Thứ Hai, 17/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/08/2012 10:41 5086
Điểm: 5/5 (4 đánh giá)
Làng Hương Ngải xưa có tên là Kẻ Ngái. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại có tên Kẻ Ngái là bởi ngày xưa có rất nhiều cây ngái mọc xung quanh làng. Và theo một cách lý giải khác: Cái tên Hương Ngải hôm nay cũng có gốc gác từ cây ngái dại quanh làng ấy. Chuyện rằng khi cây ngái nở hoa hương thơm lan toả khắp vùng nên dân gian gọi thành "Làng Hương Ngái”, rồi chữ "Ngái” bị đọc chệch đi thành "Ngải”. Thế là lâu ngày cái tên Hương Ngải dính chặt với làng.

Đình Đông Thanh
Làng cổ

Chúng tôi trở lại Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 7, cái nắng miền Bắc gay gắt nhưng trên cánh đồng đầu làng Hương Ngải, trạm bơm nước vẫn đang hoạt động phục vụ bà con vỡ ruộng cấy lúa. Ở một số thửa ruộng, những người nông dân vẫn khoác chiếc áo tơi xuống đồng nhổ mạ, cấy lúa bất chấp cái nắng khiến cua cũng phải ngoi lên bờ.

Theo tài liệu còn lưu lại, Hương Ngải có lịch sử hình thành khoảng chừng 2.000 năm, từ thời Đông Hán ba anh em họ liêu là Liêu Hiến Chương, Liêu Hiến Quang, Liêu Hiến Thuật đã có công trong việc lập làng. Hiện ở Hương Ngải còn giữ được 9 đạo sắc phong của các triều đại Nhà Lê, Nhà Nguyễn.

Hương Ngải còn giữ được nhiều ngôi nhà đá ong cổ kính

Ở đầu làng Hương Ngải hiện còn một chiếc quán gọi là Quán Nghinh (còn gọi là Quán Nghinh Hương) với lối kiến trúc cổ và có 4 cột đá độc đáo. Theo dân làng kể lại, Quán Nghinh được trồng cây theo sao "thất tinh” là nơi "nghinh các vị thần và nghinh các vị tân khoa đỗ đạt hiển vinh về làng”. Từ Quán Nghinh này rồi mới về tới đình để dân làng ra ăn mừng, chia vui. Chiến tranh, loạn lạc kéo từ thời Nhà Minh đô hộ đã làm mất nhiều thư tịch cổ. Dù những tấm bia đá còn lưu ở Văn chỉ của làng đến Triều Nguyễn mới lập được nhưng danh sách các vị đỗ Đại khoa, Trung khoa đã được khắc ghi... Tấm bia Đại khoa khắc ghi những tên tuổi: Liêu Hiến Chương, Liêu Hiến Quang đỗ Thái học sinh Triều Lý, Đỗ Hịch đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân; Phí Thạc: Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, Triều Mạc Minh Đức; Đỗ Thê: Đệ nhị giáp tiễn sĩ xuất thân Triều Lê Chính Hoà; Nguyễn Đăng Huân: Đệ nhị giáp tiễn sĩ xuất thân, Triều Nguyễn đời Vua Minh Mệnh. Các vị đỗ Đại khoa ở đất Hương Ngải đều mang tài năng học vấn của mình ra để phục vụ nhân dân... Tất cả đều sống thanh bạch, liêm khiết đến tận khi về hưu.

Dù đã được sáp nhập vào Hà Nội từ năm 2008,
nhưng Trạm Y tế Hương Ngải vẫn muốn "lưu dấu kỷ niệm”

Vùng đất văn hiến

Đình làng Hương Ngải với hơn 1.700 năm tuổi là nơi Pháp ký văn bản bàn giao trả tỉnh Sơn Tây cho Việt Minh vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật xa xưa và đặc biệt là vẫn giữ được bốn chữ "Mỹ tục khả phong” do Vua Tự Đức ban tặng.

Hơn chục năm trở lại đây quán làng đã được tu bổ, trở thành một khu vực rộng rãi, thoáng đãng để tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã bị Pháp tử hình tại đây ngày 28-5-1949.

Làng Hương Ngải ngày nay còn khá nhiều những ngôi nhà xây toàn bằng đá ong truyền thống. Những ngõ xóm nhỏ lát gạch, thấp thoáng những cây cau, giàn trầu không phủ lên tường đá ong luôn mang lại một vẻ đẹp của làng quê Bắc Bộ. Bên cạnh những xóm mới khang trang, trong làng còn có những ngôi nhà gỗ vài trăm tuổi vẫn giữ được lối kiến trúc cổ kính với đá ong, gạch đất. Nghe nói, từ xưa, dân Kẻ Ngái nổi tiếng là khéo tay trong việc xây nhà. Ngoài kỹ thuật, mỹ thuật người thợ Hương Ngải còn đúc kết được những chuẩn mực về nhà cổ vì thế nhiều nơi trong xứ Đoài hễ có xây nhà hay tu sửa đình, chùa đều tìm đến. Một số công trình cấp quốc gia như phục hồi Nhà Thái Học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm, Yên Tử... cũng có sự góp mặt của thợ mộc Hương Ngải.

Nơi tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đăng Nghĩa
bị giặc Pháp giết hại năm 1947

Quê hương danh dân Nguyễn Tử Siêu

Làng Hương Ngải cũng chính là quê hương của danh nhân Nguyễn Tử Siêu (1898 - 1965). Sinh ra trong một gia đình Nho học, ngoài viết văn và là một nhà giáo tân học đầu tiên của huyện Thạch Thất, Nguyễn Tử Siêu còn là một lương y giỏi. Là một nhà nho, một trí thức thức thời, Nguyễn Tử Siêu am tường chữ Hán và viết văn bằng chữ Quốc ngữ. Ông đã sử dụng vốn Hán tự của mình để dịch nhiều tác phẩm văn học và y học như "Hán Sở tranh hùng, Tả truyện chú giải, Thuỷ Hử, Hải Thượng quyền thu, Đông y bảo giám, Châm cứu ca phú tuyên giải”... Ngoài ra, ông còn soạn rất nhiều sách y học để góp phần truyền bá kiến thức, giúp dân thoát khỏi tật bệnh. Có thể kể tới các cuốn sách y học như: "Y học tùng thư (14 quyển), Y học toàn thư (2 quyển), Khoa thuốc trẻ em sách thuốc sởi đậu, Sách thuốc đau mắt, Châm cứu sơ bộ thực hành, Sách thuốc phổ thông, Nguyên tắc trị liệu của Đông y…. Bên cạnh đó, Nguyễn Tử Siêu từng tham gia Chủ tịch mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng Chiến hành chính tỉnh Sơn Tây, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam các khoá I và II...


Nguyễn Tử Siêu lặng lẽ sống một cuộc đời tao nhã của ông giáo làng rồi viết sách y học và văn học. Ngược dòng thời gian trở về với thập niên đầu thế kỷ XX, khi đó cái tên Nguyễn Tử Siêu đã được người Việt Nam trân trọng và riêng chính quyền Pháp thì luôn lưu ý tới những tác phẩm văn học của Nguyễn Tử Siêu. Chúng đã ra lệnh cấm lưu hành nhiều cuốn sách của ông như Tiếng sấm đêm đông, Vợ ai, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế... Ở Việt Nam vào khoảng cuối những năm 20 (của thế kỷ XX) Nguyễn Tử Siêu được đánh giá là nhà văn viết nhiều tiểu thuyết lịch sử nhất. Tên ông đã xuất hiện thành mục từ trong từ điển như Từ điển Văn học Việt Nam, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam...

Nguyễn Thanh
daidoanket.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4825

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Cổ vật gốm trong văn hóa Óc Eo

Cổ vật gốm trong văn hóa Óc Eo

  • 31/07/2012 16:28
  • 7750

Văn hóa Óc Eo - một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Sau gần 70 năm phát hiện và nghiên cứu, văn hóa Óc Eo ngày càng hiện lên rõ nét trong cả không gian phân bố và thời gian hình thành, phát triển và được bảo lưu như một truyền thống ở nơi đây.