Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/12/2013 13:58 9267
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Mặt nạ đã có lịch sử tồn tại rất lâu đời ở Nhật. Theo nhận định của giới nghiên cứu, có thể nó đã ra đời cách đây gần 2.000 năm. Tại Nhật Bản, mặt nạ thuộc về truyền thống sân khấu. Mục đích sử dụng của nó là trong các nghi lễ tôn giáo, nhưng điều này từ lâu đã thay đổi. Trong tất cả các mặt nạ Nhật Bản, các mặt nạ Noh được cho là một trong những kiểu nghệ thuật nhất.

1.Kịch Noh có 5 hình thái chính: Kanzen, Komparu, Hosho, Kongo và Kita. Hình thức sân khấu kịch Noh được thiết kế giản đơn, đạo cụ thường là chiếc quạt, mặt nạ với tên gọi theo cảm xúc của mặt nạ được thể hiện, âm nhạc dân gian với nhạc cụ truyền thống, lời là những câu thơ thất - ngũ, ít câu, ít chữ, nhưng nhiều ẩn ý.

Sân khấu kịch Noh.

Do tính ước lệ cao của kịch nghệ, để khán giả không bị phân tâm, người diễn viên thường đeo những chiếc mặt nạ Noh phù hợp với từng vai diễn của mình nhằm che dấu những cảm xúc của bản thân. Có hơn 250 loại mặt nạ nhưng có thể chia thành 5 loại mặt nạ chính là Thần, Nam, Nữ, Cuồng (kỳ lạ) và Quỷ. Thoạt nhìn, đúng là mặt nạ kịch Noh chỉ là một mảnh gỗ. Nhưng chỉ cần xoay nhẹ đi một chút, sắc thái biểu cảm của tấm mặt nạ có thể biểu hiện một cảm giác rất tinh tế khác nhau. 3 góc nhìn, 3 biểu hiện tình cảm khác biệt, nhưng giữa 3 biểu hiện tình cảm ấy, còn biết bao nhiêu mức độ tình cảm khác nữa mà chỉ khi nào thực sự ngồi xem kịch, ta mới cảm nhận hết được. Khuôn mặt ấy sống động, thay đổi theo từng cái ngước nhìn, theo từng điệu xoay, thay đổi cả khi tay của nhân vật hạ tấm quạt che miệng xuống...

Những nét biểu cảm ở các góc độ.

2. Chúng ta biết tới những chiếc mặt nạ Noh nổi tiếng bởi chúng gắn với nghệ thuật kịch sân khấu truyền thống, bởi tính biểu cảm tuyệt vời của chúng nhưng ít ai biết tới mặt nạ Noh được chế tác như thế nào từ bàn tay của những nghệ nhân Nhật Bản. Làm một cái mặt nạ phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc lựa chọn loại gỗ để tạo tác. Mặt nạ Noh phần lớn được chạm khắc từ loại gỗ Hinoki. Hinoki thuộc họ cây lá kim, phân bố chủ yếu ở vùng Aomori và Ishikawa phía bắc tỉnh Gifu, thung lũng Kosi của Chubu và quận Kochi thuộc đảo Shikoku Nhật Bản. Đây là loại cây ưa khí hậu lạnh. Gỗ Hinoki có độ cứng, độ mịn và độ đàn hồi tốt. Bề mặt có hai màu cơ bản là hồng nhạt và vàng sáng. Với nhiều đường vân sắc nét, thỉnh thoảng lại xuất hiện các mắt gỗ giống như đuôi công rất đẹp. Bên trong cây cũng chứa một số hợp chất có khả năng kháng khuẩn và hỗ trợ tốt cho sức khoẻ con người.

Công đoạn chạm khắc thô.

Làm một cái mặt nạ hoàn thiện phải mất từ vài tuần, có khi đến vài tháng làm việc miệt mài của một nghệ nhân. Mặt nạ Noh xác thực bằng cách sử dụng kỹ thuật khắc gỗ truyền thống của Nhật Bản. Đầu tiên là chọn gỗ; sau đó khắc thô phía mặt ngoài rồi khắc mặt sau; đánh bóng bằng giấy nhám; đốt cháy mặt sau bằng nến và trà lớp sáp nến lên mặt sau của mặt nạ (có những nghệ nhân họ sẽ để lại dấu ấn của mình ở mặt sau của mặt nạ). Với những mặt nạ có các chi tiết ốp kim loại thì những mảng kim loại được đặt ở mặt ngoài lên trên các vị trí của mặt nạ như hốc mắt, một số răng …(nếu đặt ốp kim loại vào hốc mắt, nghệ nhân sẽ làm công đoạn mở mắt cho mặt nạ).Khi chạm khắc xong phần thô, người nghệ nhân bồi lớp giấy washi lên trên mặt ngoài mặt nạ. Với những đặc điểm ưu việt của giấy washi là sự thẩm thấu đặc biệt - các sợi gỗ có khả năng hấp thụ màu và mực vẽ; khả năng chịu ẩm tốt; linh hoạt - tờ giấy có khả năng chịu sự uốn gấp mà không bị nhăn nhúm rách nát tạo ra bề mặt phẳng phiu trên chiếc mặt nạ.Trước khi vẽ mặt nạ cũng cần trải qua ít nhất là 3 lần làm mặt sơn nền cho mặt nạ. Có nhiều các lớp sơn mài đa sắc tố. Đầu tiên là lớp sơn lót: sơn trắng trộn keo, để khô và mài nhẵn. Công đoạn này lặp lại ba lần. Tiếp đến lớp sơn nền hay còn gọi là sơn gốc, sau khi hoàn chỉnh lớp sơn này để khô tiếp tục đánh bóng. Và, tiếp tục là lớp sơn màu, lớp sơn này thể hiện màu của mặt nạ - lớp màu này được gọi là màu cơ sở cho phần màu chính. Tiếp tục đánh bóng. Sau tiếp là sơn màu cuối cùng, đây là màu chính của chiếc mặt nạ mà chúng ta được thấy. Với những mặt nạ đòi hỏi có bụi vàng, phần bụi vàng sẽ được đưa vào sau khi màu chính được hoàn thiện.Khi hoàn tất các công đoạn làm mặt sơn, nghệ nhân vẽ màu hoàn chỉnh cho mặt nạ như mái tóc, đôi mắt, môi… Màu sử dụng phần lớn là màu bột hoặc màu nước. Mặt nạ sẽ được đánh bóng lần cuối bằng nanh của lợn rừng. Kỹ thuật làm mặt nạ Noh thay đổi rất ít so với hơn 600 năm qua. Nhưng điều giá trị hơn cả đối với mỗi chiếc mặt nạ được làm ra là sự gửi gắm tinh thần cùng những tinh hoa từ bàn tay của những người nghệ nhân, đã làm cho những chiếc mạt nạ trở nên sống động có hồn. Ngoại lệ của mặt nạ kịch Noh là những người nghệ nhân làm ra các mặt nạ giống nhau, và khi copy nguyên vẹn họ không bị coi là đánh cắp bản quyền. Hơn nữa, khái niệm “đẹp” dành cho một chiếc mặt nạ trùng nghĩa với việc chiếc mặt nạ ấy được copy đúng y bản gốc. Trên nước Nhật ngày nay số người có thể làm được mặt nạ rất hiếm hoi. Mỗi một nghệ nhân trổ mặt nạ lại phục vụ riêng cho một số ít nghệ sĩ Noh. Và, giá trị của một chiếc mặt nạ Noh trở nên rất quý giá. Những chiếc mặt nạ quý không nằm ở các bảo tàng, chúng nằm trong các nhà hát, những bộ sưu tập của tư nhân vẫn tham gia diễn kịch như xưa. Thật may mắn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang sở hữu một số mặt nạ kịch Noh tiêu biểu. Những chiếc mặt nạ này được lưu giữ từ thời kỳ bảo tàng Louis Finot.

3. Một số mặt nạ Noh tiêu biểu thuộc Bảo tàng.

Loại dành cho Quỷ ( Hannya) được chạm khắc công phu và tinh xảo nhất trên loại gỗ cứng. Hannya là một loại yêu quái trong quan niệm dân gian Nhật Bản. Các mặt nạ hannya thường có sừng nhọn, mắt và răng kim loại biểu hiện cho thấy giận dữ, oán giận và cơn thịnh nộ. Sừng của nó và màu của mặt nạ được cho là mô tả cường độ của sự tức giận. Ba loại mặt nạ Hannya được sử dụng trong kịch Noh: mặt nạ hannya trắng; đại diện cho phụ nữ quý tộc với cơn giận dữ ghen tuông, mặt nạ hannya đỏ; đại diện cho sự phẫn nộ, giận dữ mạnh mẽ và hannya mặt nạ đen; đại diện cho phụ nữ nghèo trên thế giới hoặc sự mệt mỏi.

Mặt nạ dành cho quỷ.

Loại dành cho nữ (Ko omote - có nghĩa là gương mặt nhỏ), mặt nạ này là một trong những mặt nạ có sớm trong kịch Noh, được chạm khắc ít nhất nhưng tinh tế nhất trên loại gỗ mềm. Mặt nạ thể hiện người phụ nữ có bản chất bình tĩnh và tự chủ. Khuôn mặt phản ảnh của một phụ nữ Heian cổ điển: lông mày được cạo, tóc được gọt gọn gàng, răng đen.

Mặt nạ dành cho nữ.

Có nhiều biến thể với mặt nạ loại này, từ việc má được thể hiện đầy đặn hơn và đôi môi chia khóe sâu hơn. Vị trí tóc cũng rất quan trọng, mặt nạ thể hiện ba sợi tóc không chồng chéo lên nhau và một mái tóc đầy đủ phía trên. Từ cơ sở này cho ta thấy mặt nạ chạm khắc thể hiện sự gia tăng tuổi tác. Đôi mắt được thể hiện khác lạ, đôi mắt sâu hơn miêu tả phụ nữ trung niên. Mở mắt cũng phản ánh tuổi, mặt nạ người phụ nữ trẻ có con ngươi hình lỗ vuông; mặt nạ người phụ nữ lớn tuổi có khe hở con ngươi bằng nửa vòng tròn.

Mặt nạ truyện tranh như: Kentoku, Oni-buaku hay Azuki-buaku…. được sử dụng cho tinh thần không phải là con người, mà như ngựa, bò, chó, cua, lợn, sói....

Mặt nạ truyện tranh.

Trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng quốc gia Kyushu đã ký kết hợp tác trưng bày giới thiệu lịch sử, văn hóa Nhật Bản. Trong dịp này những chiếc mặt nạ là một trong số những hiện vật sẽ được giới thiệu tới công chúng. Đây là cơ hội để chúng ta hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và người dân Nhật Bản. Và, chắc chắn những chiếc mặt nạ này sẽ trở nên sống động và ý nghĩa hơn khi tới được với người xem./.

Nguyễn Thị Lan (Phòng bảo quản)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 5201

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Làng gốm Thổ Hà - một thời vang bóng

Làng gốm Thổ Hà - một thời vang bóng

  • 20/12/2013 14:13
  • 8460

Làng Thổ Hà nay, xưa là xã Thổ Hà, tổng Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, được học giả Lê Quý Đôn phác họa như một trung tâm thương mại sầm uất lúc đương thời: