Thứ Ba, 15/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/08/2012 22:12 2974
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Theo kết quả điều tra khảo sát, tháp Champa được xây dựng trên mọi vùng đất Tây Nguyên, từ Kon Tum đến Lâm Đồng cho đến nay chỉ còn lại phế tích. Hiện nay, tháp Champa còn lại duy nhất ở Tây Nguyên là tháp Yang Prong trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.

Tháp Yang Prong

Được xây dựng ven bờ sông Ealeo, thuộc địa bàn Easup. Tháp được xây dựng trên vùng đất cao với nhiều công trình kiến trúc liên quan. Cho đến nay, các công trình hầu như đã sụp đổ chỉ để lại dấu tích.

Tháp được xây dựng có quy mô khá lớn, bình đồ mặt bằng tháp hình vuông, cạnh dài 5,2m. Đế tháp được xây hình khối đồ sộ vững chãi, đế được khắc tạc những cánh sen to bản đầu nhọn hướng lên làm nền cho thân tháp vươn lên trên một tòa sen khổng lồ. Thân tháp hình khối, bốn góc là 4 trụ góc vững chãi, mỗi cạnh có 5 dãy cột cao vút vươn lên. Phía trước là hệ thống vòm cửa dẫn với hai cột cừa đỡ vòm mái hình cung tù. Diềm mái tháp nhiều lớp xây giật cấp vươn ra đỡ bộ mái tháp vững chãi. Mái tháp hình khối hộp 4 cạnh nhiều tầng thu nhỏ dần tới đỉnh. Các góc mái đều gắn hình các con vật trang trí vươn ra. Toàn bộ tháp cao 11,2m được xây bằng gạch đỏ au.

Trang trí tháp đơn giản lấy hình khối làm chủ đạo, họa tiết hoa văn đơn giản, khắc tạc to thô mang dáng dấp khỏe mạnh. Cũng như các tháp Champa ở miền Trung, tháp được xây dựng thờ Thần Shiva, trong tháp có bệ thờ, ngẫu tượng Linga - Yony. Những tác phẩm nghệ thuật đất nung trang trí tháp cho thấy chất văn hóa Tây Nguyên đã gia nhập vào kiến trúc này làm nên bản sắc riêng của tháp Champa trên đất Tây Nguyên. Những hình chim được thể hiện đầy sống động được gắn trang trí trên mái tháp với nhiều tư thế khác nhau diễn tả đơn sơ, giàu tính hiện thực.

Theo bia ký để lại cho biết tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV do vua Chế Mân dựng ghi công kỷ niệm về sự bảo trợ của Thần Yang Prong (vị thần vĩ đại), ông đã đoàn kết giữa người Chăm và các dân tộc Tây Nguyên sát cánh cùng chống kẻ thù xâm lược Nguyên Mông thắng lợi vào cuối thế kỷ XIII.


Tháp Yang Prong trước khi trùng tu tôn tạo.
Tháp Yang Prong trước khi trùng tu tôn tạo.

Tháp Yang Mun (Gia Lai)

Đầu thế kỷ XX, khi khảo sát các kiến trúc tháp Champa trên địa bàn thị trấn Cheo Reo, huyện Ayunpa, cách sông KrôngPa không xa còn một cây tháp Champa sừng sững. Do xa lạ với cư dân bản địa cùng với bản chất kỳ thị thực dân, những cha đạo đã dỡ cây tháp này lấy địa điểm xây dựng nhà thờ Đạo.

Tháp Yang Mun hiện nay chỉ biết trên bản vẽ đã cho thấy đây là một tháp Champa khá lớn, được trang trí đẹp với nhiều họa tiết hoa văn trang trí sắc sảo, đặc biệt là hoa văn cánh sen. Dựa vào những vật liệu phá dỡ tháp cho biết tháp được xây vật liệu chủ yếu bằng gạch với kỹ thuật truyền thống Champa.

Ngoài đế và thân tháp hình khối vuông, bộ mái hình khối chóp nhọn, tháp có hình khối khá đặc biệt, được xây bằng gạch màu đỏ mang dáng dấp ngọn đuốc lửa thắp sáng trên vùng đất này. Bên cạnh tháp là tượng thờ, bệ thờ, những hiện vật mang phong cách nghệ thuật Champa thế kỷ XIII - XIV.

Tháp Yang Mun.
Tháp Yang Mun.

Tháp Bang Keng (Gia Lai)

Nằm chìm trong cánh rừng đại ngàn huyện Krôngpa, tháp Bang Keng bị đổ nát từ lâu như một gò gạch lớn rực màu đỏ.

Kết quả khai quật cho thấy toàn bộ cây tháp được xây bằng gạch kích thước lớn, mặt bằng tháp hình vuông. Kỹ thuật xây dựng truyền thống Champa, các viên gạch được mài xếp chồng khít hầu như không có mạch. Khắc tạc trang trí tháp đơn giản, vẻ đẹp kiến trúc tháp mang hình khối hài hòa, cân đối.

Tháp Bang Keng đổ nát.
Tháp Bang Keng đổ nát.
Lê Đình Phụng
bee.net.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4312

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Một vài nét về thời kỳ tiền Óc Eo ở Nam Bộ

Một vài nét về thời kỳ tiền Óc Eo ở Nam Bộ

  • 22/08/2012 09:52
  • 5066

Qua 60 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Óc Eo, các nhà khảo cổ học Việt Nam bước đầu đã tìm ra nguồn gốc bản địa của nền văn hóa này từ một số di tích hậu kỳ thời đại kim khí (sơ kỳ sắt sớm 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay).