Vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên, một tuyến giao thương đường biển kết nối phương Đông với phương Tây đã được thiết lập.
Khởi thủy, tuyến đường giao thương trên biển nối từ vùng cửa Sông Hồng, Vịnh Bắc bộ chạy dọc theo bờ biển Việt Nam trên Biển Đông, đi qua Vịnh Thái Lan, Eo biển Malacca, Sri Lanka, Ấn Độ tới Vịnh Ba Tư và Biển Đỏ. Từ các cảng trên Biển Đỏ, hàng hoá được vận chuyển dọc theo sông Nile để đến Alexandria và sau đó tiếp tục đến Rome, Constantinople và các cảng khác xung quang bờ Địa Trung Hải. Sản phẩm giao thương giai đoạn này chủ yếu là các loại gia vị. Theo quá trình phát triển, điểm cực đông của con đường tơ lụa trên biển dần phát triển lên một số cảng phía Nam Trung Quốc như Hợp Phố, Từ Văn, Tuyền Châu, Phúc Châu, Ninh Ba…, đồng thời hàng hóa giao thương cũng mở rộng sang nhiều loại sản phẩm khác như tơ lụa, gốm sứ… Tuyến đường huyền thoại này không đơn thuần chỉ là con đường thông thương buôn bán của các thương gia mà còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn.
Việt Nam một quốc gia nằm bên bờ Biển Đông, có đường bờ biển dài, vùng biển rộng với hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa cùng hàng ngàn các hòn đảo lớn nhỏ. Ngay từ buổi đầu, biển đóng vai trò to lớn đối với cuộc sống của con người Việt, nó không chỉ là nơi cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào mà còn là cầu nối văn minh với thế giới bên ngoài. Ở một vị trí địa lý hết sức thuận lợi, là ngã tư tuyến đường huyết mạch về giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế giữa phương Đông với phương Tây, giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, giữa Châu Á với Châu Âu và Đông, Bắc Phi, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó Việt Nam là một điểm đến lý tưởng trong hành trình này, các cảng biển trải dài từ Bắc chí Nam đã chứng minh cho điều đó như: Cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hội An (Quảng Nam), Thị Nại (Bình Định), Gia Định (TP Hồ Chí Minh), Hà Tiên (Kiên Giang)…
Để chúng ta có thể hiểu hơn về vai trò, vị trí của Biển Đông; các thành phố và thương cảng cổ Việt Nam trong lịch sử cũng như mối giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa Việt Nam với các nền văn minh dọc theo con đường thương mại trên biển. Đồng thời quảng bá rộng rãi tới đông đảo công chúng về lịch sử khám phá, khai thác kinh tế biển và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhân dân Việt Nam.
Xuất phát từ nhu cầu thiết thực đó Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp cùng với Ủy ban Biên giới quốc gia, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa, Bảo tàng Hưng Yên, Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ngãi, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu, Bảo tàng Cà Mau, …. trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Biển Việt Nam.
Hiện vật phục vụ cho trưng bày rất đa dạng bao gồm như: bản đồ khảo cổ học các thương cảng Việt Nam, Bản đồ con đường gia vị thời cổ đại,...; hiện vật với các chất liệu gốm, đồng, thủy tinh…của các quốc gia thu được trong các cuộc khai quật; các tài liệu trong và ngoài nước có giá trị lịch sử cao liên quan đến hoạt động giao thương và chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trưng bày tập trung vào 3 giai đoạn:
- Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ Tiền sử đến thế kỷ X;
- Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII;
- Từ thế kỷ XIX đến hiện đại.
Trưng bày được khai mạc đúng dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác (19/5/2012) và chào mừng ngày Quốc tế bảo tàng (18/5/2012). Thời gian dự kiến: từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2012, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia xin trân trọng giới thiệu.
Thu Nhuần