Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/02/2022 16:15 1358
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Có rất nhiều đồ tạo tác bằng đá từ thế giới cổ đại được làm từ những loại đá cứng nhất trên hành tinh như đá granit và đá diorit. Người xưa đã cắt, tạo hình chúng với độ chính xác cao đến mức các công nghệ hiện đại cũng khó có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Lấy ví dụ như quan tài đá granit bên trong Phòng của Vua ở Đại kim tự tháp Giza. Người Ai Cập cổ đại đã cắt và đục rỗng nó với độ chính xác hoản hảo. Điều này khiến nhà Ai Cập học nổi tiếng người Anh Flinders Petrie tin rằng, những thợ thủ công trong triều đại của Pharaon Khufu chắc hẳn đã sử dụng các công cụ tiên tiến mà chúng ta dường như chỉ mới phát minh lại trong thời gian gần đây.

 

Tượng Nhân sư lớn trên cao nguyên Giza, Ai Cập. Ảnh: Shutterstock.

Sự hiện diện của những khối đá được chế tác tinh xảo như vậy – có niên đại lên tới gần 5000 năm – đã gây ra một cuộc tranh luận học thuật trong nhiều thế kỷ. Vào buổi bình minh của nền văn minh nhân loại, người cổ đại đã xây dựng những công trình đồ sộ từ các khối đá khổng lồ. Bằng một loại công nghệ nào đó, họ đã cắt gọt, dịch chuyển và đặt những tảng đá lớn vào đúng vị trí với độ chính xác hoàn hảo.

Chúng ta đang nói về những địa điểm khảo cổ bí ẩn nhưBaalbek ở Lebanon; Sacsayhuamán, Ollantaytambo và Machu Picchu ở Peru; Tiahuanaco và Puma Punku ở Bolivia; Bãi đá cổ Stonehenge ở Anh; Đảo Phục sinh; kim tự tháp và các đền thờ ở Ai Cập,...

 

Tảng đá vôi nguyên khối Hajjar al-Hibla tại thành phố Baalbek. Ảnh: Ancient Origins.

Tất cả những cấu trúc này đều thể hiện một trình độ xây dựng tiên tiến, điều mà đáng lẽ không thể xảy ra chỉ với các công cụ và kiến thức của người cổ đại, giống như những gì các nhà nghiên cứu ngày nay thường nhận định. Để cắt đá granit [một trong những loại đá cứng nhất trên Trái đất], các thợ thủ công thời hiện đại đôi khi phải sử dụng đến mũi khoan hay lưỡi cắt bằng kim cương.

Phía trước tượng Nhân sư lớn trên cao nguyên Giza là hai ngôi đền được xây dựng từ những khối đá vôi khổng lồ với lớp phủ bên ngoài làm bằng đá granit. Tên gọi của chúng là “Đền Nhân sư” và “Đền Khafre trong Thung lũng”.

Điều đáng chú ý là những người xây dựng hai ngôi đền cổ xưa này đã chọn cách xếp chồng những tảng đá có kích thước và khối lượng vô cùng lớn – một số có chiều dài lên tới 9,14m, rộng 3,66m, cao 3,05m, và nặng 200 tấn. Ngay cả những khối đá nhỏ nhất vẫn nặng khoảng 50 tấn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào những nền văn minh sơ khai có thể vận chuyển những tảng đá lớn như vậy. Ngoài ra, quá trình xây dựng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu người xưa sử dụng các khối đá hoặc gạch nhỏ hơn, giống như chúng ta đang làm trong thời hiện đại. Không hiểu vì lý do gì mà tổ tiên của chúng ta đã lựa chọn phương án khó khăn hơn.

Để cảm nhận về kích thước và trọng lượng của một khối đá nặng 200 tấn, chúng ta có thể so sánh kích thước của nó với đầu máy xe lửa loại lớn, gồm sáu trục xe. Hãy tưởng tượng việc xếp chồng những đầu máy xe lửa với nhau, đó sẽ là một cơn ác mộng về mặt kỹ thuật.

Cần trục tiêu chuẩn mà chúng ta thấy trên các công trường xây dựng hiện nay chỉ có thể nâng tối đa khoảng 20 tấn. Loại cần trục với thiết kế đặc biệt nâng tải trọng vượt quá 50 tấn là không nhiều. Hiện nay, chỉ có hai cần trục trên đất liền ở Mỹ đủ khả năng nâng vật nặng 200 tấn.

“Việc xây dựng ngôi đền từ những khối đá nặng 200 tấn là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực, ngay cả đối với các chuyên gia cần trục hiện đại”, Graham Hancock, tác giả cuốn sách “The Message of the Sphinx” (Thông điệp của Nhân sư), cho biết.

Theo giải thích của các nhà Ai Cập học, người cổ đại đã nâng những khối đá lên cao hàng chục mét so với mặt đất và đặt vào đúng vị trí bằng cách sử dụng sự kết hợp của đường dốc, đòn bẩy, dây thừng cùng với một lượng nhân lực khổng lồ.

Do không cảm thấy hài lòng với cách giải thích này, học giả người Mỹ John Anthony West đã tìm kiếm câu trả lời bằng cách đến thăm một công trường xây dựng ở Long Island để tận mắt chứng kiến quá trình các công nhân dịch chuyển một vật nặng 200 tấn. Cụ thể, 20 người đàn ông đã làm việc liên tục sáu tuần để chuẩn bị nâng một lò hơi nặng 200 tấn lên cao bằng một trong những chiếc cần cẩu lớn nhất thế giới [cao 67m] và một đối trọng làm bằng bê tông nặng 160 tấn. Cuối cùng, họ đã phải sử dụng thêm một chiếc cần trục thứ hai để lắp đặt chính xác lò hơi vào đúng vị trí.

Trong Thung lũng Beqaa ở phía Bắc Beirut (Lebanon) là tàn tích thành phố Baalbek của người Phoenicia cổ đại. Vào khoảng năm 9000 trước Công nguyên, Baalbek đã trở thành một địa điểm hành hương quan trọng để người dân tôn thờ thần bầu trời Baal và vợ của ông là Astarte. Ở trung tâm thành phố có một ngôi đền lớn dành riêng cho Astarte và Baal – nơi sau này trở thành khu phức hợp đền thờ của người La Mã. Những khối đá tại phần nền móng của ngôi đền nặng khoảng 800 tấn, trong khi một số khối đá dùng để xây tường nặng 400 tấn. Chúng lớn đến mức những khối đá nặng 200 tấn tại các ngôi đền ở Giza trông giống như viên gạch đồ chơi khi so sánh.

Tại mỏ đá cách không xa Baalbek, các nhà khảo cổ đã phát hiện một tảng đá vôi nguyên khối khổng lồ nằm lộ thiên, nặng khoảng 1.200 tấn. Họ đặt tên cho nó là “Hajjar al-Hibla” trong tiếng Ả Rập, hoặc “Hòn đá của người phụ nữ mang thai”. Bề mặt của tảng đá được tạo hình và làm nhẵn. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng, người cổ đại đã bỏ lại khối đá vôi này trong mỏ đá vì chất lượng của các cạnh khối đá quá kém để vận chuyển đi xa.

Năm 2014, Viện Khảo cổ học Đức đã tiến hành khai quật thêm ở mỏ đá nhằm tìm kiếm dữ liệu mới về kỹ thuật khai thác và vận chuyển cự thạch. Những gì họ tìm thấy là một tảng đá nguyên khối do bàn tay con người tạo ra thậm chí còn lớn hơn ở dưới mặt đất, nằm ngay bên cạnh khối đá Hajjar al-Hibla. Nó có chiều dài đáng kinh ngạc là 19,6m, rộng 6m, cao 5,5m và nặng tới 1.650 tấn.

“Tôi tin rằng những cự thạch khổng lồ này có niện đại từ 12.000 năm tuổi trở lên, cùng thời với địa điểm cự thạch Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ”, Hancock nói. “Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải bằng cách nào người cổ đại có thể sở hữu kỹ thuật chế tác đá đáng kinh ngạc như vậy. Họ đã dùng những công cụ gì để khai thác, cắt và vận chuyển các cự thạch ở Baalbek”.

Theo Ancient Origins

https://khoahocphattrien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Chiếu sáng trong bảo tàng - mấy vấn đề cần trao đổi

Chiếu sáng trong bảo tàng - mấy vấn đề cần trao đổi

  • 21/02/2022 13:02
  • 2128

Trong các loại hình chiếu sáng nội thất, không gian trưng bày của bảo tàng là nơi có yêu cầu về ánh sáng cao nhất, đồng thời cũng khó thực hiện nhất. Thực tế trên thế giới, các bảo tàng chú trọng và thành công với các dự án chiếu sáng trưng bày cũng không phải là nhiều, các bảo tàng Âu - Mỹ vẫn được xem như tiên phong; các bảo tàng mới được xây dựng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã chú trọng và có những thành công nhất định trong lĩnh vực này.