Huyền thoại là phương pháp tư duy của người xưa bắt nguồn từ thể chế xã hội trong giai đoạn từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến thị tộc mẫu quyền, trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác văn học từ dân gian đến hiện đại.
Tư duy huyền thoại thể hiện trong các thể loại thần thoại, truyền thuyết, sử thi, cổ tích nhưng rõ nét nhất là trong thần thoại.
Cổ tích là thể loại sáng tác vào giai đoạn sau nhưng chịu ảnh hưởng tâm thức huyền thoại. Trong tiềm thức sâu kín của con người, tâm thức đồng loại vẫn giữ một vùng lưu trú của các nếp sống cổ xưa. Một ngày nào đó, trong một hoàn cảnh bất ngờ, nó sẽ trỗi dậy một cách vô thức.
Trầu cau Việt Nam
Truyện Trầu cau đã có sự đan xen giữa tâm thức phụ quyền và tâm thức mẫu quyền trong việc xây dựng một hệ thống các hành động, chi tiết, biểu tượng.Tâm thức phụ quyền được tác giả dân gian thể hiện qua chi tiết cô gái buộc phải chọn người anh làm chồng và lý giải mối quan hệ bộ ba: anh, em, chị dâu theo sự nhầm lẫn. Ban đầu là chị dâu ôm nhầm em chồng. Việc chị dâu ôm nhầm em chồng được lý giải một cách hiển nhiên là hai anh em giống nhau như đúc. Hai người đi làm về tối, người chị dâu thấy một người bước vào, cứ ngỡ là chồng mình, liền ôm chầm lấy âu yếm, nhưng đó lại là người em. Nguyên nhân của sự ôm nhầm này xuất phát từ hai lý do: lý do thứ nhất là hai anh em giống nhau như đúc; lý do thứ hai là cô gái thương hai người như nhau, nhưng cô gái buộc phải chọn lấy người anh bởi luật chế độ phụ quyền, em không được có vợ trước anh. Sự giống nhau như đúc đã dẫn đến sự nhận diện khó khăn, lại thêm tình cảm yêu thương của cô gái đối với hai người cũng giống nhau nên những nét riêng của hai người vốn đã rất ít ỏi cũng bị xóa nhòa.
Về tâm thức mẫu quyền, truyện này thể hiện một thực tế về mối tình tay ba mà chi tiết ôm nhầm em chồng là dấu tích của gia đình mẫu quyền còn nằm trong tiềm thức người phụ nữ. Người phụ nữ trong xã hội mẫu quyền có quyền lấy nhiều chồng, một lúc có thể lấy cả anh và em, hai anh em cùng chung một vợ. Cô gái đã yêu hai người như nhau được lý giải vì hai người giống nhau như đúc nhưng cũng có thể là từ vô thức, cô đã yêu một lúc hai người con trai.
Chi tiết người vợ ôm nhầm người em chồng là một chi tiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó là sự mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm trong mối tình tay ba. Yêu thương một lúc cả hai nhưng buộc phải chọn lấy một người làm chồng là sự lựa chọn khó khăn. Lý trí thì buộc cô phải chọn nhưng tâm thức đâu phải khi nào cũng rõ ràng.
Ba nhân vật thật đẹp và không có ai đáng ghét. Cô gái dù yêu thương hai người như nhau nhưng vẫn chọn người anh làm chồng theo luật lệ mà xã hội phụ quyền đặt ra. Hai người con trai thì học hành chăm chỉ, hiền lành, đẹp trai, lại sống đúng mực và hết lòng thương yêu nhau. Ba con người đó thật tuyệt và họ cần cho nhau.
Khi mâu thuẫn xảy ra, người em bỏ nhà ra đi vì cảm thấy buồn, cô đơn khi thấy người anh tỏ ra nghi kị, lạnh nhạt đối với mìn. Hơn nữa để tránh cho chị dâu cảm thấy khó xử, cả hai lý do ấy đều hợp tình và là xu thế tất yếu. Người anh sau khi thấy người em bỏ nhà ra đi tối không thấy về liền đi tìm em và cảm thấy hối hận vì đã hiểu nhầm em, nghi kỵ rồi lạnh nhạt với em. Khi thấy hai người ra đi không về, người vợ cũng đi tìm.
Tác giả dân gian đã không nỡ để họ chia lìa nên cho họ hóa thân để ở gần nhau, ôm ấp quấn quýt nhau, thành một biểu tượng đẹp đẽ về tình anh em, chồng vợ. Tác giả đã xây dựng cho cây trầu (sự hóa thân của người vợ) leo lên ôm ấp lấy cây cau (sự hóa thân của người chồng) để biểu hiện tình cảm vợ chồng thủy chung, gắn bó. Sự hóa thân này vẫn theo tâm thức phụ quyền, như một sự minh chứng cho tấm lòng thủy chung, trong sáng của người vợ và việc ôm em chồng chỉ vì nhầm mà thôi. Có bản kể dây trầu bò quanh tảng đá rồi mới leo lên cây cau như muốn ôm ấp cả hai người, đấy phải chăng là tâm lý có hai chồng của người vợ trong chế độ mẫu quyền.
Sự tích Trầu cau
Trầu - cau - vôi hòa làm một thành vị cay nồng ấm áp, màu đỏ tươi như tình máu mủ anh em, tình vợ chồng nồng thắm. Nhân vật người em là một phép thử nghệ thuật để đo tấm lòng thân thiết ruột thịt giữa anh và em, tình cảm thủy chung giữa vợ với chồng. Nếu em bỏ đi mà anh không đi tìm thì anh không còn thương em; chồng bỏ đi mà vợ không đi tìm là vợ không còn yêu chồng. Dù có trải qua sự hiểu lầm, nghi kị, ghen tuông hoặc những biến động trong đời sống thì tình cảm gắn bó keo sơn giữa anh em, vợ chồng cũng không gì lay chuyển được. Trong hình ảnh tự nhiên cũng vậy, tảng đá vôi là mối liên kết, chất xúc tác kết liền trầu cau thêm nồng thắm, nếu chỉ có trầu cau mà không có vôi thì thật là nhạt nhẽo, vô vị. Nếu có trầu mà không có cau thì thiếu sự mặn nồng. Hình ảnh đẹp đẽ ấy đã đi vào ca dao:
Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm
Cảm hứng nghệ thuật cho câu chuyện bắt đầu từ cảnh trí thiên nhiên và phong tục ăn trầu. Người ta lý giải tại sao cả ba thứ: trầu, cau, vôi không quan hệ gì với nhau, gặp nhau lại miệng ăn môi đỏ, nồng nàn say mê đến vậy.
Tục ăn trầu của người Việt
Có phải từ tục ăn trầu xa xưa ấy mà nhân dân ta đã sáng tạo nên câu chuyện tình cảm động này chăng?... Họ đã lồng đề tài xã hội vào đề tài thiên nhiên, vào câu chuyện phong tục, và đã kết thúc bằng việc đồng nhất các quan hệ tình cảm của ba con người kia với sự hài hòa của thiên nhiên (trầu - cau - vôi). Đó cũng là cảm hứng nghệ thuật chung cho các truyện cổ tích lý giải các sự tích.
Như vậy, câu chuyện này trong quá trình lưu truyền đã có sự chuyển dịch chủ đề, biểu tượng. Ban đầu, truyện có thể kể về mối quan hệ giữa người vợ với hai người chồng là anh em hay là tình cảm anh em trong quan hệ với một người vợ trong xã hội thị tộc mẫu quyền. Sau này, các nhà nho đã soạn lại theo mẫu hình quan hệ phụ quyền. Nhưng tâm thức mẫu quyền vẫn còn len lỏi trong việc xử lý các tình tiết, dù tâm thức phụ quyền vẫn nổi trội.
Thông qua việc lý giải tục ăn trầu của người Việt, tác giả dân gian muốn ca ngợi tình cảm thắm thiết thủy chung gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, anh em trong một gia đình và đó cũng là lối sống tình nghĩa của người Việt. Dù có trải qua sự đổi thay mô hình xã hội thì mối quan hệ cốt lõi vợ - chồng, anh - em vẫn mặn nồng, trong sáng, thủy chung. Hình ảnh trầu - cau - vôi mãi mãi vẫn là biểu tượng đẹp của tình anh em, vợ chồng.
Đây là truyện vừa có yếu tố thần thoại thể hiện trong quan niệm vạn vật có linh hồn, có sự hóa thân, hóa kiếp của triết lý Phật giáo và Đạo giáo; có yếu tố truyền thuyết trong mối quan hệ xã hội nhưng cơ bản vẫn là truyện cổ tích lý giải phong tục tập quán gắn với quan hệ anh em, gia đình. Sự hóa thân của ba nhân vật ở bên cạnh nhau là sự hóa thân của một mô hình gia đình thị tộc lý tưởng, dấu ấn của trầm tích văn hóa cổ xưa.
Lê Khiêm tổng hợp
Nguồn: Lê Đức Luận, "Cảm nhận trầu cau từ tâm thức huyền thoại", Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 308, tháng 2/2010, tr. 17-20