Thứ Bảy, 26/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/08/2012 11:13 3227
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trao đổi với Đất Việt, Nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân cho biết, ngoài tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” ông còn biết có khoảng 50 tấm địa đồ khác có giá trị khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

>>'TQ không công nhận bản đồ 1904 là phản tổ'

>>Dân mạng rủ nhau 'quảng bá' bản đồ Trung Quốc 1904
>>
Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa

Trong quá trình thu thập tư liệu nghiên cứu, nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân đã sưu tầm được khoảng 50 tấm địa đồ Trung Hoa (có bản là bản gốc nhưng có bản chỉ là bản sao - PV) chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc lãnh hải Trung Quốc. Chúng có niên đại sớm nhất là vào thời Tống, cho đến thời Dân Quốc. Từ năm 2007 đến nay, qua các bài viết, ông đã công bố gần chục tấm địa đồ, loại địa đồ hành chính Trung Hoa chính thống với điểm cuối là đảo Hải Nam. Sắp tới, tuỳ vào mức độ bài viết, dần dần ông sẽ công bố tiếp.

nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân

Theo ông Quân, khi phân các địa đồ thành 2 nhóm: địa đồ hành chính thế giới và địa đồ hành chính Trung Hoa, chúng ta sẽ thấy rõ các học giả Trung Quốc chỉ thường xuyên dẫn dụng loại địa đồ hành chính thế giới và rất ngại đụng đến loại địa đồ hành chính Trung Hoa trong lịch sử. Bởi lẽ, hầu hết các địa đồ hành chính Trung Hoa chỉ đến cực nam đảo Hải Nam, nó sẽ phản lại các lập luận về chủ quyền Nam Hải của Trung Quốc.

Nói về tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân khẳng định, đây là tấm địa đồ địa đồ hành chính Trung Hoa chính thống có cả giá trị khoa học và giá trị pháp lý.

Cụ thể, về giá trị khoa học, địa đồ này được thực hiện tại Đài Thiên văn Dư Sơn, gần thành phố Thượng Hải, cơ sở này do các giáo sĩ người Pháp thành lập năm 1900, phối hợp cùng với Đài Thiên văn Từ Gia Hối gần đó, làm thành cơ quan nghiên cứu Thiên văn hiện đại nhất Trung Hoa và cũng là một trong những đài thiên văn có tiếng trên mặt bằng khoa học thiên văn thế giới đương thời. Sái Thượng Chất, người viết lời dẫn cho bức “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là người đã sáng lập Đài thiên văn Dư Sơn, ông này là nhà khoa học thiên văn người Pháp, tên Pháp là Stanislas Chevalier (1852-1930), những giáo sĩ hoặc khoa học gia nước ngoài đến sống và làm việc tại Trung Hoa thường tự đặt cho họ thêm một tên Trung Hoa để tiện xưng hô.

“Được làm ra tại một cơ quan như vậy, đương nhiên là giá trị khoa học của bức địa đồ này cao hơn rất nhiều so với các địa đồ được soạn vẽ theo kỹ thuật truyền thống Trung Hoa. Chúng ta thấy điểm cực nam đảo Hải Nam trên địa đồ này ở vào khoảng 18 độ vĩ bắc, rất phù hợp với các bản đồ ngày nay”, ông Quân nhấn mạnh.

Về giá trị pháp lý, ông Quân cho hay, địa đồ này là địa đồ hành chính mang tính chính thống. Trong tên gọi bức địa đồ có chữ “Hoàng triều…” tức “Triều ta”, tức nhà Thanh, điều này nói lên sự được thừa nhận của nhà nước đương thời. Mặt khác, địa đồ này còn kế thừa thành quả của bức “Hoàng dư toàn lãm đồ 1719” thực hiện thời Khang Hi, do chính hoàng đế Khang Hi chủ trì, bổ nhiệm các giáo sĩ Joachim Bouvet (Bạch Tấn), Petrus Pierre Jartoux (Đỗ Đức Mỹ), Jean Baptiste Regis (Lôi Hiếu Tư), Xavier Ehrenbert Fridelli (Phí Ẩn)… phụ trách thực địa trắc hội và soạn vẽ. Stanislas Chevalier (Sái Thượng Chất) đã dựa trên nền tảng “Hoàng dư toàn lãm đồ 1719”, thực hiện việc điều chỉnh toạ độ các thành trấn chưa chính xác, hoặc bổ sung các vị trí thành trấn có sự thay đổi sau gần 200 năm.

Nhiều cổ vật cũng chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng phòng nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch Sử cho biết, tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1904 là một sử liệu mang tính minh văn khẳng định rõ ràng Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đây là công trình đồ sộ mang tính chất quy mô, khẳng định tính khách quan, không thể có bất kỳ sai sót nào. Điều này cũng thể hiện rất rõ trong bài giới thiệu của tấm bản đồ.

Tấm bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử thu hút sự quan tâm của báo chí, du khách trong và ngoài nước.


“Một số câu trong bài tựa của tấm bản đồ như: Tại các cửa biển ở các miền diên hải đều phỏng họa các đường thủy tầu thuyền ra khơi vào cảng. Tự hỏi nếu mắc lỗi sẽ lấy gì để bù đắp đầy đủ cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có tri thức ắt sẽ nói được lời nói gồm chung thiện ý với với mọi người đã khẳng định tính xác thực của tấm bản đồ này”, ông Đoàn dẫn chứng.

Với những giá trị của cổ vật, nhất là về mặt pháp lý trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ngay sau khi tiếp nhận tấm bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1904, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã cất bản gốc vào kho lưu giữ và mời các chuyên gia hàng đầu bàn các phương án bảo quản để tấm bản đồ được bảo quản một cách tốt nhất. Hiện, Bảo tàng Lịch sử trưng bày bản sao tấm " “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách trong, ngoài nước.

Liên quan đến các chứng cứ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ông Đoàn cho hay, ngoài tấm địa đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, Bảo tàng Lịch sử còn có rất nhiều tài liệu khảo cổ có giá trị. Nó là những cổ vật được tìm thấy ở biển đảo, ở những con tầu đắm, tàu vớt ở vùng biển Việt Nam. Những dấu tích của hầu ám, của biển khơi ở các cổ vật chứng tỏ giao thương ở Việt Nam rất phong phú, trầm uất và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những cổ vật này được các nhà sư sưu tầm, người dân hiến tặng cho bảo tàng.

Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam hiện có rất nhiều tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa: như bản đồ thời Minh Mạng (1834) hay trong cuốn “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776) và nhiều sử liệu khác cũng đều khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.

Ngọc Anh

baodatviet.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4985

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Thư tịch cổ khẳng định Việt Nam cai quản Hoàng Sa

Thư tịch cổ khẳng định Việt Nam cai quản Hoàng Sa

  • 06/08/2012 08:52
  • 3016

Hàng loạt tài liệu, thư tịch, sắc phong, châu bản... từ thế kỷ 18 đến thời vua Bảo Đại, được công bố trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa, đều chứng minh sự cai quản liên tục về mặt nhà nước của Việt Nam ở quần đảo này.