Thứ Hai, 28/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/04/2013 09:35 3287
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trước kỷ nguyên của bóng đèn điện là đèn dầu. Kỷ nguyên đèn dầu dài lâu đến hơn 2.000 năm, tức gấp gần đến 200 lần quãng thời gian điện đèn có mặt. Ở nước Việt ta, đèn dầu lại còn gắn bó chặt chẽ hơn với con người, với tâm linh trong một xã hội dựa trên xóm làng, nông nghiệp.

Một cuộc trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đến hết tháng 5.2013, rất đáng chú ý.

Vượt lên khỏi ánh sáng của những bếp lửa hồng vạn năm, con người đã biết chế ngự ánh sáng theo ý mình, không còn phải lo cái sự bập bùng cũng như cái nạn hỏa tặc dễ xảy ra quanh ông đầu rau và củi lửa. Đó là thời điểm biết làm đèn từ dầu thực vật. Bằng chứng là một số cây đèn bằng gốm tìm được trong các di tích làng quê cách đây khoảng 2.500 năm.

Cây đèn trong văn hóa Sa Huỳnh, tìm được ở Hòa Diêm được người xưa nặn khá công phu, có tạo dáng như một cái khay hình cầu đựng dầu thực vật, phần thân cao trang trí hoa văn tam giác và đường cong đẹp mắt, lại có cả chân đế hình vuông vững chãi, được trổ lỗ thủng cầu kỳ. Thế mới biết người xưa tập trung vào trang trí đèn dầu như một tác phẩm mỹ thuật gần gũi đêm đêm với họ. Các loại đèn gốm trong thời điểm hơn 2.000 năm tương tự còn thấy ở trong một số làng cổ thuộc văn hóa Đông Sơn. Có khi họ còn tạo hình một số động vật như con vịt để đựng dầu đèn nữa.

Cây đèn bằng gốm tìm được ở làng cổ Hòa Diêm, Khánh Hòa.

Khi mà người xưa đã làm chủ được kỹ thuật đúc đồng, đã đúc được các tác phẩm tuyệt hảo như trống đồng Ngọc Lũ, thì cũng là lúc mà hàng loạt các cây đèn đồng ra đời. Đèn dầu lúc đó thực sự là các tác phẩm nghệ thuật đẹp. Một trong những tác phẩm đó vừa được phong tặng là Bảo vật Quốc gia. Đó là cây đèn đồng Lạch Trường do nhà khảo cổ Thụy Điển đào được trong một mộ táng ở vùng Cửa biển có tên gọi như vậy ở Thanh Hóa từ năm 1935.

Đèn có dáng là một người đàn ông đang quỳ, hai tay dâng lên một đĩa đèn. Đĩa đèn hình trụ tròn, vốn đựng dầu thực vật để đốt. Cái loại đèn mà dùng dầu thực vật như thế còn tồn tại hàng chục thế kỷ sau này nữa trong các triều đại phong kiến. Cái lạ của tượng là không mang vóc dáng người Việt, mà lại giống với người Trung Á hay Ấn Độ với đặc điểm dễ nhận là râu quai nón, tóc quăn tít, sống mũi nổi cao. Có thể chiếc đèn này người xưa muốn nói đến quyền lực. Những gia nô “ngoại tộc” với dáng quỳ, tay dâng đèn đã tôn thêm vị thế của người quý tộc được dâng đèn chăng?

Đèn có tượng người quỳ dâng đèn không chỉ có cây đèn Lạch Trường mà có cả một dòng. Trong cuộc trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hiện đang mở cửa và còn kéo dài hết tháng 5 năm 2013, người xem còn thấy các dạng đèn hình người dâng đèn ở các tư thế: Khi là một ông Phỗng mặt mũi hớn hở, đang quỳ dâng đèn bằng hai tay, khi thì hình người đàn ông chân co chân duỗi, tay phải dâng đèn hoặc đang quỳ, một tay chống nạnh, một tay dâng đèn. Dường như, đã là tượng đèn là phải có gia nô quỳ dâng thì mới sang trọng trong quan niệm quý tộc một thời?

Một dòng tượng đèn nữa, có niên đại từ thời Đông Sơn cho đến hàng ngàn năm sau, lấy chủ đề là tượng động vật. Trên một cái dáng động vật, người xưa đã khéo “gắn” vào lưng chúng những cột đựng đĩa đèn hay chỉ đơn giản là khoét một cái lỗ giữa lưng để bấc đèn nhô ra. Cái mà ngày nay người ta gọi là “Mỹ thuật ứng dụng”, người xưa chế tạo một vật gì như muôi múc canh, ấm rót nước hay như đĩa đèn dầu cũng đều gắn một bức tượng tạo hình nào đó, khá nhuần nhuyễn và lãng mạn.

Ta có thể ngắm hình một cây đèn đồng Tượng voi chẳng hạn. Voi có dáng tự nhiên, vòi dài, bốn chân, có cả tai, mắt và đuôi. Ngồi trên đầu voi là người quản tượng. Giữa lưng voi có dựng một cái cột khá cao, có người đàn ông đang ôm cột. Trên các nhánh cột còn ghép nhiều đĩa đèn và tượng người, tượng thú nữa. Đây có lẽ là một trong những cây đèn đồng được chế tạo công phu nhất và có cả một tổ hợp đĩa đèn trong một khối tượng voi.

Một cây đèn khác lại có tượng hươu. Con hươu có sừng nhiều nhánh, bốn chân, đuôi, mắt, mũi, miệng đủ cả. Trên lưng hươu có dựng một cột đồng có đĩa đèn. Một dạng đèn khác là đèn có ba chân, đôi khi lại có quai đeo. Người xưa đã trang trí nhiều tượng người, tượng chim ở phần quai đèn. Đèn loại có quai này tìm được khá nhiều trong các ngôi mộ hậu Đông Sơn.

Tượng đèn hình hươu bằng đồng. Văn hóa Đông Sơn.

Thú chơi đèn của người xưa cũng có sự đổi thay theo thị hiếu, nhờ thế mà các nhà khảo cổ học mới có cơ sở để chỉ cần liếc mắt qua mà biết được đèn thuộc thời nào. Đến thời nhà Lê hay muộn hơn một chút là nhà Mạc chẳng hạn, các quý tộc lại không chú tâm vào đèn đồng nữa mà là các cây đèn gốm rất đẹp. Cũng nhờ vào kỹ thuật làm gốm thời đó đạt đến đỉnh cao, đẹp về kiểu dáng và tinh xảo về hoa văn. Có nhưng lò gốm như Chu Đậu mà sản phẩm còn xuất khẩu đi tận vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ cái điêu luyện của nghệ thuật gốm Việt.

Trong bối cảnh đó, nhiều cây đèn gốm ra đời. đèn thường có thân thon, trang trí hình rồng nổi đang nhả ngọc, có vảy, móng, râu. Xen với hình rồng là hoa văn mây, lá, hoa, cây cỏ. Nhiều đèn còn có các dòng chữ Hán. Điển hình là chiếc đèn được ghi niên hiệu Diên Thành thứ ba thời Mạc (năm 1580) còn hoàn chỉnh làm bằng gốm màu lam khá đẹp. Đèn thời Lê-Mạc không chỉ mang công dụng thắp sáng mà còn làm sang cho chủ nhân. Trong các cung điện thời đó, một chiếc đèn gốm bề thế mà dáng thanh thoát, hoa văn đắp nổi, lại có cả minh văn ghi niên đại và sự tích, chắc hẳn là một đồ vật trang trí chủ đạo của các quý tộc đương thời.

Bên cạnh những cây đèn gốm kích thước lớn, còn có loại đèn gốm mà trong đĩa đèn có những 5 “bấc” khá độc đáo, đèn gốm hoa nâu hay hoa lam thời Lê, nhỏ gọn hơn, được trang trí nhiều hoa văn cánh sen và các hoa lá khác thường thấy trong biểu tượng đạo Phật. Có thể nói, trong lịch sử các loại đèn của nước ta, thì đèn gốm chiếm nhiều nhất và cũng mang đậm tính nghệ thuật.

Vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, ngoài đèn gốm Bát Tràng, còn có đèn bằng gỗ, bằng sắt cũng với các mô típ hoa lá, chim muông. Đến giai đoạn này, có sự xuất hiện thêm một loại “đèn” khác. Đó là loại nến, dùng nguyên liệu đặc chứ không phải là đĩa dầu như truyền thống. Người xem thấy được một loại đèn đặc biệt, thực ra là chân nến bằng gốm men rạn, miêu tả sự tích trúc hóa rồng

Thú chơi đèn khá bền lâu trong đời sống người Việt hàng chục thế kỷ. Không những sưu tập các cây đèn dầu để lại trong kho tàng di sản vật thể, mà chuyện chơi đèn còn lưu lại trong sử sách như việc ghi chép về hội đèn Quảng Chiếu ở kinh đô Thăng Long có “nghìn đèn nhấp nháy” biến “đêm trở thành ngày, thỏa tâm mục của thế gian”.

Đèn còn là tâm điểm của nhiều lễ hội như rằm Trung thu có rước đèn ông sao, rước đèn kéo quân, đèn xếp, đèn lồng. Trước cửa chùa, tối đến thường có chú tiểu đi thắp đèn trên cây cột cao. Rồi có những khi đèn dầu lại còn được thắp trên lưng đôi cóc đá để bên cái bến sông, làm tiêu cho các con đò dọc cập bến như trên sông Nhuệ, Hà Đông xưa chẳng hạn.

Có thể nói, cái văn hóa “dầu đèn” đã ăn sâu vào đời sống người xưa. Cái câu cửa miệng “sống dầu đèn, chết kèn trống” đủ để nói lên cái vai trò quan trọng của dầu đèn, của ánh sáng đối với người Việt trước đây ra sao.

PGS.TS.Trịnh Sinh

laodong.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4999

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Bàn tiếp về nghệ thuật in khắc gỗ

Bàn tiếp về nghệ thuật in khắc gỗ

  • 16/03/2013 22:27
  • 4800

Trước khi du nhập những máy in kiểu phương Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, phương Đông đã có cả ngàn năm in các kinh sách với kỹ thuật in khắc độc đáo và vô cùng chuyên nghiệp.