Các nghệ sĩ nhí cổ đại đã để lại dấu tay nghệ thuật của mình trên đá và nhiều bề mặt cổ xưa khác. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học ước tính trẻ em là tác giả của khoảng 25% những tác phẩm nghệ thuật trên đá thời tiền sử.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Cantabria (Tây Ban Nha) đã tiến hành phân tích 750 tác phẩm nghệ thuật có niên đại từ thời tiền sử, bao gồm những bức tranh trong hang động và dấu vết bàn tay trên đá. Chúng được khai quật ở khắp châu Âu chẳng hạn như Tây Ban Nha, Ý, Anh và Pháp. Các nhà khoa học phát hiện ra gần một phần tư trong số những bức tranh này là do trẻ em dưới 12 tuổi tạo ra. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Journal of Archaeological Sciences vào tháng 4/2022.
Hình bàn tay của trẻ em trên vách hang thời tiền sử. Ảnh: Đại học Cantabria
“Phát hiện này đã giúp làm sáng tỏ nghệ thuật hang động thời tiền sử – một lĩnh vực nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa được quan tâm thích đáng, có lẽ là do nó tồn tại cách đây quá lâu”, nhóm nghiên cứu cho biết.
“Mục đích chính của chúng tôi không phải là tìm hiểu về bản thân những tác phẩm nghệ thuật này. Thay vào đó, chúng tôi muốn biết rõ hơn về những người tạo ra chúng trong thời kỳ Đồ đá cũ”, Diego Garate, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Cantabria, chia sẻ.
Hình so sánh số đo bàn tay của một đứa trẻ hiện đại và bức vẽ bàn tay thời cổ đại trong một hang động ở Tây Ban Nha. Ảnh: Fernández-Navarro
Các dữ liệu phân tích và đánh giá mới đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của chúng ta về các tác phẩm nghệ thuật trên đá thời cổ đại, bởi vì trước đây người ta thường cho rằng chúng đến từ quá trình sáng tác của nam giới trưởng thành, thay vì một hoạt động theo nhóm của cả gia đình bao gồm trẻ em.
Nhóm nghiên cứu đã triển khai Dự án Handpas nhằm nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về 180 bức vẽ bàn tay có niên đại cách đây 20.000 năm. Chúng được tìm thấy trong năm hang động ở Tây Ban Nha bao gồm hang El Castillo, Maltravieso, Fuente de Salín, Fuente del Trucho và La Gama. Các hang động này phân bố chủ yếu tại các vùng Cantabria, Aragon và Extremadura.
Người xưa tạo ra các bức vẽ bằng cách thổi chất màu qua cây sậy hoặc xương rỗng vào bàn tay đặt trên vách hang. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình 3D của các bức vẽ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật sau đó trải qua quá trình phân tích sinh trắc học nâng cao để đánh giá và xác định độ tuổi của những người đã tạo ra chúng. Dữ liệu phân tích được đối chiếu với các mẫu dân số thời hiện đại.
“Từ bàn tay thật đến bàn tay in trên vách đá luôn có sai số vài cm, bởi vì các đường viền màu thường lớn hơn một chút so với bàn tay. Chúng tôi đã tính toán sai số đó và phát hiện nhiều bàn tay trẻ em hơn những gì chúng tôi mong đợi”, Verónica Fernández-Navarro, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Kết quả phân tích cho thấy, khoảng 20-25% các bức vẽ bàn tay trong những hang động ở Tây Ban Nha thuộc về trẻ em. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật này là bàn tay của trẻ từ 2 đến 12 tuổi. Nhưng cũng có những bàn tay của trẻ mới biết đi và thậm chí cả trẻ sơ sinh. Chúng không thể tự phun chất màu vào bàn tay đặt trên vách hang để tạo ra tác phẩm nghệ thuật mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ, người chăm sóc hoặc các thành viên khác trong nhóm.
“Vẽ tranh là một hoạt động cộng đồng quan trọng đối với các dân tộc sống trong thời kỳ đồ đá cũ. Hoạt động nghệ thuật này có thể đóng vai trò như một yếu tố gắn kết nhóm”, Fernández-Navarro nhận định. “Đây không phải là một hoạt động chỉ dành riêng cho nam giới giống như những gì người ta vẫn thường lầm tưởng cho đến bây giờ”.
Hiện nay, Fernández-Navarro đang hợp tác với các đồng nghiệp người Pháp để phân tích những tác phẩm nghệ thuật hang động tại quốc gia này trong khuôn khổ dự án có tên Mind2Wall. Mục đích của dự án là xem xét liệu các dấu tay vẽ trên đá có thể tạo thành một số dạng ngôn ngữ không lời hay không.
“Tại các hang động, chúng tôi đã phát hiện một số hình vẽ bàn tay có ngón tay bị khuyết hoặc bị uốn cong và các vị trí này lặp lại theo một cách cụ thể. Người cổ đại có thể đã sử dụng chúng để mã hóa một loại ngôn ngữ không lời nào đó”, Fernández-Navarro nói. “Chúng tôi muốn tìm hiểu xem đó có phải là mật mã mà người cổ đại biết cách diễn giải hay không”.
Việc xem xét sự khác biệt của các hình vẽ bàn tay trên đá tại những vùng lãnh thổ và hang động khác nhau có thể giúp các nhà khoa học giải đáp bí ẩn nói trên.
“Quan niệm hiện nay về thời thơ ấu, địa vị xã hội và vai trò của người chưa thành niên có thể rất khác so với quan niệm của xã hội loài người trong thời kỳ đồ đá cũ. Do đó, ý nghĩa thực sự của các dấu vết bàn tay trên đá vẫn luôn chứa đựng nhiều điều bí ẩn, đang chờ các nhà khoa học khám phá thêm”, Diego Garate, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Ngoài châu Âu, nghệ thuật hang động cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trong những năm gần đây, các học giả đã ghi nhận những tác phẩm nghệ thuật hang động ở Indonesia có niên đại khoảng 40.000 năm tuổi. Điều này cho thấy châu Âu không phải là nơi sản sinh ra khả năng sáng tạo nghệ thuật trừu tượng của con người giống như các học giả trước đây thường nhận định.
Trong nghiên cứu trước đây được công bố trên tạp chí Science Bulletin vào tháng 12/2021, các nhà khoa học tại Đại học Quảng Châu và Đại học Bournemouth thậm chí đã tìm thấy các dấu tay và chân cổ xưa trong một hang động trên cao nguyên Tây Tạng có niên đại từ 169.000 đến 226.000 năm. Đây là bằng chứng sớm nhất về nghệ thuật trong hang động mà con người từng biết đến. Hơn nữa, tác giả của chúng cũng là trẻ em, thay vì người lớn.
Nghệ thuật và khả năng suy nghĩ về khái niệm trừu tượng chính là điều phân biệt giữa con người và các loài động vật khác. Khả năng này dẫn dắt con người tới việc dùng lửa, sáng tạo ra bánh xe và công nghệ giúp loài người phát triển. Sự xuất hiện những bức tranh hang động đầu tiên đánh dấu khoảnh khắc quan trọng khi giống loài chúng ta trở thành loài người thực sự.
Theo Ancient Origins
Quốc Hùng