Văn hóa Óc Eo tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên, được nhìn nhận là có một nền thương nghiệp phát triển rực rỡ và có mối giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài.
Bằng chứng là số lượng lớn những sản phẩm ngoại nhập, những đồng tiền kim loại và những hiện vật La Mã thuộc văn hóa Óc Eo phát hiện được ở đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại, những sản phẩm kiểu Óc Eo được tìm thấy ở nhiều nơi, xa đến tận Ba Tư và thế giới Địa Trung Hải.
Các đồng tiền kim loại đã được thu thập tuy số lượng không nhiều, nhưng có giá trị lớn bởi vì nó không những gắn với xã hội có nền kinh tế thương nghiệp phát triển mà còn có vai trò quan trọng trong các mối giao lưu kinh tế - thương nghiệp của xã hội đó. Ngoài 2 đồng tiền vàng La Mã thời Antonius Pius (năm 152 sau Công nguyên) và thời Marcus Aurelius (161-180 S.CN) được L. Malleret thu thập, còn có 12 đồng tiền và mảnh cắt của đồng tiền đã được phát hiện ở di tích Nền Chùa (2 đồng nguyên và 1 mảnh cắt ¼), Kè Một (2 đồng nguyên), Đá Nổi (3 mảnh cắt ¼) và Gò Hàng (4 đồng nguyên).
Đồng tiền vàng La Mã khắc hình vua Marcus -Aurelius. Năm 161-180 sau Công nguyên
Tất cả 12 đồng tiền và mảnh cắt của đồng tiền kim loại thu thập tại đồng bằng sông Cửu Long đều khác với loại tiền Phù Nam, cũng được tìm thấy ở Miến Điện, có in hình mặt trăng, Srivatsa, Swastika... Trong số 12 đồng tiền đó, 4 đồng tiền được thu thập từ tầng văn hóa của di chỉ Gò Hàng, 1 di chỉ cư trú - xưởng thủ công thuộc văn hóa Óc Eo, nó được sử dụng bởi cư dân Óc Eo lúc đương thời. Về hình dáng, 4 đồng tiền này có dạng gần tròn, đường kính rộng trung bình từ 2,30cm đến 2,50cm; dày 0,15cm đến 0,20cm, được đúc bằng chì - thiếc, với hình nổi trên mặt phải và mặt trái.
Đồng tiền thứ nhất: Nặng 2,1414 gram, phần phía trên bị vỡ. Trên mặt phải có hình voi đứng nhìn nghiêng, ngà voi dài, bảy chấm nổi tạo nên hình bông sen 6 cánh ở phần giữa 2 chân trước và 2 chân sau; phía trên cùng có hình mũi tên và cái cung cách điệu. Viền quanh bằng những chấm nổi. Mặt trái bị mòn không rõ hình dạng.
Đồng tiền thứ hai: Nặng 2,1801 gram, một phần rìa bị vỡ. Trên mặt phải có hình voi đứng nhìn nghiêng, ngà dài; khác với 3 đồng còn lại, đồng tiền này không có viền chấm nổi bao quanh. Trên mặt trái có hình cây với 2, 3 cành có lá xếp thành hàng hoặc hình cây trong bình.
Đồng tiền thứ 3: Nặng 3,2704 gram, một phần bị vỡ. Trên cả hai mặt đều có chấm nổi tạo thành đường viền xung quanh. Trên mặt phải có hình voi đứng, ngà voi dài chạm chân trái. Phía trên có hình mặt trăng lưỡi liềm và hình một mũi tên. Mặt bên trái có hình Vajras đúp hoặc hình Siva cách điệu.
Đồng tiền thứ 4: Nặng 2,7475 gram, một phần bị vỡ, không rõ hình; mặt trái có những dấu chấm nổi viền quanh. Ở giữa có hình Vajras đúp hoặc hình Siva cách điệu.
Đồng tiền kim loại phát hiện tại di tích Gò Hàng,huyện Tân Hưng, Long An.
Trọng lượng và kích thước của 4 đồng tiền này khác nhau. Việc đúc tiền đòi hỏi một kỹ thuật cao, tinh tế và từ nguồn nguyên liệu sống. Những hình nổi trên các đồng tiền này đều có một ý nghĩa nhất định. Những hình voi phản ánh niềm tin tôn giáo của cộng đồng cư dân cổ; hình nổi những cành cây, cái cung, mũi tên, mặt trăng cũng thường gặp ở những đồng tiền cổ trong thế giới Ấn Độ cổ đại.
Trong số 2 đồng tiền ở Nền Chùa thì một đồng, trên mặt phải có đúc hình mặt người nhìn nghiêng có mũi cao và thẳng. Đó là hình đầu hoặc bán thân của vua. Trên mặt trái thường là tên hoặc tên hiệu của vua. Đồng tiền thứ hai, trên mặt trái đúc nổi hình người như trong tư thế quỳ, đầu đội mũ, 2 tay dang rộng, đưa cao ngang mặt. Từ những dấu hiệu trên hai đồng tiền ở Nền Chùa có thể thấy chúng thuộc loại tiền Ấn - La Mã, được phát hành vào giai đoạn mà mối giao lưu kinh tế - văn hóa giữa Ấn Độ và thế giới Địa Trung Hải phát triển mạnh mẽ.
Đồng vàng La Mã từ năm 308 Công Nguyên và đồng vàng La Mã phát hiện tại di chỉ Óc Eo
Ngoài các đồng tiền trên, hiện nay trong nhiều địa điểm ở Đông Nam Á cũng đã tìm thấy các hiện vật La Mã. Tượng thần Pan (Vĩnh Hưng, Long An), chiếc đèn đồng kiểu Alexandre có cán chạm hình lá cọ và 2 con cá heo tìm được ở PongTuk, Thái Lan… là những bằng chứng vật chất cụ thể trong mối quan hệ giữa cộng đồng cư dân Óc Eo với vùng Địa Trung Hải mà Ấn Độ là nơi trung chuyển, là cầu nối giữa văn minh Địa Trung Hải và văn minh châu Á thời cổ đại.
Tượng thần Pan (Vĩnh Hưng, Long An)
Văn hóa Óc Eo có quá trình phát triển khá lâu dài. Cộng đồng cư dân cổ ở đây đã tạo dựng được một nền thương nghiệp phát triển và có mối giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài, đặc biệt với Ấn Độ và vùng Địa Trung Hải. Vào lúc Đông Nam Á bắt đầu quá trình "Ấn Độ hóa" thì mối quan hệ giữa Ba Tư, Hy Lạp, La Mã và Ấn Độ tuy có nhiều biến động nhưng rất mật thiết. Các hiện vật ngoại nhập thuộc văn hóa Óc Eo, bên cạnh khối lượng lớn hiện vật mang đậm dấu ấn Ấn Độ còn có nhiều hiện vật Ba Tư, Hy Lạp, La Mã: những đồng tiền và các hiện vật khác; và ngược lại những sản phẩm kiểu Óc Eo cũng được tìm thấy ở Ba Tư, Địa Trung Hải.
Lê Khiêm tổng hợp
Nguồn: Bùi Phát Diệm, Tiền kim loại và những hiện vật La Mã thuộc văn hóa Óc Eo trong mối quan hệ kinh tế - văn hóa giữa cư dân Óc Eo với vùng Địa Trung Hải. Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập II. H.: KHXH, 2005; tr. 791-795.