Đài thờ Mỹ Sơn E1 được các nhà khảo cổ Pháp khai quật, tìm thấy năm 1903 trong ngôi đền ở Mỹ Sơn - Quảng Nam. Cho đến nay, Mỹ Sơn E1 vẫn là đài thờ duy nhất của nghệ thuật Đông Nam Á miêu tả sinh hoạt thông thường của các tu sĩ Ấn Độ giáo một cách chi tiết.
Đài thờ ghép bằng 16 khối đá nhưng đã bị mất hai khối. Kích thước đài thờ khá lớn, chiều dài và rộng đều trên 2,5m, chiều cao 65cm. Những cảnh khắc quanh đài thờ được bố cục trong từng ô vuông một, tách rời nhau, xen kẽ bởi những ô vuông trang trí các kiểu hoa văn đa dạng. Đây cũng là kiểu bố cục đài thờ duy nhất đã xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc Chăm. Những cảnh này được chạm theo chiều ngược vòng kim đồng hồ. Trên thực tế, đài thờ là bức tranh liên hoàn khắc họa sinh hoạt của các đạo sĩ Ấn Độ giáo náu mình tu luyện trong rừng sâu. Đài thờ còn diễn tả các sinh hoạt có tính chất nhập thế của các đạo sĩ. Họ làm những việc thiện để giúp đời, vừa truyền đạo, vừa chữa bệnh cho tín đồ.
Thông qua đài thờ, cuộc đời của các đạo sĩ hiện lên đầy vẻ trầm mặc, một mình ẩn náu trong rừng sâu, làm bạn với muông thú. Ở đài thờ Mỹ Sơn E1, người ta còn gặp thần thái văn hóa Đông Sơn lung linh ẩn hiện trên vườn hoa văn của đài thờ. Ở mặt trước đài, hình tượng Mặt trời trên trống đồng vốn quen thuộc trong văn hóa Đông Sơn đã được khéo léo tái hiện dưới dạng một ngôi sao chính cánh cắt làm hai. Những chạm khắc kiểu vòng tròn kép đồng tâm, những hoa văn răng cưa, hoa văn hình thoi, tam giác cách điệu… trên đài thờ này cũng mang nhiều dáng dấp của nền văn hóa Đông Sơn. Việc nghiên cứu đài thờ Mỹ Sơn E1 cũng giúp các nhà khoa học có thêm tự liệu khẳng định sự hội nhập, giao lưu văn hóa Chăm với các nền văn hóa khác ở Đông Nam Á. Hiện đài thờ đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng.
Thu Cúc