Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/12/2012 09:03 3904
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Con dấu là một di vật độc đáo trong văn hóa Óc Eo. Tuy số lượng phát hiện được không nhiều, không phổ biến nhưng đây là loại hình hiện vật đặc trưng với nhiều đề tài chạm khắc có ý nghĩa phản ánh trình độ phát triển giúp chúng ta hiểu thêm về tổ chức xã hội của Óc Eo.

Tại các di tích Óc Eo, Nền Chùa và Cạnh Đền đã phát hiện được 22 con dấu với các chất liệu kim loại, đá quý và đất nung. Trên phần lớn các con dấu có mặt "đóng dấu" được chạm khắc hình người, hình động vật, chữ cổ và hình các vật thể ở dạng khắc chìm chứng tỏ chúng được dùng để đóng vào các chất liệu mềm như sáp đông đặc hay còn ướt như chì, thiếc, xi, đất sét…


Con dấu khắc chữ ở Óc Eo và Nền Chùa

Những con dấu trong văn hóa Óc Eo khá đa dạng và phong phú. Căn cứ vào hình dạng có thể phân chia thành 6 loại:

- Con dấu có dạng nhìn ngang hình nón giáp La Mã - Hy Lạp hay nón lính cứu hỏa (bao gồm 9 cái). Đây là những con dấu có thân nhìn ngang hình bán cầu, nhìn thẳng có hình tam giác cân, 2 cạnh bên cong lồi. Trên thân có sống nhọn chia thành 2 phần bằng nhau. Gần đỉnh có lỗ xuyên ngang. Mặt để đóng dấu có hình bầu dục. Chất liệu làm từ loại đá thủy tinh màu trong suốt. Kích thước cái nhỏ nhất: cao 1,2 cm, mặt rộng 2,5 cm x 1,8 cm; cái lớn nhất: cao 1,85 cm, mặt rộng 3,65 cm x 2,75 cm.

Con dấu trên đá thủy tinh trong

- Con dấu có thân nhìn ngang hình nón cối, nhìn thẳng giống mũ rộng vành, gần đỉnh có lỗ xuyên ngang, mặt hình bầu dục (bao gồm 2 cái). Một cái bằng đồng, một bằng hợp kim chì - thiếc.

- Con dấu có thân nhìn ngang và nhìn thẳng (gồm 6 cái). Chúng có hình bệ thờ Linga, gần đỉnh có xuyên ngang, mặt "đóng dấu" hình tứ giác, được làm bằng chì hoặc chì thiếc. Kích thước trung bình: cao 1,7 cm, mỗi cạnh có bề mặt rộng từ 1,5 cm đến 2,0 cm.

- Con dấu hình mặt nhẫn (gồm 3 cái) được làm bằng đá giả mã não màu cam. Đây là loại con dấu nhỏ có thân nhìn ngang; nhìn thẳng có dạng hình thang cân dẹt, mặt hình bầu dục.

- Con dấu nhỏ mặt hình chữ nhật. Đây là loại con dấu được gắn vào mặt nhẫn hình chữ nhật gồm có một cái được làm bằng đá mã não, có mặt cắt ngang và cắt dọc hình chữ nhật dẹt.

- Con dấu hình trống (gồm 1 cái) được làm bằng đất nung, có khắc hình ở cả hai mặt.

Con dấu khắc hình Damaru (cái trống)

Đề tài hình chạm khắc trên con dấu khá phong phú, gồm có hình người, hình các loài vật, hình thuyền và chữ viết. Mỗi hình mang một ý nghĩa riêng và gắn với vai trò, địa vị của người sử dụng chúng.

a) Con dấu chạm khắc hình người: Gồm 5 tiêu bản, trong đó thu thập được ở Óc Eo 1 chiếc và Cạnh Đền 4 chiếc.

Con dấu ở Óc Eo làm bằng tinh thể thạch anh trong suốt, có hình giống nón giáp La Mã - Hy Lạp. Trên đó chạm một người đàn bà ngồi trong tư thế tự nhiên, thoải mái kiểu "vương giả" trên một cái ngai mặt tròn, gắn liền với chân quỳ uốn cong, mặt quay về bên phải, tóc uốn thành chỏm cao, tai đeo vòng lớn, mũi thẳng. Tay trái hơi choãi chống xuống mặt ngai, bàn tay xòe rộng, khuỷu hơi cong vào thân. Vai trái nhô cao hơn vai phải. Tay phải dựa trên đầu gối chân phải và cầm một vật giống như bình rượu. Chân phải chống lên, bàn chân hơi choãi ra bên ngoài; chân trái xếp bằng, bàn chân để chệch ra bên ngoài một cách thoải mái. Thân người ngồi thẳng, ngực và mông nở.

Trong bốn con dấu được chạm hình người ở Cạnh Đền: Một con dấu được làm bằng hợp kim chì - thiếc, thuộc loại có thân hình ngang giống hình chiếc nón cối, mặt hình bầu dục. Mặt dấu chạm một hình người, có thể là đàn ông, ngồi trong tư thế thoải mái "vương giả", đầu đội mũ miện trùm kín tai, thân để trần. Chân trái xếp bằng, chân phải chống xiên ra bên ngoài; hai tay đặt trên hai đầu gối.

Một con dấu bằng tinh thể thạch anh, hình nón giáp; mặt chạm một người đàn ông ngồi trong tư thế thoải mái "vương giả" trên bệ miếng ván có bánh xe lăn. Hình người đầu đội mũ giáp, mặt hơi nhìn nghiêng, thân trần, ngực nở, bụng lớn. Tay trái để ngang đầu gối bên trái, tay phải đặt trên đùi bên phải; bàn tay mang găng. Chân trái xếp bằng, chân phải chống xiên ra bên ngoài. Trên vai đeo một vật có đầu giống con bài chuồn, thân cong dài xuống sau mông.

Một con dấu bằng tinh thể thạch anh, hình nón giáp, trên mặt chạm một người đàn ông đứng trong tư thế nhìn nghiêng. Hình người có đầu đội mũ, mũi nhọn, mắt tròn, miệng há rộng. Một tay cầm một vật không rõ hình dạng đưa ngang miệng, tay kia để ngang bụng, bàn tay kẹp cây trùy gai. Trên vai vắt một vật tựa đuôi con rắn lớn.


Con dấu bằng tinh thể thạch anh chạm hình người ở Cạnh Đền

Riêng con dấu hình Damaru (cái trống) có một mặt khắc hình người tương tự hình người ngồi khắc trên con dấu bằng tinh thể thạch anh trong, một mặt khắc hình giống con chuột.

b) Con dấu khắc hình sử tử: Có 5 tiêu bản, gồm 4 hình sư tử khắc trên con dấu bằng đá thủy tinh thu thập ở Cạnh Đền, một hình chạm trên con dấu bằng chì - thiếc tìm thấy ở Óc Eo.


Con dấu khắc hình sư tử trên kim loại

Đặc điểm chung của các hình sư tử là có đầu hướng về phía trước, miệng há rộng, đuôi dài uốn cong lên phía trên lưng. Trong đó có một con dấu khắc hình sư tử bờm dựng ngược như răng cưa, bàn chân có 2 móng; một hình sư tử không bờm, bàn chân có 3 móng. Ngoài hình chạm sư tử, trên một số con dấu còn có hình trăng khuyết, hình bánh xe có răng cưa, hình bông súng (hay bông sen dạng mũ miện) là những biểu tượng của thần Visnu và Soma (mặt trăng). Các hình sư tử chạm trên con dấu là biểu tượng cho thần Visnu.

c) Dấu khắc hình bò: Gồm 4 hình được chạm khắc trên các con dấu bằng tinh thể thạch anh và trên đá mã não thu thập ở các di tích Cạnh Đền và Óc Eo. Hình bò được chạm khắc trong tư thế đứng hoặc như chạy, có đầu hướng về phía trước, đuôi cụp sát mông. Ngoài hình bò, một con dấu còn được chạm thêm hình trăng khuyết và hình vòng tròn. Những hình bò chạm trên các con dấu là bò thần Nandin, biểu tượng cho quyền lực của Siva.

Con dấu chạm khắc hình bò

d) Dấu khắc hình ốc: Gồm hai hình: Một chạm trên đá mã não màu hồng cam ở Nền Chùa, một được chạm trên con dấu bằng chì có mặt hình vuông, thân hình bệ thờ linga tìm thấy ở di tích Cạnh Đền. Những con ốc này có dạng tương tự hình ốc được khắc trên các lá vàng ở Gò Tháp và Đá Nổi, là biểu tượng của thần Visnu.

e) Dấu khắc hình chuột điều khiển "máy thổi thóc": Một hình, được đặc tả trên con dấu hình bệ thờ linga bằng chì, phát hiện ở di tích Cạnh Đền. Trên mặt của con dấu có chạm hình một con chuột nhỏ, râu dài, đứng cạnh một vật giống hình chữ J ngược.

f) Dấu khắc hình thuyền: Gồm một con dấu bằng đồng phát hiện được ở di tích Nền Chùa. Trên mặt hình bầu dục của con dấu được chạm hình con thuyền giống con cá có đầu nhọn, mắt tròn. Trên thuyền có hình cột buồm với hai dây buồm cân xứng ở hai bên. Trên đỉnh cột có hình cờ gió là một tam giác nhọn.

Con dấu khắc hình thuyền trên kim loại

g) Khắc chữ: Gồm bốn con dấu trong đó hai con dấu bằng chì - thiếc dạng bệ thờ linga phát hiện ở Óc Eo và hai con dấu bằng mã não màu hồng cam tìm thấy ở Nền Chùa.

Qua bộ sưu tập con dấu trên cho thấy văn hóa Ấn Độ nói chung, Ấn Độ giáo nói riêng đã có nhiều ảnh hưởng đến văn hóa Óc Eo. Các con dấu được chạm khắc nhiều hình tượng như bò, ốc, sư tử… Đối với Ấn Độ giáo bò là một linh vật - vật cưỡi của thần Siva; ốc là vật tùy thân của thần Visnu; hình tượng sư tử có trong các nền văn hóa cổ xưa ở Ấn Độ, Địa Trung Hải, Bắc Phi… là biến tướng của thần Visnu trong Ấn Độ giáo.

Con dấu khắc hình thuyền buồm giúp chúng ta có thêm hiểu biết về hình dáng phương tiện lưu thông đường thủy thời kỳ đó. Cùng với các hiện vật khác, nó góp phần minh chứng về sự phát triển giao lưu buôn bán của cư dân Óc Eo.

Những đề tài chạm khắc trên các con dấu là những đề tài truyền thống rất phổ biến trong điêu khắc văn hóa Óc Eo. Đặc biệt, những đề tài này được khắc trên một diện tích tuy nhỏ nhưng được bố cục chặt chẽ, hoàn chỉnh, đường nét rất sắc sảo, uyển chuyển cho thấy trình độ cao của những người thợ điêu khắc thời bấy giờ. Những con dấu tìm được ở di chỉ Óc Eo là biểu tượng của một xã hội văn minh, thể hiện một thể chế chính trị được thực thi bằng Vương quyền và Thần quyền của nền văn hóa này.

Lê Khiêm tổng hợp

Nguồn: Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải, "Phù điêu và con dấu", Văn hóa Óc Eo - Những khám phá mới, H.: KHXH, 1995, tr. 331 - 337

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4588

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Bình vôi - Hiện vật mang đậm nét văn hóa cổ Việt Nam

Bình vôi - Hiện vật mang đậm nét văn hóa cổ Việt Nam

  • 27/11/2012 08:15
  • 7545

Bình vôi là một đồ vật dùng để đựng vôi ăn trầu. Nó mang nét văn hóa - lịch sử đặc biệt của đất nước Việt Nam; gắn liền với sự tích trầu cau và tục ăn trầu ở nước ta.