27/09/2012 16:53 15485
Điểm: 4.17/5 (6 đánh giá)
Giàu lên nhanh chóng, cường quốc thương nghiệp - đế quốc Phù Nam có thừa tiền bạc để xây dựng quân đội hùng mạnh nhằm bảo vệ kinh đô, quản lý trật tự xã hội và giữ yên bờ cõi.
Như đã nói ở trên, quân đội Phù Nam có đủ các loại thủy - tượng - bộ binh, trong đó thủy binh được xem là đội quân tinh nhuệ nhất mang tầm chiến lược của quốc gia cổ đại này. Hàng chục chiến thuyền được đầu tư đóng to, trang bị vũ khí đầy đủ. Trong tập ký sự “Chuyện lạ ở phương Nam” của hai sứ thần Trung Hoa là Chu Ứng và Khang Thái đã mô tả những con tàu Phù Nam đủ lớn để chở 600-700 người với 40-50 mái chèo. Tàu dài 20 bộ (48m), nổi cao lên mặt nước khoảng 3 bộ, có 4 cột buồm với các cánh buồm nằm nghiêng rộng khoảng 10 bộ. Với sức mạnh của thủy binh, Vương quốc Phù Nam đã bành trướng thương nghiệp biển và lãnh thổ. Thực tế các chiến thuyền của Phù Nam đã Nam chinh, Tây phạt bắt hơn 10 vương quốc thần phục làm chư hầu, phải cống nạp thuế hàng năm dưới sự bảo hộ của vua Phù Nam. Từ địa bàn chính là đồng bằng sông Cửu Long, sau khi chinh phạt thu phục 10 nước chư hầu, Vương quốc Phù Nam kiểm soát một vùng rộng lớn từ Nha Trang đến thung lũng Mê Nam, gồm một phần đảo Mã Lai và vùng ven vịnh Thái Lan. Từ giữa thế kỷ thứ III - IV, Phù Nam chinh phục quân sự vùng Bắc bán đảo Mã Lai nhằm đảm bảo kiểm soát giao thương trên biển Đông - Ấn Độ Dương, trong số hơn chục nước chư hầu bị Phù Nam thuần phục có cả Chân Lạp (Khơ me cổ hay Campuchia ngày nay). Đây chính là một mầm mống, một thế lực có ảnh hưởng lớn đến sự suy vong của Vương quốc Phù Nam sau này.
Khu di tích Óc Eo
Với vai trò nổi bật trở thành trung tâm thương mại sớm nhất trong khu vực Đông Nam Á, Vương quốc Phù Nam mặc sức lấn át các tiểu quốc phụ thuộc vào kinh tế, thậm chí bắt các nước phải thần phục làm chư hầu. Song, cho đến giữa thế kỷ thứ VI, châu thổ này bị thu hẹp bởi đỉnh cao của các đợt hải xâm (biển lấn), đã dẫn đến các cuộc nổi dậy về kinh tế và chính trị của một số nước chư hầu. Và một tiến trình “vương quốc hóa” của các quốc gia trong vùng bắt đầu nhen nhóm. Đầu thế kỷ thứ VII ưu thế thương mại của Phù Nam giảm đi nhanh chóng. Đã có sự dịch chuyển hoạt động thương mại từ trọng tâm là thương cảng Óc Eo ven bờ biển Tây Nam cổ xuống khu vực Malacca và Xumatơra (Inđônêxia). Người ta nhận ra rằng từ khi xuất hiện nhà nước Srivigiaya (một phần đất thuộc Mã lai và đảo Java xưa kia) và nhất là khi nó đóng vai trò đế chế hải thương của cả khu vực thì tên tuổi Phù Nam bị lu mờ và biến mất. Triều đại cuối cùng của Phù Nam không chăm lo phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguồn hàng cũng như củng cố hệ thống cảng biển, trong khi các đế vương, tiểu quốc trên quần đảo In đô nê xia rất thành công trong lĩnh vực này. Sự chuyển hướng buôn bán, giao thương của hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ cũng góp phần tạo nên biến đổi trên. Theo thư tịch cổ của Trung Quốc thì sự chuyển dịch này đã bắt đầu diễn ra từ nửa sau thế kỷ II và cho đến cuối thế kỷ III. Cùng với vai trò mới nổi của một số tiểu quốc như Java, Xumatơra… đã bắt đầu có những dấu hiệu của sự chuyển hướng địa bàn buôn bán. Thương cảng có tên Koying (Inđônêxia) được nhắc đến như một hải cảng trung chuyển hàng hóa của quốc gia này ở đường bờ biển Đông Nam Xumatơra. Khi đó, Vương quốc Phù Nam vẫn là một quốc gia hùng mạnh với thế lực kinh tế mang tầm khu vực, liên châu lục nên đã phớt lờ và chủ quan với những thế lực kinh tế mới quanh mình. Chính tư tưởng trọng thương và bành trướng lãnh thổ một thời đã đưa Vương quốc Phù Nam trở thành đế chế thương mại biển, một đế quốc hùng mạnh nhất Đông Nam Á, song cũng chính điều này làm nên sự suy yếu về kinh tế và đẩy quốc gia cổ đại này đến con đường diệt vong.
Cổ vật Óc Eo
Cùng với việc mất vị trí về thương cảng, hai nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và thủ công nghiệp có dấu hiệu suy sụp thì một yếu tố mang tính quan trọng làm cho vương quốc Phù Nam sụp đổ là các cuộc tranh ngôi trong vương triều của các hoàng thân dẫn đến triều đình Trung ương bị chia rẽ suy yếu, bỏ mặc nền kinh tế đang trên đà tuột dốc. Chính nguyên nhân này cùng với sự lớn mạnh của các nước chư hầu xung quanh cũng là yếu tố tiên quyết làm suy vong nhanh vương quốc này. Trong số các tiểu quốc chư hầu đó, Chân Lạp (hay Khơ me cổ, Cămpuchia ngày nay) đã trở nên vô cùng nguy hiểm vì vốn đã có mầm mống muốn lật đổ triều đình trung ương Phù Nam từ lâu. Chân Lạp ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ V, đầu thế kỷ thứ VI. Chân Lạp nằm ở phía Tây Nam nước Lâm Ấp (Chiêm Thành - tiền thân của Chăm Pa). Thủ đô của Chân Lạp có tên là Linkiapơpơ hay Lingaparvata. Chân Lạp được hình thành như một tiểu quốc chư hầu mới nhất của Vương quốc Phù Nam ở cuối thế kỷ thứ V, được vua Phù Nam tin tưởng giao cho một hoàng thân cai trị. Một trong những nhân vật làm nên cuộc biến loạn và làm suy vong Vương quốc Phù Nam là Bhavavarman - vốn là một trong những người thuộc Hoàng tộc của Phù Nam. Vào thế kỷ VI (khoảng năm 540- 550) vua Chân Lạp đem quân đánh chiếm vương quốc Phù Nam. Vua Phù Nam Rudruvarman (vị vua thứ 13 và là vị vua cuối cùng của vương quốc Phù Nam) thất bại chạy về Na Phất Na (một kinh thành cổ nằm tại vùng Óc Eo - Ba Thê) và định đô ở đó một thời gian. Mặc dù đã cử nhiều đoàn sứ thần đi sứ sang Trung Quốc cầu cứu nhưng Phù Nam chỉ nhận được sự thờ ơ của Hoàng đế Trung Hoa và sự quay lưng của các nước có thế lực xung quanh. Cho đến năm 627, dưới triều đại của vua Chân Lạp mới là Isanavarman thì việc thôn tính vương quốc Phù Nam cơ bản hoàn thành. Phù Nam bị sáp nhập hoàn toàn vào Chân Lạp. Do không quen với cuộc sống sông nước và thậm chí không cần cuộc sống sông nước nên người Chân lạp đã tàn phá hải cảng Óc Eo. Sau đó, Chân Lạp chuyển kinh đô lên vùng đất cao Angko Borei (Cămpuchia ngày nay). Vì thế kinh thành và thương cảng Óc Eo rơi vào cảnh đìu hiu, hoang tàn. Không chỉ tàn phá cuộc sống vùng sông nước mà Chân Lạp còn hủy diệt hoàn toàn những vùng cao khác thuộc Vương quốc Phù Nam. Chính vì khả năng thích ứng kém của cư dân Khơ Me cổ đã đẩy Vương quốc Phù Nam đến cảnh hủy diệt và biến mất hoàn toàn sau những đợt sóng biển dâng trào. Ngày nay, những đền đài, thành phố, kinh đô xưa của Phù Nam chỉ còn là phế tích nằm trong lòng đất ở khắp đồng bằng và những triền núi cao ở miền Tây Nam Bộ.
Đồng tiền vàng La Mã
Vương quốc Phù Nam tồn tại hơn 6 thế kỷ, trải qua liên tục 13 đời vua, thời gian của nó có thể sánh với độ dài của mọi triều đại phong kiến tập quyền ở Đông Nam Á những thế kỷ tiếp sau đó. Trong suốt quá trình tồn tại, với những thành quả xây dựng được về các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, Phù Nam đã khẳng định vị trí quan trọng của mình như là đầu mối buôn bán Đông - Tây, giữ vững sự ổn định trong các mối quan hệ quốc tế, xứng đáng là một “Trung tâm liên kết thế giới” như lời nhận xét của một học giả Nhật Bản. “Với những thành tựu, biểu hiện đó, quốc gia Phù Nam đã vượt qua trình độ cơ sở để trở thành một vương quốc phát triển cao nhất Đông Nam Á về mọi mặt trong thiên niên kỷ và nó xứng đáng có một vị trí quan trọng trong lịch sử thế giới” ( Lương Ninh- Nhà nước Phù Nam. NXB ĐHQG T/p Hồ Chí Minh, tr. 31).
Kỳ 1: Sự hình thành và phát triển cực thịnh
Hoàng Ngọc Chính (Tổng hợp)