Ngay sau khi TS Vũ Văn Bằng đưa ra quan điểm gò Đống Đa là một nấm mộ khổng lồ theo các luận chứng khoa học một số nhà sử học đã có ý kiến cho rằng vẫn chưa đủ cơ sở xác định mà chỉ là truyền thuyết hoặc lời người đồn đại.
Kỳ 3: Nấm mộ khổng lồ do “thiên tạo”?
Hai người phản ứng gay gắt nhất là GS sử học Lê Văn Lan và TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học Việt Nam.
“Thiên tạo” nhưng dưới là hài cốt
Theo GS Lê Văn Lan, luận điểm cho rằng dưới Gò Đống Đa là một dòng sông cổ, sau đó vì chôn xác giặc Thanh mới đắp thành gò nên lấp sông đi là không đúng với tư liệu lịch sử. Trên thực tế, Gò Đống Đa hiện nay không phải là gò chính (12 gò) được đắp từ năm 1789 mà là gò phụ (gò thứ 13) được đắp vào năm 1851. Điều đó có nghĩa là gò này đã có từ trước đó rất lâu.
“Hiện nay, nhiều người vẫn tin rằng, gò Đống Đa là địa điểm diễn ra trận đánh ác liệt nhất: trận Ngọc Hồi - Đống Đa trong chiến dịch đại phá 29 vạn quân Thanh của vua Quang Trung nhưng không phải vậy. Nhưng, địa điểm diễn ra trận đánh là ở Loa Sơn, nay là khu vực sân sau của Trường Đại học Thủy Lợi, cách xa khu vực gò Đống Đa bây giờ.Tấm bia chùa Càn An, phía bắc gò Đống Đa được xây dựng vào năm 1621 hiện còn ghi: “Trước mặt (chùa) có ngọn núi đất (thổ sơn) ở về phía nam”.
|
Di tích lịch sử Gò Đống Đa đang gây tranh cãi: Đây có phải là nấm mộ khổng lồ lớn nhất thế giới? Ảnh: Đình Tú. |
Ngôi chùa này được xây dựng trước đại thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) rất xa. Vì thế, chắc chắn, gò Đống Đa đã tồn tại trước năm 1789 và nó là gò thiên tạo”- GS Lê Văn Lan nói. Vẫn theo GS Lê Văn Lan, nhữngdẫn chứng của các nhà khảo cổ cho rằng là chứng tích của những doi đất ven sông Tô Lịch cổ. Cũng không có chuyện vua Quang Trung cho đắp xác giặc Thanh thành “12 quả gò xác”. Bằng chứng là văn bản “Chiếu phát phối hàng binh nội địa” do Ngô Thì Nhậm soạn thảo, nhưng Quang Trung đứng tên và cho ban hành, thực hiện ngay sau khi kết thúc chiến dịch.
Vậy, những hài cốt phát lộ dưới chân gò Đống Đa từ đâu ra? GS Lan lý giải: thực ra 12 gò hài cốt quân Thanh là do Tổng đốc Đặng Văn Hòa, vào thời Nguyễn Thiệu Trị (1840-1847) sau thời Quang Trung cả nửa thế kỷ, đã cho gom đắp nên. Những “đống xương vô định” này đã bị đời sau san bằng. “Quả gò Đống Đa rộng hơn 6.000m2, cao hơn 10m làm sao là đống mồ đắp bằng xác giặc được? Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai, vào năm Tự Đức thứ tư (1851) chỉ cho chôn những chiếc tiểu sành đựng cốt người tìm thêm được - mà ngày nay thỉnh thoảng vẫn thấy lộ ra ở một vài chỗ quanh chân gò. Vì vậy có thể khẳng định gò Đống Đa là do “thiên tạo” nhưng có hài cốt người ở dưới”- GS Lan nói.
|
GS Sử học Lê Văn Lan: Đông Đa là "thiên tạo" nhưng có hài cốt phía dưới. Ảnh: Đình Tú. |
Chung quan điểm với GS Lê Văn Lan, TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Khi khai quật di tích đàn tế Xã Tắc ở gần Ô Chợ Dừa, tôi đã trình bày tại nhiều cuộc báo cáo, thậm chí cả ở Văn phòng Chính phủ rằng: Khu vực đàn tế, gò Đống Đa và cả gò Đống Thây ở tận dưới phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội)... là các gò cao tự nhiên có tuổi thành tạo địa chất tố cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Câu chuyện xương chất thành gò chỉ là truyền thuyết, nếu có cũng không đáng kể và không thể đắp thành gò được.
TS Kiên dẫn chứng: Nếu lấy mốc bề mặt di tích thời kỳ nhà Lê (+ 6, 267m) so sánh với địa hình xung quanh có thể thấy địa hình có xu thế thấp dần về phía tây bắc, tây và nam. Các điểm có độ cao lân cận trong khoảng cách 1 - 1, 5 km đều thấp hơn, chỉ cao từ 4,5 - 6,1m.
Theo Bản đồ địa hình khu vực Hà Nội năm 1926 của người Pháp cho thấy, khu di tích đàn Xã Tắc nằm trên một dải địa hình cao hơn xung quanh có hướng chủ đạo gần tây bắc - đông nam. Kết hợp đặc điểm trầm tích của tầng đất nâu, nâu gụ nằm sát dưới di tích được xác định tuổi Holoxen muộn có nguồn gốc thành tạo do sông. Như vậy, có thể xác định, đàn tế Xã Tắc được người xưa xây dựng trên một gò tự nhiên. Gò này còn sót lại từ bãi bồi cao được thành tạo khoảng 4.000 năm trước đây. Trường hợp Gò Đống Đa cũng không ngoại lệ.
Phương án tu bổ : khó lựa chọn
Việc tranh luận giữa những nhà khoa học, sử học, địa chất học rằng gò Đống Đa có phải là nấm mộ khổng lồ hay không bắt đầu từ việc UBND TP Hà Nội, Q. Đống Đa tiến hành dự án trùng tu, tôn tạo Công viên văn hóa Đống Đa. Khi bàn đến cụ thể đến hai phương án cụ thể để tôn tạo thì phương án nào cũng vấp phải sự phản đối. Phương án thứ nhất, phục dựng đền Trung Liệt, mở rộng và cải tạo lối vào di tích hiện nay, dựng lại cổng vào, tôn tạo sân phía trước gò thành sân lễ hội.
Khu vực công viên sẽ giữ nguyên tượng đài nhưng quy hoạch lại cây xanh, cảnh quan cho phù hợp với tính chất khu di tích. Phương án thứ hai, đối với khu vực gò, sẽ xây một lầu bát giác để gợi nhớ dấu tích đền Trung Liệt. Khu vực công viên sẽ tu bổ lại tượng Vua Quang Trung (hiện bằng chất liệu bê-tông) bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, di chuyển các phù điêu cho phù hợp với quy hoạch mới, tôn tạo lại cổng phía đường Tây Sơn thành cổng chính. Một phương án khác cũng được đề ra tương tự với phương án nêu trên, nhưng điểm khác biệt là di chuyển Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ đến vị trí phù hợp hợp. Nhiều ý kiến cho rằng tính phương án tôn tạo thì cần biết đích xác xem gò Đống Đa có phải là một gò “xương quân xâm lược” hay không để có các yếu tố tín ngưỡng, tâm linh và cả khoa học lịch sử nữa.
|
Hội Đống Đa mở đầu năm sau Tết Nguyên đán thu hút hàng vạn người đến dự. Ảnh: Đình Tú. |
Và nếu khẳng định như TS Bằng thì Gò Đống Đa là nhân tạo và do xương tạo nên thì phương án xây dựng tượng đài hoặc xây Đền thờ Quang Trung trên đỉnh gò, TS Vũ Văn Bằng khuyến cáo không nên. Ông giải thích: “Nếu xây miếu thờ hay Tượng đài Vua Quang Trung trên gò đồng nghĩa với việc mỗi khi lễ hội hay du khách đến thăm viếng đều phải tiến hành ở trên gò. Nơi đây có độ xạ khí và từ trường rất mạnh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người”.
Theo TS Nguyễn Hồng Kiên, một số bản đồ địa hình Hà Nội của người Pháp vẽ sau khi chiếm được Hà Nội cũng cho thấy, khu vực Gò Đống Đa hiện nay nằm trên một nền địa hình khá rộng và cao hơn hẳn so với các khu vực lân cận khác. Căn cứ vào đó cho thấy, độ cao của nền địa hình khu vực này là do thiên tạo chứ không phải gò mộ xác giặc, trong đó có cả gò Đống Đa.
Đình Tú