Thứ Năm, 20/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/02/2025 10:16 1376
Điểm: 3/5 (4 đánh giá)
Các nhà khoa học đã phát hiện một loài khủng long mới có niên đại 230 triệu năm tuổi tại Bắc Mỹ, cùng thời với những loài khủng long lâu đời nhất ở Nam Bán cầu. Phát hiện này đã thay đổi niềm tin trước đây của giới khoa học khi cho rằng khủng long có nguồn gốc ở Nam Bán cầu trước khi di cư về phía Bắc.

 

Khủng long Ahvaytum bahndooivechecó kích thước bằng một con gà. Ảnh: Gabriel Ugueto
Hơn 200 triệu năm trước, các khối đất liền của Trái đất đều nối liền với nhau, tạo thành một siêu lục địa khổng lồ gọi là Pangea. Theo thời gian, Pangea bắt đầu tách ra, tạo thành Laurasia ở phía Bắc và Gondwana ở phía Nam.
Laurasia và Gondwana tách rời nhau dẫn đến sự hình thành Đại Tây Dương, cũng như mở rộng khoảng cách giữa Bắc Mỹ và châu Âu. Sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo cũng ảnh hưởng đến khí hậu và hệ sinh thái toàn cầu, tạo tiền đề cho sự phát triển của nhiều sinh vật trong hàng triệu năm sau đó, bao gồm khủng long.
Niềm tin phổ biến nhất là khủng long xuất hiện đầu tiên ở Gondwana, phần phía Nam của siêu lục địa cổ đại Pangea. Người ta cho rằng sự tồn tại của chúng chỉ giới hạn ở Gondwana trong hàng triệu năm trước khi dần lan rộng đến Laurasia, phần phía Bắc của lục địa Pangea. Tuy nhiên, một khám phá đáng chú ý tại Wyoming (Mỹ) đã thay đổi nhận thức này.
Khủng long lâu đời nhất ở Bắc Mỹ
Năm 2013, nhóm nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) đã phát hiện những tàn tích hóa thạch ở hệ tầng địa chất Popo Agie, một khu vực gần đường xích đạo thuộc vùng đất Laurasia cổ đại.
Sau nhiều năm phân tích tỉ mỉ, các nhà nghiên cứu xác định những hóa thạch này thuộc về một loài khủng long mới mang tên Ahvaytum bahndooiveche. Chúng sống trên Trái đất trong kỷ Trias, và là loài khủng long lâu đời nhất được biết đến tại Laurasia. Hóa thạch có niên đại tương đương với những loài khủng long đầu tiên sống ở Gondwana. Phát hiện mới thách thức quan điểm trước đây cho rằng khủng long chỉ phát triển mạnh ở phần phía Nam của siêu lục địa cổ đại Pangea vào thời điểm đó.
“Những hóa thạch này cho thấy đây là khủng long cổ xưa nhất từng được tìm thấy ở khu vực phía Bắc đường xích đạo – đồng thời cũng là khủng long lâu đời nhất ở Bắc Mỹ”, Dave Lovelace, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Bảo tàng Địa chất UW, nhận định.
Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả của mình trên tạp chí Zoological Journal of the Linnean Society vào tháng 1/2025.
Mặc dù nhóm nghiên cứu không tìm thấy hóa thạch hoàn chỉnh, nhưng họ đã thu thập đủ phần xương chân để xác nhận Ahvaytum bahndooiveche là loài khủng long có họ hàng gần với sauropod – một nhóm khủng long ăn cỏ bao gồm một số loài khổng lồ nổi tiếng như titanosaurs. Tuy nhiên, Ahvaytum bahndooiveche có kích thước nhỏ hơn rất nhiều.
“Nó chỉ có kích thước tương đương một con gà nhưng có đuôi rất dài”, Lovelace cho biết. “Chúng ta thường nghĩ khủng long là những sinh vật khổng lồ, nhưng ban đầu chúng không hề to lớn như vậy”.
Trên thực tế, một cá thể Ahvaytum bahndooiveche trưởng thành chỉ cao khoảng 30cm và dài khoảng 90cm từ đầu đến đuôi. Mặc dù các nhà khoa học không tìm thấy hóa thạch đầu của chúng, nhưng họ nhận định nhiều khả năng đây là loài khủng long ăn tạp.
Tác động của biến đổi khí hậu
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện những hóa thạch ít ỏi của khủng long Ahvaytum bahndooiveche trong lớp đất đá nằm ngay phía trên hóa thạch của một loài lưỡng cư mới được mô tả gần đây. Điều đó cho thấy Ahvaytum bahndooiveche đã sống ở Laurasia trong một giai đoạn biến đổi khí hậu mạnh mẽ, gọi là sự kiện mưa Carnian. Giai đoạn này đã góp phần thúc đẩy sự đa dạng hóa nhanh chóng của các loài khủng long và mở rộng phạm vi sống của chúng.
Khí hậu trong sự kiện mưa Carnian, kéo dài từ khoảng 234 đến 232 triệu năm trước, ẩm ướt hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đó, biến đổi những vùng đất sa mạc nóng bỏng rộng lớn thành môi trường sống thuận lợi hơn cho khủng long thời kỳ đầu.
Khí hậu khắc nghiệt là nguyên nhân chính khiến số lượng hóa thạch khủng long trong giai đoạn này rất ít. Nhóm nghiên cứu cho rằng điều kiện môi trường có thể đã gây khó khăn trong việc bảo tồn hóa thạch khủng long, thay vì do sự vắng mặt thực sự của các loài này, trong đó bao gồm Ahvaytum bahndooiveche.
 
Siêu lục địa cổ đại Pangea. Ảnh: LiveScience
Dựa trên phương pháp xác định tuổi của xương hóa thạch bằng đồng vị phóng xạ, Lovelace và các cộng sự xác nhận loài khủng long Ahvaytum bahndooiveche sống ở Bắc Bán cầu khoảng 230 triệu năm trước.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy dấu chân giống khủng long trong các lớp đá lâu đời hơn một chút. Điều đó cho thấy khủng long hoặc họ hàng của chúng đã có mặt ở khu vực này vài triệu năm trước khi Ahvaytum bahndooiveche xuất hiện.
“Chúng tôi đang dần hoàn thiện mảnh ghép về lịch sử của khủng long, và chúng tôi phát hiện những giả thuyết liên quan đến khủng long mà chúng ta tin tưởng bấy lâu nay không hoàn toàn chính xác,” Lovelace nói. “Giờ đây, chúng tôi có bằng chứng cho thấy khủng long đã xuất hiện ở Bắc Bán cầu sớm hơn nhiều so với suy đoán trước đây”.
Tôn vinh di sản bản địa
Trong khi nhóm nghiên cứu tự tin rằng họ đã khám phá ra loài khủng long lâu đời nhất ở Bắc Mỹ, Ahvaytum bahndooiveche cũng là loài khủng long đầu tiên được đặt tên theo ngôn ngữ của Bộ tộc Shoshone phía Đông (Eastern Shoshone), những người có tổ tiên từng sống tại khu vực khai quật hóa thạch. Họ đã trực tiếp tham gia vào quá trình khai quật và đặt tên cho loài khủng long mới. Tên gọi Ahvaytum bahndooiveche có nghĩa là “khủng long từ thời xa xưa” trong ngôn ngữ của người Shoshone.
Một số thành viên của bộ tộc đã hợp tác tích cực với Lovelace và đồng nghiệp của ông trong quá trình nghiên cứu để đảm bảo các phương pháp khảo sát không ảnh hưởng đến di sản văn hóa và tôn trọng tri thức của người bản địa.
“Thông thường, quá trình nghiên cứu ở các cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng bản địa, chỉ mang lại lợi ích cho các nhà khoa học”, Amanda LeClair-Diaz, đồng tác giả nghiên cứu và là thành viên của bộ tộc Shoshone, nhận định. “Công trình của chúng tôi với tiến sĩ Lovelace đã phá vỡ lối mòn này, tạo ra cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi, đảm bảo cộng đồng bản địa không chỉ là đối tượng nghiên cứu mà còn có tiếng nói, đóng góp vào quá trình nghiên cứu”.
Nguồn: Scitechdaily, Earth, Sciencealert

https://khoahocphattrien.vn

Chia sẻ: