Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/06/2022 10:13 1735
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chưa có một công trình nào tìm hiểu toàn diện về lịch sử khoa học Việt Nam và trong quy hoạch của nhà nước về hệ thống bảo tàng cũng chưa đề cập đến việc xây dựng một bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam. Vậy chúng ta có thể làm gì để lấp đi khoảng trống đó?

Bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam đến nay đã trở thành một nhu cầu của xã hội. Bởi khoa học là một phần lịch sử của đất nước. Lịch sử phát triển khoa học cần được ghi nhận; không có bảo tàng thì các tài liệu, hiện vật liên quan đến khoa học và các nhà khoa học trong khoảng 90-100 năm trở lại đây sẽ không được gìn giữ, cả ký ức và kinh nghiệm của các nhà khoa học cũng sẽ mất đi theo năm tháng. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ di sản khoa học, di sản văn hóa thuộc về khoa học và các nhà khoa học như những tài sản của quốc gia mà còn là nơi trưng bày về các thành tựu khoa học của Việt Nam qua các giai đoạn, thời kỳ. Những câu chuyện làm khoa học, vượt khó và thành công của các nhà khoa học, để tạo động lực cho các thế hệ sau, nhất là các thế hệ học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ bước vào sự nghiệp khoa học, hoặc vào cuộc sống mà khoa học là động lực cho sự phát triển.

 
Giới thiệu tại Bảo tàng khoa học.
Đó là lí do Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam (TTDS) quyết tâm sưu tầm tư liệu, xây dựng bảo tàng khoa học đầu tiên ở Việt Nam.
Dữ liệu đa dạng
Trên thực tế, lâu nay, tài liệu của một số nhà khoa học như Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Tụy… đã là đối tượng sưu tầm phục vụ lưu trữ của cơ quan lưu trữ nhà nước. Hầu hết họ đều là những “nhân vật lịch sử, tiêu biểu”1, những người nổi danh và có đóng góp lớn ở các khía cạnh khác nhau trong lịch sử xã hội của đất nước. Trong khi đó, TTDS xác lập phông lưu trữ của các nhà khoa học với tiêu chí nhà khoa học, không kể là người nổi tiếng hay không nổi tiếng; đã là nhà khoa học, dù ít hay nhiều họ đều có đóng góp cho khoa học, họ lại là “nhân chứng trong mắt xích phát triển” của lĩnh vực khoa học ấy. TTDS không chú trọng đến tiêu chí “tiêu biểu” hay “nhân vật lịch sử” mà hướng nhiều hơn đến tính đại diện với tư cách chứng nhân của lịch sử. Với quan niệm như vậy, đối tượng nhà khoa học của TTDS không bị bó hẹp mà có thể mở rộng hết cỡ.
 
TS. Lê Quang Diện (thứ 3 từ trái) cùng đồng nghiệp khảo sát khảo sát các tuyến xây đập trên sông Đà ở khu Trại Nhãn, Hòa Bình, ngày 10/8/1975.
Tất nhiên, việc lựa chọn và ưu tiên nghiên cứu - sưu tầm nhà khoa học nào được xác định trong các chiến lược, phương hướng hoạt động của Trung tâm. Các nhà khoa học lớn tuổi, có nhiều đóng góp đối với khoa học, với xã hội được ưu tiên thực hiện trước. Các nhà khoa học đã mất thường là những người có thâm niên nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khoa học, để lại nhiều công trình, nên cũng nằm trong diện được quan tâm hàng đầu, bởi nếu không khẩn trương thì các tài liệu, hiện vật liên quan đến nhóm nhà khoa học này sẽ mau chóng biến mất. Việc lựa chọn được thực hiện linh hoạt theo từng kế hoạch, chuyên đề nghiên cứu, trưng bày của Trung tâm, nên trong nhiều trường hợp những nhà khoa học trẻ có đóng góp nổi bật hay tiên phong trong một lĩnh vực mới có khi cũng trở thành đối tượng nghiên cứu - sưu tầm ưu tiên.
 
 GS. Tôn Thất Tùng giảng bài cho các sinh viên trường Đại học Y khoa (1947).
Suốt 12 năm kể từ khi thành lập tới nay, Trung tâm đã tiếp cận được gần 2000 nhà khoa học thuộc hầu hết các ngành, lĩnh vực khoa học khác nhau, đồng thời sưu tầm khoảng 800.000 tài liệu hiện vật, thu thập hàng triệu phút ghi âm, ghi hình các câu chuyện kể về cuộc đời của các nhà khoa học Việt Nam. Những ký ức của nhà khoa học trở thành một di sản quan trọng trong lịch sử phát triển của mỗi ngành khoa học. Thông qua việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời một nhà khoa học, có thể nhận biết được nhà khoa học đó đã sinh ra, học hành, trưởng thành trong môi trường văn hóa - xã hội như thế nào; biết được những hoạt động, đóng góp của họ cho khoa học, đất nước; những quan niệm và suy nghĩ của họ về các vấn đề phải đối diện trực tiếp hay gián tiếp; rộng hơn là biết được một phần lịch sử ngành khoa học mà họ theo đuổi.
 
GS. Tôn Thất Tùng trình bày kết quả nghiên cứu 836 người từ chiến trường miền Nam bị rải chất độc tại Bệnh viện Việt-Đức. Ảnh chụp năm 1973.
TTDS không những đặt vấn đề phải nghiên cứu kỹ, hiểu sâu sắc những tài liệu, hiện vật được sưu tầm, lưu giữ, mà còn phải nghiên cứu toàn diện cuộc đời của nhà khoa học; không những phải tìm hiểu những đóng góp, cống hiến của nhà khoa học, mà còn phải đặt nhà khoa học vào đúng bối cảnh xã hội của mình, lý giải vì sao và bằng cách nào nhà khoa học có được những thành tựu đó… Rất nhiều câu hỏi về lịch sử cuộc đời nhà khoa học cần phải nghiên cứu và giải đáp, từ đó dẫn đến xâu chuỗi những mắt xích để hiểu về lịch sử hình thành và phát triển một ngành khoa học lâu đời hay mới mẻ trong đời sống xã hội đầy biến động ở nước ta.
Với một khối lượng tài liệu hiện vật đồ sộ cùng dữ liệu ký ức phong phú đa dạng, Trung tâm hoàn toàn có đủ cơ sở để đề xuất xây dựng một bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam. Trong bảo tàng đó, sẽ từng bước dựng lại tiến trình lịch sử khoa học Việt Nam ở những thời kỳ lịch sử cụ thể, với sự góp mặt, xuất hiện dần các lĩnh vực, chuyên ngành khoa học, đặc biệt thông qua những hoạt động, đóng góp của cá nhân các nhà khoa học Việt Nam.
Thể hiện tiến trình lịch sử các ngành khoa học ở Việt Nam
Thông điệp chính của bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam được chúng tôi xác định là cần làm rõ, làm nổi bật lịch sử hình thành và phát triển các ngành/lĩnh vực khoa học ở Việt Nam, gắn liền với các nhà khoa học và sự đóng góp của họ qua các thời kỳ.
Nhìn lại lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam, nhất là trong gần 80 năm qua, có thể nhận thấy đó là quá trình phát triển dần dần, từng bước, ngày càng mở rộng. Bản đồ các ngành và lĩnh vực khoa học ngày càng hoàn thiện, từ ít đến nhiều ngành/chuyên ngành, từ đơn giản đến đa dạng, từ tổng hợp đến chuyên sâu. Do đó, nội dung bảo tàng thể hiện lịch sử các ngành khoa học Việt Nam bằng cách kết hợp giữa các văn bản đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học… với thành tựu nghiên cứu, các bài báo được công bố, xây dựng chương trình giảng dạy, tài liệu, đồ dùng giảng dạy, thiết bị phòng thí nghiệm, hiện vật của nhà khoa học cũng như những câu chuyện cụ thể liên quan.
Bảo tàng cũng phân loại nguồn gốc đào tạo của các nhà khoa học: thời thuộc địa (trước cách mạng); ở trong nước, ở nước ngoài (Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác; hoặc châu Âu, Mỹ, Nhật, Australia…), theo các giai đoạn/thời kỳ khác nhau để thấy rõ các xu hướng, khuynh hướng phát triển khoa học. Trong quá trình trở thành nhà khoa học, có những người ban đầu hoàn toàn tự học, không bằng cấp, và có những người được đào tạo bài bản, có bằng cấp, học vị, học hàm từ thấp đến cao. Điều đó phản ánh đặc điểm ban đầu của quá trình hình thành và phát triển của nền khoa học Việt Nam.
Chúng tôi lựa chọn phân kỳ theo các giai đoạn trước năm 1945; thời kỳ 1945-1954; thời kỳ 1954-1975; thời kỳ 1975-1990; và từ 1990 đến nay. Với việc có được một bức tranh tổng thể như thế về khoa học Việt Nam, chúng ta có thể nhìn nhận một cách rõ ràng về đặc điểm của từng giai đoạn phát triển và càng trân trọng những gì đã có. Ví dụ thời kỳ trước năm 1945, đặc điểm của các nhà khoa học đều là nhiều người xuất thân trong các gia đình Nho học nhưng chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục Pháp và những thành tựu khoa học của phương Tây. Dù được đào tạo ở trong nước hay ở nước ngoài (chủ yếu ở Pháp), họ đều có lòng yêu nước, hướng về Tổ quốc, trở về quê hương, ra sức hoạt động khoa học, phục vụ khoa học và phục vụ dân sinh, nói lên tiếng nói của người trí thức trong hoàn cảnh mất nước. Bức tranh khoa học Việt Nam ở thời kỳ này tuy còn giản đơn, mới chỉ như những nét chấm phá, nhưng rất quan trọng, có ý nghĩa mở đầu, để rồi các nhà khoa học thế hệ ấy sẽ đóng vai trò xuyên suốt trong những chặng đường tiếp theo của lịch sử khoa học Việt Nam…
Với tư liệu đa dạng ở các giai đoạn và các phân ngành khoa học, bảo tàng khoa học của Trung tâm Di sản các nhà khoa học cũng phần nào phản ánh tiến trình lịch sử các ngành khoa học nước ta. Bảo tàng này là nơi lưu giữ một cách bài bản, khoa học đối với tư liệu vật thể, phi vật thể/ký ức, tiếng nói khoa học, tiếng nói người làm khoa học trong lịch sử nền khoa học hiện đại của Việt Nam.
Bảo tàng này không chỉ là nơi tham quan để hiểu về lịch sử khoa học, về các nhà khoa học, mà còn là nơi để tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học, từ đó tạo niềm cảm hứng trong cuộc sống cho mỗi khách tham quan. Đây cũng là nơi học tập và nghiên cứu, bởi các tư liệu trưng bày cũng là sử liệu giúp những người quan tâm hiểu rõ hơn các vấn đề về lịch sử ngành, hoặc các vấn đề khoa học chuyên sâu. Việc tiếp cận những nguồn tư liệu quý báu đó sẽ góp phần khơi dậy tinh thần khoa học cùng niềm tự tôn khoa học của Việt Nam.

(1) Luật Lưu trữ 2011, điều 2, các khoản 8, 9.

Nguyễn Văn Huy Nguyễn Thanh Hóa (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam)

https://khoahocphattrien.vn

Chia sẻ: