Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/10/2012 17:01 5207
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Văn hóa Óc Eo được biết đến là một nền văn hóa bản địa phát triển ở Nam Việt Nam trong những thế kỷ đầu công nguyên. Với hàng vạn di vật phong phú gồm nhiều chất liệu khác nhau, đã được tìm thấy ở hầu hết các tỉnh thành phía Nam chứng tỏ tài năng sáng tạo và sức sống mãnh liệt của cư dân cổ Óc Eo.

Nếu hiện vật được xem là một phản ánh trung thực về một vấn đề nào đó của quá khứ thì việc mô tả, tìm hiểu, so sánh các đặc điểm nhân tướng học của các loại hình tượng tôn giáo, tượng nghệ thuật của một thời đại... giúp chúng ta hiểu biết thêm đặc điểm đời sống của cư dân thời đó. Trong hàng vạn các di vật văn hóa Óc Eo đã có hàng trăm hiện vật được khắc chạm hình người: từ hình người chạm trên những lá vàng cho đến các loại phù điêu, tượng tròn với các chất liệu đồng, đá, gỗ, đất nung... Việc nghiên cứu những hình tượng này giúp chúng ta tìm hiểu một phần diện mạo của cư dân cổ Óc Eo.

Lá vàng dập nổi hình mặt người, cách ngày nay 2000-2500 năm.

Thứ nhất là các hình tượng người trên lá vàng: Các hình tượng người được tìm thấy ở Long An, An Giang rất phong phú. Chúng được thể hiện trên không gian hai chiều trong một diện tích nhỏ với toàn bộ cơ thể người. Các loại hình được chạm khắc trên đó như hình tượng thần Visnu, Surya, hình phụ nữ... Tất cả được chạm khắc một cách giản lược trên một diện tích nhỏ nên chỉ có thể nhận dạng về cử chỉ và một số ý nghĩa tôn giáo.

Thứ hai là các tượng gỗ: Hàng chục tượng gỗ đã được tìm thấy tập trung ở An Giang, Đồng Tháp. Hầu hết các loại tượng gỗ đều là tượng Phật ở tư thế đứng; được thể hiện với mái tóc xoắn ốc và những nét đặc trưng của Phật: như thân hình thon thả, khuôn mặt hơi dài, thanh tú, mũi cao, đôi môi hơi dày, tai dài và chiếc cằm tròn v.v…

Tượng Phật gỗ Phong Mỹ, Đồng Tháp

Thứ ba là nhóm tượng đá: bao gồm hai nhóm tượng Phật và tượng Bà la môn.

Tượng Phật đá tìm thấy ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, thường ở tư thế ngồi, nét mặt mang dáng vẻ của cư dân Đông Nam Á với mũi nở, miệng rộng.

Tượng thần Bà la môn: Tìm thấy ở An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, gồm các tượng Brama, Visnu, Shiva. Ba loại tượng này có nét mặt thanh tú, mũi lớn, mắt ngang, môi dày, cằm tròn, tai dài, miệng rộng hơi mỉm cười, khuôn mặt đầy đặn thể hiện rõ nét nhân chủng Ấn Độ. Các tượng có niên đại muộn hơn, nét mặt lại mang dáng cư dân Đông Nam Á như tượng thần Dvahapala hoặc tượng nữ thần có môi dày, mặt ngắn.

Tượng thần Visnu bằng đá, thế kỷ 7

Thứ tư là tượng đồng: Số lượng loại tượng này rất ít, gồm tượng Visnu, Brama tìm thấy ở An Giang, Bạc Liêu. Những tượng này có khuôn mặt đầy đặn, mũi cao, tai dài thể hiện rõ nhân chủng Ấn Độ. Ngoài ra còn có một tượng Phật bằng đồng của Trung Quốc, tượng này có mái tóc xoắn ốc, tai dài, mũi cao thể hiện nét thanh tú của người Bắc Á.

Cuối cùng là tượng đất nung. Có nhiều đầu tượng đất nung đã được tìm thấy ở An Giang, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó 3 đầu tượng tìm thấy ở An Giang: 1 đầu màu gạch nhạt, 1 đầu màu trắng, 1 đầu trắng hơi vàng.

Mặt người bằng đất nung

Đầu màu gạch nhạt: Đầu bịt bằng khăn nên không thể hiện tai, mắt ngang có đuôi, trán hơi vồ, mũi nhỏ đã bị gãy phần ngọn, miệng hình vòng cung đang cười, má phính, cằm hơi nhọn. Đầu tượng này thể hiện nét nhân chủng cư dân Nam Á.

Đầu tượng màu trắng ngả hơi cam: Mất phần chỏm nhưng thể hiện trán cao, mắt hình elip ngang có đuôi, mũi rất cao, miệng mở như đang cười, môi dưới dày, môi trên cánh én, cằm hơi vuông, tóc dài xoăn thành một đám khá rậm từ mang tai ngược ra sau, ria mép dày uốn theo môi và vểnh lên, má phính. Đây là một đầu tượng mang dáng vẻ người châu Âu.

Đầu tượng màu trắng: Tóc dài nhiều tầng chải ngược ra sau, chán hơi vồ, mắt ngang, sống mũi rất cao thể hiện 2 cánh rõ ràng, nhân trung sâu, môi dưới dày, miệng hơi cười, cằm tròn đẹp, má hơi bằng. Đây là đầu tượng mang dáng vẻ Trung Á.

Đầu tượng màu đỏ gạch tìm thấy ở Gò Chùa TP. Hồ Chí Minh: hình tròn, thể hiện sự đầy đủ, viên mãn với nét mặt tươi tắn, gò má bầu bĩnh, được chải tóc hai mái, mắt hơi xuôi, mũi lớn, miệng thoáng một nụ cười, tai bình thường, cánh môi hình trái tim, cằm tròn. Đây là khuôn mặt thể hiện cư dân Bắc Á.

Phù điêu mặt người bằng đất nung

Với một số nét đặc trưng trên các hình tượng người và tượng Phật Óc Eo có thể thấy được nét đa dạng châu Âu, Bắc Á, Trung Á, Ấn Độ, Đông Nam Á của cư dân Óc Eo thời cổ. Đó cũng là một đặc điểm của Óc Eo, một vùng đất cảng thị nơi mà sự phát triển kinh tế đã thu hút mọi sắc dân từ các nơi đến sinh sống.

Lê Khiêm tổng hợp

Nguồn: Phạm Hữu Công, “Hình tượng người trên các cổ vật. Suy nghĩ về cư dân Óc Eo xưa”, Cổ vật tinh hoa, Số 9, tháng 9/2004, tr. 30-31.

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4588

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Tìm lại nguồn gốc vùng đất Bách Việt

Tìm lại nguồn gốc vùng đất Bách Việt

  • 08/10/2012 13:48
  • 12891

Trong hành trình tìm lại cội nguồn văn hóa các Việt tộc, đã có nhiều nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.