh không chỉ hoành tráng và linh thiêng với các công trình kiến trúc đồ sộ, mà còn có một Lam Kinh lung linh, huyền ảo giữa vùng núi đồi miền “bán sơn địa”, đẹp quyến rũ, hấp dẫn và lôi cuốn, với môi trường nhân văn hài hòa với khung cảnh thiên nhiên.
TS.Nguyễn Văn Đoàn-PGĐ Bảo tàng Lịch sử quốc gia