Sáng 25/7, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Tràng Tiền, Hà Nội), đã khai mạc triển lãm chuyên đề "Cổ vật Việt Nam" với sự xuất hiện của nhiều cổ vật quý giá.
Trong những năm gần đây, nhiều Hội sưu tầm cổ vật đã được thành lập ở nhiều địa phương nhằm mục đích mở ra sân chơi hợp pháp cho các cá nhân đam mê cổ vật, đồng thời là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của phong trào xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Tràng Tiền, Hà Nội) đã phối hợp cùng Hội Cổ vật Thăng Long – Hà Nội và các nhà sưu tầm cổ vật tâm huyết để tổ chức triển lãm trưng bày chuyên đề mang tên ‘Cổ vật Việt Nam’.
Sáng nay (25/7), triển lãm đã khai mạc tại Bảo tàng với sự tham gia của nhiều người quan tâm và đam mê cổ vật.
Hơn 50 cổ vật đặc sắc, đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu, được lựa chọn kỹ lưỡng từ các bộ sưu tập của các hội viên trong Hội Cổ vật Thăng Long – Hà Nội và cổ vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có niên đại từ văn hóa Đông Sơn (2.500 – 2.000 năm cách ngày nay) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX) được giới thiệu trên diện tích trưng bày rộng rãi của Bảo tàng.
Những người tới tham dự triển lãm tỏ ra rất thích thú và bất ngờ trước nhiều cổ vật lạ mắt lần đầu tiên được thấy.
|
Dao găm, giáo, và muôi làm bằng đồng, của các nhà sưu tập tại Hà Nội - Nguyễn Bằng Giang, Vũ Anh Tuấn, Trần Quốc Bình Đài thờ làm bằng vàng của triều Nguyễn, nằm trong bộ sưu tập cổ vật quý hiếm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
|
Chân đèn hình người cưỡi thú làm bằng đồng, nằm trong bộ sưu tập của Trần Quốc Bình (Hà Nội) |
|
Ấm gốm men lam xám thời Mạc (thế kỷ 16), nằm trong bộ sưu tập của Đào Danh Trung (Hà Nội) |
|
Trống đồng văn hóa Đông Sơn, nằm trong bộ sưu tập của Mai Xuân Trường (Hà Nội) |
Trong các bộ sưu tập được trưng bày, có một cổ vật gây chú ý đặc biệt với nhiều người, đó là tấm bản đồ Trung Quốc của tiến sỹ Mai Hồng. Tấm bản đồ có tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” ” (tức Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) được nhà xuất bản Thượng Hải in vào năm Giáp Thìn 1904. Trên bản đồ có ghi rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.
|
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do tiến sỹ Mai Hồng tặng lại cho Bảo tàng, trên bản đồ có ghi rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa |
Tại triển lãm chuyên đề này, Bảo tàng cũng giới thiệu tới mọi người cả phòng trưng bày mới của Bảo tàng có tên gọi: Phòng trưng bày Óc Eo – Phù Nam nhằm lưu giữ những cổ vật của tộc người Óc Eo tại Việt Nam.
Tại đây, các cổ vật nhóm tượng thờ Phật giáo và Hindu giáo bằng đá, bằng gỗ, một số ít bằng đồng của người Óc Eo đã được tìm thấy rải rác trên khắp vùng Nam Bộ nước ta cũng đã được lưu giữ tại đây.
|
Nhiều cổ vật tượng Phật giáo và Hindu giáo được trưng bày tại đây |
|
Tượng phật bằng gỗ (thế kỷ IV-VI) |
|
Tượng thần Vishnu bằng đá (thế kỷ XII - XIII) |
|
Tượng Phật bằng đá (Thế kỳ VI - VII) |
Nhiều những di sản quý hiếm khác của người Óc Eo ở nước ta cũng được tìm thấy và lưu giữ trong phòng trưng bày mới này.
|
Chân đồng bằng đồng, hình người (thế kỷ IV - VI) |
|
Tiền bằng kim loại (thế kỷ III - VIII) |
|
Họa tiết trên cửa, bằng đá (thế kỷ VII) |
Có thể nói, sự kiện chuyên đề này thực sự mang ý nghĩa lớn, nhằm khẳng định rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử nước ta. Những cổ vật quý báu được trưng bày cũng chính là nguồn tư liệu và di sản quý giá phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phát triển văn hóa truyền thống và lịch sử yêu nước của dân tộc./.