Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ lâu đời của người Việt Nam, trở thành một biểu tượng văn hóa của dân tộc. Mỗi khi nhắc tới tục ăn trầu và văn hóa trầu cau thì ta không thể không nhắc tới chiếc chìa vôi - một dụng cụ trong tục ăn trầu.
Chìa vôi nằm trong bộ dụng cụ ăn trầu, gồm có bình vôi, ống vôi, xà tích; dao dùng để bổ cau, têm trầu; khay, cơi, hộp, âu, giỏ, tráp, túi, khăn, đẫy… dùng để đựng trầu, thuốc và xếp các vật dụng nhỏ; ống nhổ dùng để nhổ bỏ cổ trầu, bã trầu; cối, chìa ngoáy dành cho những người lớn tuổi, răng yếu dùng để giã nát trầu trước khi nhai; kèm theo cối, chìa ngoáy là hộp đựng...
Bộ đồ ăn trầu bằng ngọc, ngà, vàng, bạc thời Nguyễn
Chìa vôi giống mái chèo nhỏ, chuôi tròn, đầu dẹt, khác một điểm là gần chuôi cầm có một ngạnh ngang, nhọn thon. Chìa vôi thường không có kích thước cố định vì tùy thuộc bình vôi; bình vôi to thì chìa vôi dài, bình vôi nhỏ thì chìa vôi ngắn, sao cho tương xứng hài hòa, đẹp mắt, tiện dụng. Chìa vôi có chiều dài không quá 40cm, bản dẹt không quá 1cm, cũng không quá ngắn hơn 4cm.
Chìa vôi chỉ có công năng duy nhất là khều vôi, quệt vào lá trầu, tiếp theo là dùng ngạnh đâm 1 lỗ giữa lá trầu sau khi đã cuộn tròn để cắm cuống trầu vào. Sau đó chìa vôi được cắm lại vào bình vôi.
Trong nghệ thuật têm trầu cánh phượng, hai dụng cụ rất cần thiết giúp cho đôi tay phụ nữ thao tác tốt, đó là con dao cau thật mỏng, thật sắc và chiếc chìa vôi với ngạnh tròn và nhọn. Nếu dao mà không sắc thì không rọc được mép lá trầu làm "cánh phượng". Nếu chìa vôi có ngạnh tù đầu, hay to quá thì khi đâm lỗ sẽ rộng, chỗ đâm bị nát, không có độ mút để giữ chặt cuống trầu, trầu lại được gói chặt sẽ dễ bung ra.
Chiếc chìa vôi trong tục ăn trầu
Người ta có thể dùng nhôm, sắt, thép, bạc, thậm chí cả vàng để chế tác, nhưng đại đa số chìa vôi được chế tác bằng đồng (đồng thau hay đồng đỏ), có khi kết hợp phần chuôi là bạc, phần tiếp xúc với vôi là đồng.
Những hoa văn trang trí trên chìa vôi, đặc biệt ở phần tay cầm với những đường nét khắc chạm tinh tế, vừa làm tăng vẻ đẹp, vẻ quý phái hay đẳng cấp của chiếc chìa vôi và người sử dụng; vừa mang tính kỹ thuật giúp tay cầm chắc hơn, không trơn tuột khi lấy và quệt vôi. Đôi khi còn trang trí cả hình những con vật quen thuộc như sóc, rắn, chuột …
Chìa vôi góp phần giúp những nhà nghiên cứu giải đáp về đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Một chìa vôi chuôi vàng, thân bạc là của một phu nhân nào đó : bà Hội đồng, ông quan Huyện, bà Chánh tổng, thậm chí cả hoàng thân quốc thích, bà hoàng, công chúa nào đó chứ không thể là của những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương.
Một chìa vôi bằng đồng chuôi bạc, hoa văn tỉ mỉ được chế tác ở thời bình, đời sống kinh tế khá cao - ngược lại, chiếc chìa vôi bằng nhôm, chế tác thô sơ có thể được chế tác ở thời điểm có chiến tranh loạn lạc, đời sống xã hội bất ổn, kinh tế eo hẹp.
Ngày nay chiếc chìa vôi cùng với tục ăn trầu đã gần như không còn phổ biến trong đời sống của người Việt, nhất là ở khu vực thành thị. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy nét đẹp trong văn hóa trầu cau nói chung và bộ dụng cụ ăn trầu nói riêng chính là góp phần vào việc giữ gìn phong tục, truyền thống văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam.
Lê Khiêm tổng hợp