Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/06/2022 09:52 1535
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Người La Mã cổ đại đã có những bước tiến đáng kể trong việc khắc phục các vấn đề về thị lực khi họ phát hiện ra rằng độ dày khác nhau của kính đeo mắt có thể giúp cải thiện khả năng nhìn của người sử dụng.

Kính mắt là công cụ thiết yếu của hàng triệu người có thị lực kém trên toàn thế giới. Hành trình từ việc tạo ra chiếc kính đầu tiên cho đến nhãn khoa hiện đại (kính áp tròng, phẫu thuật khúc xạ LASIK,…) là một chặng đường dài. Chúng ta hãy cùng nhìn lại quá khứ để xem kính mắt đã phát triển như thế nào kể từ thời La Mã cổ đại.

 
Bức bích họa của Tommaso da Modena vẽ vào năm 1352 mô tả một người đang sử dụng kính mắt để đọc sách. Ảnh: Wikipedia
Thấu kính thổi bằng thủy tinh
Người La Mã cổ đại là những nghệ nhân đầu tiên tạo ra kính mắt. Họ biết cách sử dụng một số loại kính có khả năng phóng đại các vật thể.
Những ghi chép sớm nhất về nguồn gốc kính mắt cho thấy Seneca – nhà biên kịch sống từ năm 4 trước Công nguyên đến năm 65 sau Công nguyên – đã sử dụng một quả cầu thủy tinh chứa đầy nước để phóng đại dòng chữ trong sách của mình. Nhiều thập kỷ sau đó, những người thợ thổi thủy tinh ở La Mã bắt đầu chế tạo các loại quả cầu thủy tinh khác nhau có thể làm cho chữ viết lớn hơn và rõ ràng hơn khi họ lăn chúng trên giấy.
 
Trước khi sáng tạo ra kính mắt, người La Mã cổ đại sử dụng những quả cầu thủy tinh để phóng đại chữ viết trong quá trình đọc sách. Ảnh: Ziko van Dijk
Đến thời Trung cổ, các thầy tu đã dùng quả cầu thủy tinh để đọc những văn bản liên quan đến tôn giáo. Cùng với đó, một số người sống ở các thành phố như Pisa, Venice và Florence (Ý) đã gắn quả cầu thủy tinh vào khung có thể đeo trên mắt. Bởi vì tầm nhìn và thị lực của mỗi người sử dụng là khác nhau, các thợ thổi thủy tinh bắt đầu thử nghiệm tạo ra những quả cầu có độ dày riêng biệt nhằm thay đổi khả năng phóng đại của chúng. Họ lắp những thấu kính này vào gọng làm bằng sừng động vật, gỗ hoặc da để đeo ở phía trước mặt hoặc đặt phía trên mũi.
Phần lớn kiến thức của chúng ta về sự phát triển của kính mắt đến từ việc quan sát các bức tranh có niên đại từ thời kỳ Phục Hưng. Ví dụ như một loạt các bức bích họa của họa sĩ Tommaso da Modena vẽ 40 học giả thuộc dòng tu Đô-mi-ních vào năm 1352. Trong số đó, nổi bật nhất là bức tranh vẽ một người đàn ông đang sử dụng kính lúp cầm tay và một bức tranh khác vẽ một người đàn ông sử dụng kính có gọng đeo trên mắt. Đây là những bức tranh lâu đời nhất từng được biết đến mô tả việc sử dụng kính mắt.
Ngoài kính lúp và kính có gọng, đôi khi người ta cũng gắn trực tiếp thấu kính vào dây da hoặc dây kim loại, sau đó quấn dây quanh đầu để cố định vị trí của kính trên khuôn mặt. Khi nhiều loại kính mắt được sản xuất hơn, tay nghề thủ công của các thợ làm kính cũng dần cải thiện. Các thấu kính và gọng kính ngày càng mỏng hơn, nhẹ hơn và thoải mái hơn theo thời gian.
Trong quá trình kính trở nên phổ biến với cộng đồng, các bác sĩ đo thị lực sẽ hợp tác với những người thợ thổi thủy tinh nhằm điều chỉnh thấu kính phù hợp với tình trạng mắt của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, những chiếc kính tùy chỉnh này khá đắt vì tốn nhiều thời gian và công sức để tạo ra chúng, vì vậy chúng thường chỉ dành cho người giàu có.
Điều thú vị là không có bằng chứng về việc phụ nữ sử dụng những chiếc kính mắt trong thời kỳ đầu. Bởi vì các thấu kính khi đó chỉ được dùng chủ yếu vào mục đích phóng đại thay vì nhìn rõ hơn, hầu hết các loại kính mắt đều dành cho những người bị viễn thị, giúp họ có thể đọc sách dễ dàng hơn.
Do đa số phụ nữ không biết chữ trong khoảng thời gian này nên họ không có nhu cầu sử dụng kính mắt. Ngay cả sau khi phụ nữ biết chữ nhiều hơn, giá của mỗi chiếc kính mắt vẫn quá đắt. Chỉ có các học giả tôn giáo, nhà lãnh đạo chính trị hoặc những cá nhân giàu có mới đủ khả năng mua chúng.
Sự cải tiến của kính mắt
Vào thế kỷ 17, các thầy tu Tây Ban Nha và Ý đã mang theo kính mắt trong những chuyến đi truyền giáo và giới thiệu chúng với người dân Trung Quốc cũng như các nước khác ở châu Á. Không lâu sau, người Trung Quốc đã tự chế tạo loại kính mắt của riêng mình. Họ sử dụng dây đeo qua tai có gắn vật nặng để cố định mắt kính trên khuôn mặt của người sử dụng. Đây là một trong những sự phát triển ban đầu của kính mắt bên ngoài châu Âu.
Đến thế kỷ 18, Benjamin Martin – một nhà sản xuất kính mắt nổi tiếng người Anh – đã chế tạo loại kính đeo mắt thế hệ mới có hình dạng tương tự kính đeo mắt ngày nay. Chúng được thiết kế với thấu kính tròn hoàn hảo, có thể giúp bảo vệ mắt tránh khỏi tác hại của ánh sáng chói. Khung kính làm từ vật liệu bạc hoặc thép nên khá bền và chắc chắn.
Vào khoảng thời gian này, công nghệ chế tác thủy tinh đã phát triển đến mức người ta dễ dàng tạo ra thấu kính lõm và thấu kính lồi. Điều này dẫn đến những cải tiến cho kính mắt, giúp những người bị cận thị có thể nhìn ở khoảng cách xa.
Năm 1784, Benjamin Franklin đã thiết kế lại kính mắt để phù hợp với những người có thị lực đặc biệt. Họ không thể nhìn thấy rõ ở khoảng cách xa cũng như ở khoảng cách gần trong khi đọc sách. Thiết kế của Franklin là nền tảng cho sự ra đời của kính hai tròng (thấu kính lõm phía trên giúp mắt nhìn xa tốt hơn và lồi phía dưới để phóng to các chi tiết nhỏ ở khoảng cách gần).
Năm 1825, George Airy chế tạo thấu kính hình trụ giúp cải thiện thị lực cho những người mắc chứng loạn thị.
Khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra vào thế kỷ 19, kính mắt bắt đầu có những cải tiến về mặt thiết kế để gập lại một cách dễ dàng. Từ đó, người sử dụng có thể mang theo kính trong túi nếu họ không muốn đeo chúng mọi lúc. Sự ra đời của nhiều loại máy móc đã giúp con người sản xuất hàng loạt gọng kính và tròng kính, từ đó kính mắt trở nên dễ tiếp cận đối với cả những người dân lao động bình thường.
Thêm vào đó, người ta cũng bắt đầu cân nhắc đến các yếu tố làm cho kính mắt thời trang hơn, ví dụ như hình dạng, màu sắc của gọng kính và mắt kính. Điều này dẫn đến sự phát triển của kính râm vào đầu những năm 1900. Đây là loại kính có khả năng bảo vệ mắt tránh khỏi tác hại của ánh nắng Mặt trời, cũng như giúp che giấu cảm xúc [thông qua ánh mắt] của người sử dụng.

 Theo Ancient Origins

Quốc Hùng

https://khoahocphattrien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Áp dụng công nghệ tại Pompeii: Mang đến những cái nhìn mới về di tích cổ xưa

Áp dụng công nghệ tại Pompeii: Mang đến những cái nhìn mới về di tích cổ xưa

  • 17/05/2022 08:11
  • 1353

Những bức bích hoạ bên trong Villa of Mysteries, một trong những ngôi nhà được bảo tồn tốt nhất tại Pompeii. Ảnh: Roberto Salomone / The New York Times Những khía cạnh khác Vào một buổi sáng tại nghĩa trang Porta Sarno, ngay bên ngoài rìa phía Đông của Pompeii, Mattia Buondonno cẩn thận dựng …