Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/09/2012 09:37 4521
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đồng Tháp Mười - Nam Bộ là một vùng đất trũng thấp thuộc phạm vi bốn tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp (Việt Nam) và Svay Riêng (Campuchia); trong đó vùng Đồng Tháp Mười ở Long An có diện tích lớn nhất (2/3 diện tích toàn khu vực), bao gồm 5 huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa.

Từ năm 1977 đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện từ lòng đất của vùng Đồng Tháp Mười khoảng 40 di tích thuộc văn hóa Óc Eo, với các loại hình kiến trúc, cứ trú, xưởng thủ công… Tiêu biểu là bộ sưu tập hạt chuỗi bằng đá ngọc đã được phát hiện và sưu tầm từ các di chỉ xưởng - cư trú của cư dân cổ trên vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An.


Các loại hạt chuỗi được chế tác bằng nhiều

chất liệu với dạng thể và kích thước khác nhau.

Các di chỉ văn hóa Óc EO ở Long An như: Gò Dung (Tân Thạnh), Gò Đế ( Mộc Hóa) và Gò Hàng (Tân Hưng) là những di chỉ cư trú, công xưởng thủ công, chế tác gốm đồng thời tập trung rất nhiều di vật và nguyên liệu để chế tác trang sức bằng vàng, bạc, hạt chuỗi, đá quý và thủy tinh…

Đặc biệt trong tầng văn hóa của di chỉ Gò Hàng hay còn gọi là "Cánh đồng vàng", các nhà khảo cổ đã phát hiện được 4 đồng tiền cổ bằng kim loại có hình voi, hình vajra, tháp thờ, bánh xe luân hồi. Đó là những đồng tiền Indra và tiền Pháp Luân có nguồn gốc từ Ấn Độ.


Sưu tập hạt chuỗi tại di tích Gò Hàng, huyện Tân Hưng, Long An

Bộ sưu tập hạt chuỗi bằng đá ngọc ở Đồng Tháp Mười (Long An) gồm có khoảng 700 hạt với gần 20 loại hình được chế tác từ 6 loại đá ngọc khác nhau: Mã não (Agate), Hồng mã não (Carnelian), Thạch anh (Crystal rock), Tử ngọc (Amethyst), Hồng ngọc (Garnet), Nê - Frít (Nephrite).

Bên cạnh những hạt chuỗi ngọc, các nhà khảo cổ còn thu thập được hơn 7.000 hạt chuỗi bằng thủy tinh nhiều màu sắc với các loại hình: hình cầu, hình trụ tròn, hình bầu dục, hình kim tự tháp, hình trụ đáy lục giác, hình đốt trúc, hình nón cụt, hình vuông dẹt, hình chữ nhật dẹt, hình thoi dẹt, hình cầu dẹt, hình quả lê, hình chì lưới…

Trong bộ sưu tập này gồm có: những hạt chuỗi mã não được chạm trổ (etched bead), một hạt chuỗi chạm nổi hình con rùa, hạt chuỗi hình chì lưới và những hạt chuỗi hồng ngọc, hồng mã não có kích thước lớn. Tất cả được gia công rất hoàn chỉnh và đảm bảo tính mỹ thuật.

Bộ sưu tập này còn có ba hạt chuỗi được chạm trổ (axít):

- Hạt chuỗi mã não đen (Agate): có họa tiết hình chữ Vạn (Swastika) - biểu tượng của mặt trời - tương tự như họa tiết trên một hạt chuỗi hồng mã não hình cầu được phát hiện ở di chỉ Arka (miền Bắc Ấn Độ) và hạt chuỗi hồng mã não hình bầu dục cụt hai đầu được phát hiện gần đây ở di chỉ Khlong Thom (miền Nam Thái Lan).


Hạt chuỗi mã não đen

- Hạt chuỗi mã não đen (Agate): Có họa tiết ba đường sóng nước song song, tương tự các hạt chuỗi được phát hiện trước đó ở Ấn Độ và gần đây tại Ban Don Ta Phet và Khao Sam Kaeo (miền Nam Thái Lan).

- Hạt chuỗi hồng mã não (Carnelian) có họa tiết chim và cây lá, có nguồn gốc ở miền Nam Ấn Độ.


Hạt chuỗi mã não hồng, được trangtrí họa tiết bằng phương pháp vẽ axít

Những hạt chuỗi mã não được chạm trổ (axít) bằng những vạch màu trắng ở Đồng Tháp Mười (Long An) đã được phát hiện trước đây tại di chỉ Óc Eo - An Giang; Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ - Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong bộ sưu tập hạt chuỗi bằng đá ngọc có duy nhất một hạt chuỗi hồng mã não chạm nổi hình con rùa. Hình tượng con rùa rất phổ biến trong văn học Ấn Độ, là hậu thân thứ hai trong mười kiếp của Indra (Thượng đế) và là con vật cưỡi của nữ thần sông Yamuna. Hạt chuỗi tử ngọc (Amethyst) hình chì lưới (collared bead) cùng một số hạt chuỗi thủy tinh là loại hình đặc trưng được sản xuất đầu tiên ở Arikamedu (Ấn Độ) vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 3 Công nguyên.


Hạt chuỗi mã não hồng

Những hạt chuỗi bằng đá ngọc này được chế tác hoàn chỉnh có nguồn gốc từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, cư dân cổ vùng Đồng Tháp Mười đã sử dụng nguyên liệu ngoại nhập để chế tác hạt chuỗi và đồ trang sức phục vụ cho nhu cầu trong vùng.

Như vậy, ngay từ đầu Công nguyên, vùng Đồng Tháp Mười là một cụm di chỉ xưởng chế tác hạt chuỗi và đồ kim hoàn; có mối quan hệ gần với di chỉ Óc Eo (An Giang), Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ - Tp. Hồ Chí Minh) và có mối quan hệ gắn bó với các di chỉ sản xuất hạt chuỗi nổi tiếng của Thái Lan (U Thong, Ba Don Ta Phet và Khlong Thom); Ấn Độ (Arka, Patna, Benares và Arikamedu). Điều này gợi ra tính chất "mở" của nền kinh tế - văn hóa của cư dân Óc Eo - Phù Nam cũng như tầm quan trọng của vùng đất Nam Bộ xưa đối với "Con đường tơ lụa trên biển" trong quá khứ.

Lê Khiêm tổng hợp

Nguồn: Vương Thu Hồng, Những hạt chuỗi ngọc trong lòng đất Đồng Tháp Mười. Cổ vật tinh hoa 2004, số 9, tr. 24-25.

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4278

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Nghệ thuật điêu khắc tượng thần Ganesa trong văn hóa Óc Eo

Nghệ thuật điêu khắc tượng thần Ganesa trong văn hóa Óc Eo

  • 07/09/2012 16:02
  • 7475

Ở mỗi vùng miền đều có một nền văn hóa đặc sắc mang sắc thái và phong cách riêng của mình. Cũng giống như vậy, văn hóa Óc Eo được coi là nền văn hóa của vương quốc Phù Nam ở thế kỷ I đến thế kỷ VII, đây là một hiện tượng lịch sử độc đáo.