Trong quá trình tìm hiểu, báo PL&XH nhận thấy trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, có rất nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn đậm nét của người dân tộc thiểu số.
Thành Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội là một tòa thành cổ xưa nhất của Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay. Ẩn đằng sau nét cổ kính đó là những giá trị văn hóa, những hiểu biết về lịch sử mà nhiều người ít biết tới.
Thành Cổ Loa di tích lịch sử hấp dẫn du khách.
Trong quá trình lật tìm những tài liệu liên quan tới dấu ấn người dân tộc thiểu số trong các công trình kiến trúc tại Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi may mắn đọc được đề tài khoa học “Nguồn gốc Tày của An Dương Vương và thời gian tồn tại nước Âu Lạc” của nhóm tác giả trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Trong tài liệu này, nhóm tác giả đã đề cập đến nguồn gốc Tày của An Dương Vương. Cuốn tài liệu cho biết, năm 1963 các nhà nghiên cứu dân tộc học phát hiện ra truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) là câu truyện cổ rất phổ biến trong đồng bào Tày vùng Cao Bằng cho biết, nguồn gốc của An Dương Vương là người Tày cổ ở Cao Bằng. Theo truyền thuyết này thì Thục Phán An Dương Vương là vua nước Nam Cương, kinh đô ở Nam Bình nay là Cao Bình thuộc xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng. Nước Nam Cương trở nên cường thịnh. Lúc đó nước láng giềng Văn Lang của vua Hùng suy yếu, lại đang đứng trước họa xâm lăng của nhà Tần. Vua Hùng giao quyền chỉ huy kháng chiến chống Tần cho Thục Phán. Sau khi kháng chiến thắng lợi, Thục Phán được vua Hùng nhường ngôi. Thục Phán đã sáp nhập hai vùng lãnh thổ thành lập nước Âu Lạc (ghép từ Tây Âu và Lạc Việt), hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay.
Vấn đề về gốc tích người Tày của An Dương Vương cần được quan tâm đúng mức.
Tài liệu cũng so sánh thành Cổ Loa với một thành đặc trưng khác của người Tày đó là thành Xam Mứn (thuộc nhóm Tày - Thái cổ) trên đất Điện Biên Phủ ngày nay. Cả hai thành về cơ bản đều có 2 lớp lũy thành. Thành Xam Mứn được xây dựng trên sông Nậm Rốm có ba vòng là Viềng Công (vòng thành trong), Viềng Tó (vòng thành giữa) và Viềng Nọ (vòng thành ngoài).
Thành Cổ Loa không chỉ giống thành Xam Mứn về cấu trúc mà cả về tên gọi các bộ phận thành. Những từ trong tiếng Tày Thái như: Đồn, Tó, Nọ… được biến âm thành Dục Nội, Uy Nỗ, Cường Nỗ, Kinh Nỗ… như vậy có thể cho rằng chính An Dương Vương đã đem kinh nghiệm đắp thành của người Tày cổ xuống vùng đồng bằng. Điều này chứng tỏ thành Cổ Loa cổ kính, một biểu tượng văn hóa có giá trị lịch sử vào loại bậc nhất tại Thăng Long – Hà Nội, chính là dấu ấn của sự giao thoa văn hóa đậm nét.
Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu văn hóa Tày, Dương Thuấn cũng khẳng định, trong truyền thuyết xây thành Cổ Loa còn nhắc đến tinh gà trắng phá hoại thành, còn rùa vàng lại là linh vật giúp vua dựng thành. Rùa vàng, gà trắng là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc Tày. Người Tày coi rùa vàng là tầng lớp trí thức tinh túy, con rùa được quý trọng tôn thờ. Con gà thì lại khác, biểu tượng gà là ‘‘vật ký thác linh hồn”, hiện nay đồng bào vẫn coi “ma gà” (phi cáy) là hiện tượng đáng sợ, khi bị “ma gà” nhập. Đồng bào coi gà trắng là ‘‘Cáy khoăn” tức gà gọi hồn.
Để có một cái nhìn chân thực nhất về thành Cổ Loa, PV đã về đây để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề đang quan tâm. Tuy nhiên, những vấn đề về gốc tích Tày của An Dương Vương lại chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Văn Xuân, cán bộ tổ quản lý di tích thành Cổ Loa, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long cho biết, hiện nay vấn đề nguồn gốc của An Dương Vương cũng như dấu ấn Tày ở thành Cổ Loa những người dân ngày nay vẫn còn rất mơ hồ. Ông Xuân có giới thiệu chúng tôi gặp một vài cụ cao niên trong làng. Chúng tôi đã tìm gặp ông Hoàng Văn Lộc – người tham gia làm chủ tế ở lễ hội Cổ Loa gần 20 năm nay, cũng như ông Nguyễn Văn Tùng, cán bộ văn hóa xã Cổ Loa, nhưng cũng chỉ nhận được những câu trả lời chưa thực sự thấu đáo về vấn đề dấu ấn người Tày tại thành Cổ Loa.
Theo nhà văn hóa Dương Thuấn, hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu về yếu tố Tày ở thành Cổ Loa. Nếu không có những biện pháp khôi phục kịp thời thì những yếu tố này rất có nguy cơ bị mất đi hoàn toàn.
Thành Cổ Loa là một di tích rất quan trọng của quốc gia. Chính vì thế vào tháng 8-2012 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa. Trong đó sẽ quy hoạch thành Cổ Loa thành công viên lịch sử, sinh thái, nhân văn. Hy vọng rằng, khi thực hiện dự án này, các yếu tố về nguồn gốc và văn hóa người Tày ở đây sẽ được thể hiện rõ.
Khởi - Thủy