Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/07/2012 09:57 2824
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Các hiện vật trưng bày được làm từ nhiều chất liệu như đồng, gốm... có niên đại từ văn hóa Đông Sơn (cách đây 2.500 năm) tới thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19). Đặc biệt, trong đó có bộ sưu tập đồ trang sức vàng từ thời chúa Nguyễn.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vừa khai mạc trưng bày chuyên đề "Cổ vật Việt Nam" và khánh thành phòng trưng bày về văn hóa Óc Eo- Phù Nam tại Hà Nội. Chuyên đề "Cổ vật Việt Nam" do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội tổ chức, nhằm thúc đẩy sự phát triển của phong trào xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Lần này, hai bên phối hợp trưng bày hơn 50 cổ vật Việt Nam tiêu biểu, đặc sắc được lựa chọn kỹ lưỡng từ các bộ sưu tập của hội viên và của Bảo tàng.

Cổ vật trang sức Óc Eo. Ảnh: GDTĐ

Các hiện vật trưng bày có niên đại từ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.500 năm) tới thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19), trong đó gồm nhiều loại hình như trống đồng, ấm, chuông, thạp, chân đèn, bình, tráp, bát, muôi, chóe...được làm từ nhiều chất liệu như đồng, gốm.

Đặc biệt, trong đó có một bộ sưu tập đồ trang sức vàng từ thời chúa Nguyễn, gồm vòng tay bằng vàng cẩn phalê; trâm hình phượng bằng vàng chạm; trâm vàng, bạc chạm...Số trang sức này được chế tác rất tinh xảo, thể hiện nét tài hoa của người thợ thủ công Việt Nam thời kỳ đó.

Các hiện vật trang sức bằng vàng được sưu tập 5 năm trước và đây là lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu tới công chúng Thủ đô.

Các hiện vật quý giá được trưng bày trong chuyên đề "Cổ vật Việt Nam" góp phần giới thiệu tới công chúng trong nước, bạn bè quốc tế những nét tinh hoa, giá trị lịch sử cũng như văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Trưng bày "Cổ vật Việt Nam" sẽ kết thúc vào ngày 25.8.

Phòng trưng bày Óc Eo- Phù Nam được thực hiện trên cơ sở dự án cải tạo, nâng cấp trưng bày văn hóa Óc Eo- Phù Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, triển khai từ năm 2010.

Quá trình cải tạo sửa chữa, nâng cấp nội thất, kiến trúc... liên hoàn với các phần trưng bày khác trong bảo tàng, phòng trưng bày Óc Eo- Phù Nam đã trở thành phòng trưng bày sang trọng, hiện đại, đảm bảo tính thống nhất trong tổng thể trưng bày thường trực của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trưng bày tại đây có sự phối hợp của Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Phòng trưng bày Óc Eo-Phù Nam trưng bày hơn 100 cổ vật quý của nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên cơ sở tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu trước Công nguyên, cách ngày nay khoảng 2000 năm ở khi vực đồng bằng Nam Bộ.

Hiện vật trưng bày gồm nhiều chất liệu như gốm, kim loại quý, gỗ, đá và một số bằng đồng.

Vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung được tìm thấy là các di vật chủ yếu trong kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo.

Các hiện vật quý như vàng, đá mã não, thạch anh, thủy tinh... được chế tác thành vòng, nhẫn, khuyên tai, dây chuyền, hạt chuỗi với nhiều kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng khác nhau.

Đáng chú ý là các lá vàng dập nổi hình mặt người, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ... Các hiện vật được trưng bày được tìm thấy trong nhiều di tích va rải rác khắp vùng Nam Bộ.

Thông qua phòng trưng bày Óc Eo- Phù Nam, Ban tổ chức mong muốn công chúng trong nước, quốc tế hình dung được những đặc trưng cơ bản về văn hóa Óc Eo khoảng 10 thế kỷ đầu trước Công nguyên, hiểu thêm về lịch sử Việt Nam qua công sức lao động, trình độ chế tác của người xưa thể hiện trên các hiện vật. Qua đó, giúp công chúng thêm trân trọng, có ý thức tốt hơn trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc...

Theo Vietnam+
danviet.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4235

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác

Chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm tại Bảo tàng Lịch sử

Chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm tại Bảo tàng Lịch sử

  • 26/07/2012 10:23
  • 3907

Sáng 25/7, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Tràng Tiền, Hà Nội), đã khai mạc triển lãm chuyên đề "Cổ vật Việt Nam" với sự xuất hiện của nhiều cổ vật quý giá.