Trong một xưởng ướp xác 2.500 năm tuổi ở Ai Cập, các nhà khảo cổ tìm thấy những chiếc bình đựng nguyên liệu, chứa các chất chiết xuất từ thực vật và động vật đã được sử dụng để ướp xác.
Trước đây, những hiểu biết về quá trình ướp xác đến từ 2 nguồn chính, văn bản lịch sử và phân tích hóa học trên chính các xác ướp. Và các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc liên kết thông tin giữa 2 nguồn này. “Chúng ta có thể biết tên gọi của một thành phần trên văn bản, nhưng không biết trong thực tế nó là cái gì, ngoài gợi ý từ những chữ tượng hình rằng đó có thể là một loại dầu hoặc một loại nhựa", Salima Ikram, nhà khảo cổ học và chuyên gia xác ướp tại Đại học Mỹ ở Cairo, giải thích.
Tranh minh họa quá trình ướp xác.
Khó khăn này đã được tháo gỡ từ việc phát hiện một xưởng ướp xác dưới lòng đất vào năm 2016 tại Saqqara, khu chôn cất ở Ai Cập từ năm 2900 trước Công nguyên hoặc sớm hơn.
Các tác giả của nghiên cứu mới cho biết địa điểm này cũng bao gồm các phòng chôn cất và có khả năng các thành viên ưu tú của xã hội được chôn cất ở đó. Bên trong xưởng ướp xác, các nhà khảo cổ học phát hiện hàng chục bình gốm chứa nguyên liệu phục vụ quá trình ướp xác, nhiều bình được dán nhãn ghi thành phần và công dụng. Nhờ đó, lần đầu tiên tên của các chất dùng để ướp xác được tiết lộ và kèm theo mẫu vật.
Để xác định các chất trong bình, một nhóm nhà nghiên cứu từ Ai Cập và Đức đã sử dụng kỹ thuật sắc ký khí – quang phổ khối, hay GC/MS, tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia ở Giza, Ai Cập. Phần sắc ký khí (GC) dùng để phân tích hỗn hợp các chất và tìm ra các chất cần phân tích, phần khối phổ (MS) mô tả các hợp phần riêng lẻ.
Kết quả, các chất trong các bình gồm chiết xuất từ cây bách xù, cây bách và cây tuyết tùng mọc ở khu vực phía đông Địa Trung Hải. Các thành phần đáng ngạc nhiên nhất là một loại nhựa gọi là elemi, lấy từ cây trám mọc trong rừng nhiệt đới ở Châu Á và Châu Phi; và một loại nhựa khác gọi là dammar đến từ cây Shorea trong các khu rừng nhiệt đới ở miền nam Ấn Độ, Sri Lanka và Đông Nam Á. Ngoài ra còn có nhựa từ Biển Chết, mỡ động vật và sáp ong - các chất này có thể có nguồn gốc địa phương.
Các bình tìm thấy ở Saqqara.
“Ai Cập nghèo tài nguyên về nhựa, vì vậy nhiều chất được mua từ những vùng đất xa xôi", Carl Heron, nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Anh ở London, cho biết. Mạng lưới thương mại cổ xưa kết nối Ấn Độ và Đông Nam Á với khu vực Địa Trung Hải.
Nhưng không rõ bằng cách nào những người làm công việc ướp xác ở Ai Cập cổ đã biết đến những thành phần nhựa này, Ikram nói.
Các tác giả cho biết những người ướp xác có hiểu biết sâu sắc về các đặc tính của nguyên liệu thô. Các bình chứa hỗn hợp phức tạp gồm nhiều thành phần, trong một số trường hợp, đã được đun nóng hoặc chưng cất phù hợp với đặc tính của nguyên liệu. Người Ai Cập đã biết nhiều loại nhựa có đặc tính kháng khuẩn, một bát chứa elemi và mỡ động vật được ghi “để tạo mùi dễ chịu”, hoặc các đặc tính giúp kéo dài quá trình bảo quản.
“Kiến thức của họ về những chất này thật đáng kinh ngạc", theo Maxime Rageot, nhà khảo cổ phân tử sinh học tại Đại học Tübingen ở Đức, đồng tác giả của nghiên cứu. Các nghiên cứu hóa học cho thấy càng về sau, các công thức ướp xác càng trở nên phức tạp hơn, Rageot lưu ý. Và câu hỏi mở là người Ai Cập cổ đại đã phát triển các quy trình và công thức ướp xác như thế nào, tại sao họ chọn những thành phần này vì những thành phần khác.
Hoàng Phương tổng hợp