Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/08/2012 17:06 6629
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nếu chữ viết có khả năng phản ánh rộng rãi: từ khái quát đến cụ thể, từ hệ thống đến chi tiết, thì các di vật văn hóa khảo cổ lại có khả năng phản ánh hiện thực trong phạm vi nhỏ một cách sống động, chân thực.

Các hiện vật, di vật văn hóa Óc Eo ở An Giang bao gồm các nhóm: đá, đất nung, gỗ, kim loại. Trong đó tiêu biểu nhất là nhóm hiện vật kim loại.

Văn hóa Óc Eo nói chung và văn hóa Óc Eo ở An Giang nói riêng được biết đến qua những hiện vật là quý kim. Từ những di vật được biết đến đầu tiên trong những năm 1870 cho đến các hiện vật tìm thấy qua các cuộc khai quật, thám sát của nhà khảo cổ học người Pháp L. Malleret từ 1942-1944, của các nhà khảo cổ học Việt Nam sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bên cạnh chất liệu của hiện vật bằng một thứ quý kim, cho đến nay vẫn còn đang giữ một vị trí chủ đạo là vàng - thì giá trị của các hiện vật này đối với các nhà nghiên cứu vẫn rất có giá trị.

Các hiện vật bằng vàng

Trước hết, những hiện vật này có giá trị mỹ thuật cao như: những chiếc nhẫn có mặt hình bò u, bò quỳ được tạo hình với dáng vẻ duyên dáng; những hạt chuỗi đeo có các cạnh sắc nét, cân đối; bông tai vành khuyên khớp lại từ 2 nửa, những mảnh vàng dát mỏng chạm hình đạo sĩ Bàlamôn, hình người - heo, hình bánh xe rắn, rùa thật sống động, mảnh vàng hình bông hoa nhiều cánh trang trí nhụy hoa bằng một viên hồng ngọc; một linga-yoni bằng vàng trên bệ đồng với sự tỉ mỉ trong chi tiết… là những minh chứng cho trình độ thẩm mỹ, thị hiếu về cái đẹp của cư dân Óc Eo là tiến bộ.

Nhẫn hình bò Nandin bằng vàng -Thế kỷ II - III (An Giang).

Song song với khía cạnh giá trị thẩm mỹ, qua các hiện vật mỹ nghệ này, chúng ta còn nhận thấy trình độ kỹ thuật, tay nghề của những người thợ kim hoàn thời ấy đã tinh xảo, ngành thủ công này được chuyên môn hóa cao và phổ biến với đường nét chạm khắc, lối thể hiện tinh vi trên những vật có kích thước không lớn lắm. Xã hội thời ấy đã có sự phân hóa sâu sắc, thể hiện ở các hiện vật tìm thấy trong các ngôi mộ hỏa táng loại hình chôn cất chủ yếu của tầng lớp tăng lữ quý tộc Bàlamôn.

Trong nhóm kim loại này, còn có những hiện vật khác có giá trị rất lớn về mặt khảo cổ: Khuôn đúc đồ trang sức vàng bằng đồng; khuyên tai hai đầu thú bằng đồng, vòng đeo tay bằng thiếc, đèn bằng đồng có họa tiết trang trí chân đèn độc đáo cho thấy ngành mỹ thuật ứng dụng trong đời sống rất được chú trọng.

Khuyên tai vàng thuộc văn hóa Óc Eo

Bên cạnh các tượng thần Vishnu bằng đồng, tượng Phật bằng đồng, tượng nô lệ bằng đồng là những sản phẩm kim loại cao cấp; còn có đồng tiền bạc cho ta hình ảnh về phương thức trao đổi trong xã hội thời bấy giờ.

Tượng thần Vishnu bằng đồng

Sự phân hóa xã hội và sức mạnh của vương quyền được thể hiện qua những con dấu bằng đồng và bằng sắt có biểu tượng khác nhau được sử dụng trong những trường hợp khác nhau, hoặc đóng dấu sở hữu, hoặc ghi dấu tội phạm bằng cách nung nóng rồi áp vào da nô lệ, tù nhân.

Tuy với số lượng không nhiều như các nhóm hiện vật khác: đất nung, đá nhưng hiện vật kim loại là nhóm hiện vật chủ yếu để các nhà khoa học tái hiện lại hình ảnh của nền văn minh một thời rực rỡ: văn hóa Óc Eo. Đó là một nền văn hóa thời đại kim khí, có niên đại khoảng từ thế kỷ II - thế kỷ XII, có nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp phát triển; giao lưu văn hóa rộng rãi, xã hội phân hóa nhiều thành phần giai cấp, tôn giáo tín ngưỡng có vị trí quan trọng trong những hoạt động tinh thần… Vì vậy, nền văn hóa này cần được nghiên cứu, khẳng định, bổ sung hơn nữa bằng những hiện vật kim loại còn nằm trong lòng đất An Giang.

Lê Khiêm tổng hợp

Nguồn: Đặng Kim Quy, Về những hiện vật kim loại trong văn hóa Óc Eo - An Giang. Khảo cổ học An Giang - Văn hóa Óc Eo. An Giang: Ủy ban Khoa học Kỹ thuật; Sở Văn hóa Thông tin - Thể dục Thể Thao An Giang xuất bản; tr. 12-14.

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4219

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

TÌM VỀ PHỐ CỔ QUY NHƠN TRONG LỊCH SỬ

TÌM VỀ PHỐ CỔ QUY NHƠN TRONG LỊCH SỬ

  • 27/08/2012 10:24
  • 3531

Ra đời và hình thành như một số thương cảng dọc theo ven biển miền Trung, Quy Nhơn từng đóng vai trò quan trong trong sự phát triển kinh tế Đàng Trong từ thế kỷ XVI- XVII. Những dãy phố sầm uất bên cạnh các hiệu buôn nổi tiếng đã minh chứng về một thời huy hoàng của thành phố biển này.