Thứ Hai, 28/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/06/2013 08:51 8477
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Văn hóa Sa Huỳnh một trong ba nền văn hóa khảo cổ đã hình thành nên “tam giác văn hóa” trong buổi bình minh của lịch sử Việt Nam. Đó là văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 trước CN - thế kỷ 1 sau CN), văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ 10 trước CN - thế kỷ 2 sau CN), và văn hóa Óc Eo (thế kỷ 1 - cuối thế kỷ 7 sau CN).

Một trong những thành tựu của văn hóa Sa Huỳnh là kỹ nghệ chế tác đồ trang sức và phong cách sử dụng của chủ nhân nền văn hóa này. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh dùng trang sức để làm đẹp, thể hiện sự giàu có, thể hiện địa vị xã hội, tuân theo phong tục và tín ngưỡng. Vì thế họ đã kỳ công sáng tạo ra những món đồ trang sức tinh xảo và mang tính nghệ thuật cao.

Sự xuất hiện phong phú loại hình đồ trang sức, đa dạng về chất liệu cho thấy cư dân văn hóa Sa Huỳnh là những người có năng khiếu, khéo tay và thẩm mỹ cao. Sưu tập đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia tập trung chủ yếu vào các loại hình như: hạt chuỗi, khuyên tai, vòng đeo tay, với chất liệu chủ yếu là đá, thủy tinh, số ít là kim loại quý.

Nói đến đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh chúng ta không thể không kể đến khuyên tai ba mấu nhọn và khuyên tai hai đầu thú. Hai loại khuyên tai này được chế tác bằng đá và thủy tinh với cấu tạo tương đối phức tạp và độc đáo. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, khuyên tai ba mấu và khuyên tai hai đầu thú là những sản phẩm đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh do người Sa Huỳnh sáng tạo.

Khuyên tai ba mấu

Khuyên tai ba mấu là một trong những loại hình đồ trang sức mang đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Chất liệu chế tác khuyên tai là đá ngọc, thủy tinh, đá quý trong đó chủ yếu là đá ngọc. Khuyên tai ba mấu gồm hai loại cơ bản: một loại hình ôvan vát hẹp ở phần mấu và một loại khác thân tròn, có ba mấu nhô ra sắc cạnh và ngắn. Loại khuyên tai này thường có đường kính từ 2,3cm đến 2,5cm, và gồm hai phần: phần dưới được mài, chuốt nhẵn, phần còn lại tạo gờ tròn. Ở phía trên đầu có khe hở tạo thành mấu đeo. Loại hình khuyên tai này không chỉ được phát hiện ở văn hóa Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo mà còn phổ biến ở các vùng Java, Miến Điện, Đài Loan. Điều đó cho thấy, từ rất sớm cư dân Sa Huỳnh đã có sự trao đổi, giao lưu rộng rãi với các nước trong khu vực.

Một loại trang sức khác cũng do các thợ thủ công tài khéo thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh sáng tạo là khuyên tai hai đầu thú. Khuyên tai hai đầu thú thường được làm bằng đá ngọc nephrite và thủy tinh trong đó bằng đá ngọc chiếm phần nhiều hơn. Có những khu mộ cổ các nhà khảo cổ học đã phát hiện tới 15 chiếc khuyên tai hai đầu thú như ở Đại Lãnh thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Loại khuyên tai này được phát hiện cùng với nhiều hiện vật khác của văn hóa Sa Huỳnh như cuốc, giáo sắt và đồ gốm minh khí… Nét đẹp của loại khuyên tai này không chỉ ở chất liệu đá màu trắng đục hay màu xanh nhạt được mài bóng trong chuốt công phu, mà còn đẹp ở tạo hình. Khuyên tai này có hai loại hình cơ bản: một loại thân tròn, tai ngắn, mặt thú ngắnn, mắt tròn lồi. Loại kia thân mảnh mai hơn, hai tai dài công vút và nhọn đầu, mặt thú thon, mắt dài xếch như hình chiếc lá. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là đầu của một loại thú, mặt nhìn về hai phía, mắt được chạm khắc hình như chiếc lá nhỏ phía bên trên, chính giữa là chiếc móc để đeo. Theo nhà khảo cổ học Lê Duy Sơn, loại khuyên tai lạ mắt này chính là sản phẩm sáng tạo tại chỗ của cư dân cổ Sa Huỳnh, và cho đến nay, chưa ai biết loại trang sức hai đầu thú này được đeo như thế nào. Có người cho rằng, loại hiện vật này thường nằm trước ngực trong chuỗi hạt hỗn hợp đa chất liệu bằng đá, thủy tinh, mã não, xương, sừng, vỏ ốc… mà người xưa thường đeo ở cổ, chúng được dùng như một chiếc “bùa hộ mệnh”. Một số người khác lại cho rằng, chúng được móc vào vách giữa hai lỗ mũi. Về hình con vật trang trí trên khuyên tai cho đến nay vẫn còn có nhiều điều bí ẩn. Nhiều người cho rằng, đó là hình ảnh của con dê, trâu… Theo tiến sĩ Andreas, Reineker nhà khảo cổ học người Đức đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, thì hình đầu thú hai sừng trên các chiếc khuyên tai hai đầu thú của văn hóa Sa Huỳnh có mối quan hệ nhất định với Sao La, loài động vật được phát hiện lần đầu vào năm 1992 ở phía Tây miền Trung Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng, loại thú này vốn ngày xưa sống ở miền đồng hoang và có thể nó được coi là con vật thiêng vì ngày càng hiếm. Nhưng cho đến nay chúng đã bị tiệt chủng. Một số nhà khảo cổ học cũng nhận xét rằng “nếu khuyên tai ba mấu dịu dàng, tinh tế và khá duyên dáng thì khuyên tai hai đầu thú lại thể hiện chất dũng mạnh, kiêu hãnh, cường tráng của nam giới”. Loại hình khuyên tai hai đầu thú đã góp phần làm nên sự phong phú và độc đáo của văn hóa Sa Huỳnh.

Khuyên tai hai đầu thú

Bên cạnh các loại khuyên tai đặc sắc, cư dân Sa Huỳnh còn ưa thích sử dụng các chuỗi hạt thủy tinh, mã não làm đẹp cho mình. Để có một sản phẩm thủy tinh, người thợ thủ công phải chuẩn bị nguyên liệu bao gồm cát thạch anh, chất nóng chảy, chất ổn định gồm vôi hoặc chì và chất tạo màu là oxit kim loại. Vật liệu được nung nóng chảy khoảng từ 9000c đến 12000c… Nhờ những bí quyết nghề nghiệp, người thợ thủ công có thể hạ độ nóng chảy xuống thấp hơn, tăng độ bền cho sản phẩm. Qua phân tích các mẫu thủy tinh nhân tạo ở các di chỉ khảo cổ các nhà khảo cứu nhận thấy có những công thức pha trộn vật liệu khác nhau để làm ra các sản phẩm thủy tinh. Như vậy, mỗi vùng tùy theo kinh nghiệm của mỗi người thợi làm thủy tinh, sản phẩm thủy tinh sẽ có chất lượng và màu sắc khác nhau. Vì thế khi quan sát kiểu dáng, màu sắc, phân tích thành phần thủy tinh, các nhà khoa học có thể nhận biết được nguồn gốc sản phẩm, sự giao lưu, truyền bá kỹ thuật nấu thủy tinh… Những người thợ thủ công tài khéo thời kì này đã tiếp thu kỹ thuật thủy tinh của người Ấn Độ để làm nên những sản phẩm khuyên tai và hạt chuỗi cho riêng mình với kiểu dáng và màu sắc phong phú. Những loại hạt chuỗi có hình dáng, màu sắc khác nhau như xanh lơ, vàng nhạt hoặc màu ngọc. Từ loại hạt chuỗi lớn hình quả trám, hình đốt trúc cho đến hạt chuỗi nhỏ li ti đều cho thấy rằng hạt chuỗi này được xâu vào dây với số lượng lớn để đeo vào cổ hoặc ở tay. Trong các loại hình đồ trang sức, hạt chuỗi chiếm số lượng nhiều nhất, chúng là một trong những loại hình hiện vật thể hiện mối quan hệ giao lưu của văn hóa Sa Huỳnh với những nền văn hóa xung quanh.Những khu mộ chum có số lượng hạt chuỗi mã não được phát hiện nhiều là ở Đại Lãnh thuộc huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam và ở Lai Nghi thuộc huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam

Hạt chuỗi văn hóa Sa Huỳnh

Như vậy, đồ trang sức của cư dân văn hóa Sa Huỳnh không chỉ khiến chúng ta khâm phục về trình độ chế tác và tư duy thẩm mỹ ẩn chứa trong mỗi chiếc vòng tay, mỗi đôi hoa tai hoặc chuỗi vòng thủy tinh, mã não ấy mà đó còn là những thông điệp thể hiện về địa vị và cả ước nguyện sâu sắc của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, một trong những văn hóa góp phần quan trọng hình thành nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Phan Thị Chiên

Phòng Giáo dục Công chúng

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 5000

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Khai thác nguồn tài nguyên nước ở Bình Định trong lịch sử

  • 25/05/2013 22:33
  • 2761

Với giá trị của di tích, đền thờ Văn Phong đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và thành phố năm 2012.