Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/03/2022 15:02 1956
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Một nghiên cứu mới cho biết, di tích cự thạch thuộc top 10 những bí ẩn lớn nhất thời cổ đại này có thể là một loại lịch mặt trời cổ đại, thể hiện chính xác tới 365¼ ngày mỗi năm.

Vòng tròn đá khổng lồ Stonehenge, được xây dựng từ thời đại đồ đá mới và thời đại đồ đồng là một trong những nơi bí ẩn nhất trên hành tinh. Di tích gồm 30 khối đá đứng thẳng (mỗi khối nặng 25 tấn), nối với nhau bằng những thanh ngang, bên trong vòng tròn còn có 5 cặp khối đá có thanh ngang ở trên đã khiến giới khoa học đã mất hàng thế kỷ để tìm ra ý nghĩa, mục đích xây dựng của cự thạch kỳ lạ này.

Di tích này được xây dựng theo ba giai đoạn. Lớp ngoài được dựng vào khoảng năm 3.000 trước Công nguyên, còn các tảng đá bài trí bên trong được dựng lên vào khoảng năm 2.500 trước Công nguyên.
 

 Bảng tóm tắt các nguyên tắc số học trong việc sử dụng các phiến đá của Stonehenge để xây dựng lịch vạn niên theo giả thuyết mới Darvill.

Trước đây, mặc dù đã có những giả thuyết cho rằng vòng tròn cự thạch Stonehenge là một loại lịch nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào giải thích đầy đủ về cách loại lịch này hoạt động ra sao.

Một công bố mới đây trên tạp chí Antiquity cho thấy những phiến đá lớn nhất ở Stonehenge có thể là một loại lịch mặt trời, thể hiện 365¼ ngày mỗi năm - gần tương tự với 365,2425 ngày được tính trong lịch mặt trời hiện đại.
Theo Timothy Darvill, giáo sư Khảo cổ học tại Đại học Bournemouth, Anh và là tác giả của nghiên cứu, có thể Stonehenge được sắp xếp dựa theo ngày đông chí ở Bắc bán cầu - ngày 22/12, thời điểm theo lịch hiện đại là khi Mặt trời mọc và lặn ở điểm cực Nam của nó, dẫn đến đêm dài nhất và ngày ngắn nhất trong năm.
Giáo sư Darvill cho biết, bằng cách căn chỉnh Stonehenge theo điểm chí để đếm các ngày trong năm, di tích cổ đại này có thể phản ánh chính xác điểm chí và thời điểm các mùa trong hàng trăm năm.
Vòng tròn chính của Stonehenge hiện bao gồm 17 phiến đá lớn được gọi là sarsen (một từ bắt nguồn từ tiếng Anh trung cổ “saracen”), từng dùng để chỉ người Ả Rập nhưng sau đó được dùng để chỉ ngoại giáo. Dựa vào các ô trống còn lại trên mặt đất, nhóm nghiên cứu cho rằng đã có 30 sarsen được xây dựng tạo thành một vòng tròn; nhưng sau này có thể một số phiến đá khác đã bị lấy đi, có thể dùng cho việc xây nhà hoặc đường xá.
Theo cách lý giải của Darvill, vòng tròn sarsen phản ánh một “tháng” gồm 30 ngày. Mỗi năm có 12 tháng với tổng cộng 360 ngày, tiếp theo là năm ngày “phụ” (“epagomenal” days) được đánh dấu bằng năm kiến trúc trilithon - gồm hai tảng đá dựng đứng và một tảng đá nằm ngang bên trong vòng tròn chính.
Ngoài ra, cứ mỗi bốn năm giữa các năm “nhuận” có thể đã được đánh dấu bằng bốn viên đá trong một hình chữ nhật bên ngoài vòng tròn.
Ông cho biết những tảng đá nhỏ hơn ở bên trong vòng tròn đá dùng để chỉ ngày, tháng, năm và được dịch chuyển khi thời gian thay đổi.
Darvill cho biết, hầu hết các tảng đá xây dựng nên công trình cự thạch này đều được khai thác tại một “công trường khai thác đá” cách đó vài dặm trong cùng thời kỳ xây dựng Stonehenge từ 4.500 năm trước. Người ta không phát hiện thấy có dấu hiệu di chuyển các phiến đá trong các giai đoạn xây dựng tiếp theo, kéo dài cho đến 3.500 năm trước. Điều này càng củng cố giả thuyết rằng các phiến đá này được sắp đặt cùng nhau ngay từ đầu.
Darvill chia sẻ: “Một khi các cự thạch được dùng để làm lịch, cấu trúc này sẽ mãi được giữ nguyên. Các phiến đá không dịch chuyển, lịch không biến động - đây chính là lịch vạn niên”.
Như vậy, Stonehenge đã được xây dựng như một quyển lịch chung giúp cư dân cổ đại trong vùng theo dõi được ngày, tuần, tháng và dự đoán các lần nhật thực.
 

Cự thạch khổng lồ Stonehenge ở hạt Wiltshire, Anh 

Darvill cũng đưa ra giả thiết cho rằng lịch của Stonehenge có thể bị ảnh hưởng bởi các tôn giáo cổ đại về tín ngưỡng thờ cúng mặt trời ở Đông Địa Trung Hải, chẳng hạn như tín ngưỡng thờ thần Ra của người Ai Cập. Có thể người Anh cổ đại có thể đã du nhập các kiến thức về cách tính dương lịch từ Đông Địa Trung Hải và Ai Cập.

 

Bản đồ của Stonehenge được vẽ vào năm 2004.

Lý giải của Darvill bổ sung thêm vào lịch sử các lý thuyết về lịch cho Stonehenge đã có từ hơn 100 năm qua. Một số ý kiến ​​cho rằng Stonehenge được căn chỉnh với một số ngôi sao nhất định hoặc là một “máy tính thời kỳ đồ đá mới” có thể dự đoán nguyệt thực.

Tuy nhiên nghiên cứu này sẽ cần thêm nhiều thời gian để chứng minh vì hiện nay cấu trúc cự thạch này đã bị khuyết nhiều phiến đá - không thể hiện đủ cấu trúc lịch như giả thuyết của Darvill. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng việc xây dựng một lịch khổng lồ bằng đá bất động không có ý nghĩa gì khi có các loại lịch nhỏ hơn cũng có thể có cơ chế hoạt động tương tự.

theo NBCnews, Sci-News

https://khoahocphattrien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Paul Boudet với tài liệu lưu trữ hoàng triều ở Việt nam (1917-1942) - góc khuất lịch sử (kỳ 1)

Paul Boudet với tài liệu lưu trữ hoàng triều ở Việt nam (1917-1942) - góc khuất lịch sử (kỳ 1)

  • 16/03/2022 11:10
  • 1567

Trong một số báo cáo khoa học và các bài viết về Lưu trữ Việt Nam, chúng tôi đã có dịp viết về Paul Boudet[1] trong vai trò của người sáng lập hệ thống lưu trữ theo mô hình của Pháp trên toàn Đông Dương, người liên tục giữ chức Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương[2] trong ba mươi hai năm (từ tháng 11-1917 đến tháng 12-1948); người sáng lập Khung phân loại sắp xếp tài liệu thống nhất toàn Đông Dương trên cơ sở của hệ thống phân nhánh thập phân huyền thoại; người nổi tiếng trong lĩnh vực tổ chức sử dụng tài liệu và phát huy giá trị sử dụng của tài liệu lưu trữ ở Đông Dương (biên tập, tổ chức xuất bản các ấn phẩm về Lưu trữ - Thư viện và Lịch sử; tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm về tài liệu lưu trữ ở Đông Dương và ở nước ngoài; tổ chức nhiều buổi nói chuyện về kết quả nghiên cứu tài liệu lưu trữ qua một số chuyên đề của tại một số cơ sở khoa học, văn hóa ở Hà Nội)...