Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/09/2022 09:48 1164
Điểm: 1/5 (1 đánh giá)
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy những dấu vết của con tàu Sáp Ong bí ẩn ở ngoài khơi vùng biển Oregon.

 

Các nhà khảo cổ học, tình nguyện viên, đội cứu hộ đã thực hiện công việc thu hồi khẩn cấp những khúc gỗ từ con tàu đắm. Chúng được cho là thuộc về Santo Cristo de Burgos, một con tàu chở hàng của Tây Ban Nha đã biến mất trên đường từ Philippines đến Mexico vào năm 1693. Ảnh: Balazs Gardi / National Geographic
Vào tháng 7 năm 1693, Santo Cristo de Burgos, một con tàu lớn của Tây Ban Nha – chất đầy những sản vật quý giá như lụa, đồ sứ và sáp ong – khởi hành từ Philippines. Con tàu dự định sẽ đến Acapulco, Mexico, nhưng rồi nó chệch hướng và biến mất.
Suốt 300 năm qua, dọc theo bờ biển mà ngày nay là phía Bắc Oregon, số phận con tàu trở thành một bí ẩn lớn không lời giải đáp. Những mảnh sành sứ có màu trắng và màu xanh, sáp ong mang dấu hiệu Tây Ban Nha từ lâu đã dạt vào bờ biển, như thể dẫn dụ những người đi biển và các nhà nghiên cứu rằng có một con tàu đắm ở đâu đây.
Vào tháng Sáu năm nay, một nhóm các nhà khảo cổ học hàng hải đã cật lực thu hồi hơn một chục khúc gỗ từ các hang động dọc bờ biển mà các nhà nghiên cứu cho rằng đây gần như chắc chắn là mảnh vỡ của con tàu đã biến mất. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên tàn tích của một con tàu lớn ở Manila được tìm thấy ở Bắc Mỹ. National Geographic đã đăng tải về phát hiện mới này vào ngày 16 tháng 6.
“Con tàu được đóng vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang đi lên”, Jim P. Delgado, phó chủ tịch cấp cao của SEARCH Inc. , một công ty quản lý tài nguyên văn hóa phụ trách nhiệm vụ điều phối công việc thu hồi khúc gỗ cho biết. “Đó là sự khởi đầu của thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống ngày nay.”
Các nhà khảo cổ học nhận định rằng đây là một phát hiện đáng chú ý. Sự va đập của sóng và sự thay đổi thủy triều bên trong một hang động biển không phải là điều kiện lý tưởng để bảo quản gỗ. Nhưng thật tình cờ, nước ngoài khơi bờ biển Oregon lại ít muối hơn các vùng khác của Thái Bình Dương, và gỗ bị chôn vùi dưới một lớp trầm tích từ một trận sóng thần tấn công bờ biển sau vụ động đất vào năm 1700. Những điều kiện này khiến gỗ vẫn giữ được hình dạng như ban đầu.
Những nỗ lực phục hồi đầu tiên bắt đầu vào năm 2006, khi Scott Williams, một nhà khảo cổ học thuộc Bộ Giao thông Vận tải bang Washington, tình cờ nghe được câu chuyện về con tàu bí ẩn (nó được gọi là tàu Sáp Ong vì chưa xác định được cụ thể đây là tàu nào) từ hai người bạn của mình. Sự hứng thú của ông Williams dành cho con tàu đã khiến ông và các nhà nghiên cứu khác thành lập Hiệp hội Khảo cổ Hàng hải. Nhóm đã tiến hành nghiên cứu các mảnh vỡ sành sứ và những khối sáp ong mà người dân thu được từ bờ biển trong suốt nhiều thập kỷ, họ xác định rằng đây là sứ Trung Hoa và sáp ong có đánh dấu Tây Ban Nha. Nhóm đưa ra kết luận, con tàu bị đắm này chính là một trong hai con tàu ở Manila bị mất tích: Santo Cristo de Burgos, bị mất tích vào năm 1693, hay San Francisco Xavier, biến mất vào năm 1705.
 
Các mảnh sứ Trung Hoa từ thời Khang Hy (1661-1722) dạt vào bờ biển. Ảnh: Balazs Gardi / National Geographic
Ban đầu, các nhà khảo cổ tin rằng đó chính là San Francisco Xavier. Vì sao không phải là Santo Cristo de Burgos? Họ lập luận rằng vào năm 1700, một trận động đất mạnh 9,0 độ Richter xảy ra ở Bờ Tây, gây ra một trận sóng thần khổng lồ có thể phá hủy bất cứ thứ gì trên đường đi của nó – bao gồm bất kỳ dấu vết nào còn sót lại của Santo Cristo de Burgos.
Tuy nhiên, một nghiên cứu địa chất sau đó đã xác định rằng khu vực họ đang tìm kiếm, nơi sông Nehalem đổ ra Thái Bình Dương, nằm trong lớp trầm tích do sóng thần để lại, có nghĩa là con tàu phải ở đó từ trước khi sóng thần ập đến. San Francisco Xavier đã bị loại trừ.
Nhưng có một vấn đề ở đây: Nhiều ghi chép cho rằng Santo Cristo de Burgos bốc cháy giữa đại dương. Hiệp hội Khảo cổ học Hàng hải đã quyên góp tiền để tiến hành tìm kiếm tài liệu trong các kho lưu trữ hải quân của Tây Ban Nha, kết quả cho thấy con tàu đã biến mất không dấu vết.
Điều này khơi gợi cho các nhà nghiên cứu một linh cảm rằng các mảnh vỡ của con tàu vẫn còn ở đâu đó ngoài khơi. Kể từ năm 2012, cả nhóm đã thuê người lặn xuống, sử dụng thiết bị dò tìm sonar (hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm) và thiết bị dò tìm dưới nước với mong muốn tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của xác tàu.
Chiến dịch tìm kiếm
Bước ngoặt đã đến khi một ngư dân trong vùng tên là Craig Andes xuất hiện. Con tàu đắm Sáp Ong này đã truyền cảm hứng để đạo diễn Steven Spielberg thực hiện “The Goonies” (1985), bộ phim kể về một đám trẻ tìm kiếm kho báu trong một con tàu cướp biển thế kỷ 17 ở bờ biển Oregon. Đó là một trong những bộ phim yêu thích của ông Andes, vì vậy khi chuyển đến Oregon, ông đã bị ám ảnh bởi ý tưởng tìm kho báu giống như những đứa trẻ trong phim. Vì lẽ đó, ông Andes đã vô cùng thích thú khi biết có một xác tàu đắm ở quanh đây, ông quyết định sẽ tìm hiểu về nó.
Khi ông Andes, giờ đây đã 49 tuổi, biết rằng Hiệp hội Khảo cổ học Hàng hải đang tìm kiếm xác tàu, ông liền liên lạc với ông Williams và hai người bắt đầu trao đổi thông tin với nhau.
Vào cuối năm 2019, khi ông Andes đang đi bộ dọc theo bãi đá, bỗng có một thứ đập vào mắt ông: những thanh gỗ nhô ra khỏi mặt nước, mắc kẹt trong một hang động. Nó trông không giống như thân cây trôi dạt.
Quá phấn khích, ông Andes gọi điện cho ông Williams, nhưng ông Williams có vẻ nghi ngờ. “Tôi nói với anh ấy, ‘Nó không thể là một phần của con tàu đắm Sáp Ong; gỗ không bảo quản được quá 300 năm nếu nó trôi trong vùng có thuỷ triều,” ông Williams nhớ lại.
Nhưng ông Andes vẫn khăng khăng tin rằng suy đoán của mình là đúng. Hai người lấy một mảnh gỗ nhỏ và gửi đến phòng thí nghiệm để chấm dứt cuộc tranh luận. Phòng thí nghiệm xác định rằng gỗ này là loại gỗ cứng nhiệt đới từ châu Á hoặc Nam Mỹ – đây không phải là thân cây trôi dạt thông thường. Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy nó có thể đã gần 300 năm tuổi.
Cả nhóm vui mừng và ấp ủ một kế hoạch để thu hồi những khúc gỗ. Điều này sẽ không dễ dàng, vì gỗ bị mắc kẹt bên trong các hang động biển nguy hiểm thuộc Công viên Bang Oregon. Họ cần phải xin giấy phép để tiếp cận các hang động.
Hiệp hội Khảo cổ học Hàng hải đã mời ông Delgado và công ty của ông đến điều phối việc tìm kiếm. National Geographic Society sẽ tham gia tài trợ một phần cho dự án.
Sau hai năm lên kế hoạch – đại dịch coronavirus đã trì hoãn mọi thứ – khoảng hai chục người được bố trí rải rác dọc theo bờ biển vào lúc mặt trời mọc vào ngày 13 tháng 6, bên cạnh đó các nhà quản lý công viên và các cơ quan khác nhau cũng đến tham gia hỗ trợ chiến dịch. Nhóm nghiên cứu sẽ có khoảng 90 phút để hoàn thành nhiệm vụ đã được lên kế hoạch chi tiết – trước khi thủy triều dâng lên quá cao khiến họ khó tiếp cận hang động.
Đầu tiên, sẽ mất tới 30 phút để đi qua những tảng đá khổng lồ được phủ bởi lớp tảo bẹ trơn bóng, nhà khảo cổ học Stacy Scott, người đã giúp lên kế hoạch tìm kiếm, cho biết.
Một khi các thành viên trong nhóm đến được hang động, họ phải lưu ý không để sóng đánh bản thân đập vào đá. Sau đó, cả nhóm phải cẩn thận phân loại các khúc gỗ, khúc lớn nhất dài 7,5 feet và nặng hơn 300 pound. Cách duy nhất để lấy nó ra là quấn áo phao quanh nó thả trôi về phía mô tô nước – nơi có một đội lính cứu hỏa đang chờ, cả đội sau đó sẽ đặt nó lên một tấm ván để kéo vào bờ.
“Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra mảnh ghét còn thiếu”, bà Scott chia sẻ. “Tôi cảm thấy như mình đã tham gia vào một sự kiện quan trọng – sự kiện truyền cảm hứng cho một trong những bộ phim yêu thích thời thơ ấu của tôi.”
 
Nhà khảo cổ học hàng hải James Delgado (bên trái) và ông Craig Andes (bên phải) xem xét một trong những khúc gỗ được lấy ra từ hang động. Ảnh: Katie Frankowicz / KMUN
16 khúc gỗ, với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, đã được đưa đến Bảo tàng Hàng hải Sông Columbia ở Astoria, Ore. Các nhà khoa học sẽ làm khô chúng và áp dụng những phương pháp bảo quản phù hợp. Quá trình thí nghiệm sau đó sẽ giúp xác định được loại gỗ, và các nhà khảo cổ hy vọng các chuyên gia sẽ xác định được nơi những khúc gỗ này được khai thác.
Tất nhiên, cũng có thể những khúc gỗ này là một phần của con tàu đắm khác. Nhưng ông Williams nói rằng ông không nghi ngờ gì về việc ông và nhóm của mình đã đưa được những mảnh vỡ đầu tiên của xác tàu Sáp Ong huyền thoại ra ánh sáng. “Một khúc gỗ cứng từ vùng nhiệt đới châu Á từ 300 năm trước – với các cạnh vuông và lỗ hổng nhỏ – đã trôi dạt vào bờ biển”, ông nói. “Chúng tôi tin rằng đây là một phần của con tàu Sáp Ong.”

Hà Trang tổng hợp

Nguồn:
https://tiasang.com.vn

Chia sẻ: