Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/02/2022 13:02 2147
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Trong các loại hình chiếu sáng nội thất, không gian trưng bày của bảo tàng là nơi có yêu cầu về ánh sáng cao nhất, đồng thời cũng khó thực hiện nhất. Thực tế trên thế giới, các bảo tàng chú trọng và thành công với các dự án chiếu sáng trưng bày cũng không phải là nhiều, các bảo tàng Âu - Mỹ vẫn được xem như tiên phong; các bảo tàng mới được xây dựng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã chú trọng và có những thành công nhất định trong lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, cùng chiến lược phát triển văn hoá, nhiều bảo tàng mới được xây dựng, chỉnh lý, nâng cấp, nhưng thật không may, chúng ta hiếm khi thấy các dự án được coi là thành công về chiếu sáng trong bảo tàng. Nhiều dự án được lăng xê một cách quá đà về kỹ thuật mới trong trưng bày với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài nhưng thực chất đó là những thảm hoạ, ít nhất về lĩnh vực chiếu sáng trưng bày. Chúng ta có thể thấy ví dụ trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 - 1966" của Dinh Độc Lập với các loại đèn chất lượng kém có nhiệt độ màu không đồng nhất, ánh sáng loang lổ giao cắt với nhiều quầng sáng phụ chói, loá, không thể điều chỉnh được độ chụm đèn cũng như cường độ ánh sáng; đó là chưa kể đến các yêu cầu về mặt bảo quản. Trong bài viết này, chúng tôi nêu lên một số ý kiến trao đổi nhằm chỉ ra nguyên nhân và những giải pháp để từng bước cải thiện những bất cập ở các dự án chiếu sáng trong bảo tàng.

Những bất cập trong chiếu sáng bảo tàng và nguyên nhân của nó

Một dự án chiếu sáng tốt đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ của việc thiết kế chiếu sáng, thiết bị chiếu sáng và việc điều chỉnh ánh sáng; không thể thiếu được một trong các yếu tố trên, nhưng các dự án của chúng ta đang có những khiếm khuyết ở cả ba phương diện.

Thiết kế chiếu sáng

Các nhà thiết kế ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng là nhà tư vấn ánh sáng cho các kiến ​​trúc sư hay đơn vị thiết kế nội thất. Có những nhà thiết kế ánh sáng rất chuyên nghiệp trong chiếu sáng đô thị, chiếu sáng ngoài trời, chiếu sáng các khu vui chơi, khách sạn, các cửa hàng đồ hiệu... Tuy nhiên, trong lĩnh vực chiếu sáng bảo tàng, chúng ta hầu như không có một chuyên gia nào.

 
Chiếu sáng điểm cục bộ kết hợp với chiếu sáng nền với các pano trên tường tại Bảo tàng Neanderthal (CHLB Đức) (Ảnh: Trương Đắc Chiến) 

Chiếu sáng bảo tàng là một phân khúc thị trường nhỏ. Dù những năm gần đây chúng ta đã chú trọng vào đầu tư vào xây dựng, chỉnh lý, nâng cấp một số bảo tàng nhưng so với các ngành khác thì quy mô còn rất nhỏ và không có người chuyên nghiệp, chuyên chú nghiên cứu đến lĩnh vực này. So với các dự án chiếu sáng đô thị, chiếu sáng các khu du lịch, cửa hàng đồ hiệu… thì các dự án chiếu sáng bảo tàng có khối lượng nhỏ và chi phí thiết kế tương ứng thấp. Ví dụ như trong các công trình chiếu sáng khu đô thị, hay các khu du lịch chi phí chiếu sáng có thể dễ dàng lên đến hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ và chi phí thiết kế chiếu sáng có thể dễ dàng lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ. Một dự án chiếu sáng bảo tàng chỉ vài trăm triệu, hiếm khi có dự án tiền tỷ, chi phí thiết kế tương ứng là con số rất nhỏ và thậm chí bị xem thường đến mức đưa hết vào chi phí thiết kế xây dựng, chi phí mua thiết bị mà không có dù chỉ 1 đồng dành cho thiết kế ánh sáng.

Dự án chiếu sáng của bảo tàng có không gian phức tạp và khối lượng công việc rất lớn. So với dự án chiếu sáng khách sạn, chủ yếu các khu vực được thiết kế chiếu sáng là phòng nghỉ và hầu hết ánh sáng của các phòng nghỉ là giống nhau, điều này làm cho khối lượng công việc ít hơn rất nhiều và điều này cũng đúng với các dự án chiếu sáng khu đô thị hay các cửa hàng đồ hiệu. Ánh sáng ở mỗi không gian của bảo tàng lại không giống nhau, hiện vật trưng bày cũng khác nhau, không thể sao chép thiết kế từ chỗ này mang sang chỗ khác, khối lượng công việc do đó lớn hơn rất nhiều. Do vậy, trên thực tế, những chuyên gia thiết kế ánh sáng hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực này cảm thấy không đáng để đầu tư nghiên cứu vào chiếu sáng bảo tàng so với các mảng thị trường khác. Vì vậy, chúng ta khó có thể thấy các nhà thiết kế hay công ty thiết kế chú trọng đến ánh sáng bảo tàng mà chủ yếu tập trung vào ánh sáng ngoài trời, các khách sạn,  khu vui chơi và không gian chuỗi thương mại. Lý do cũng rất đơn giản, nếu tập trung vào bảo tàng thì họ khó có thể tồn tại được, tương ứng với nó là kỹ năng nghề nghiệp của họ rất kém.

 
Ánh sáng tại các đường giao thông trong bảo tàng và các không gian chuyển tiếp tại Bảo tàng Neanderthal (CHLB Đức) (Ảnh: Trương Đắc Chiến) 

Thiết bị chiếu sáng

Thực tế trên thị trường cũng có một số nhà cung cấp thiết bị chiếu sáng mà sản phẩm của họ chú trọng vào bảo tàng hay các phòng trưng bày nghệ thuật, họ có thể phối hợp cử một số nhà thiết kế ánh sáng tham gia tư vấn cho các dự án của các bảo tàng. Tuy vậy cách làm này sẽ có những thiếu sót cố hữu, chẳng hạn như sự đơn nhất của sản phẩm, sự thiếu tầm nhìn của người thiết kế,… mục đích của họ sẽ chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm mà họ sẵn có cho dự án và đưa ra các lời khuyên chung chung cho việc bố trí đèn. Không có nhà thiết kế chuyên nghiệp ở thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ là vấn đề không dễ giải quyết trong một tương lai gần.

Việc điều chỉnh ánh sáng

Trên thực tế, ngoài những lý do khách quan kể trên, bản thân các bảo tàng cũng có những hạn chế nội tại. Giới thiết kế ánh sáng bảo tàng có một câu nói: "Thiết bị chiếm 30%, điều chỉnh chiếm 70% hiệu quả ánh sáng", nhấn mạnh quá mức vai trò của điều chỉnh ánh sáng, nhưng nó cũng minh họa tầm quan trọng của việc điều chỉnh ánh sáng. Một ví dụ ở một lĩnh vực khác để dễ hình dung: các đèn flash cho việc chụp ảnh trong studio rất phổ biến và các bảo tàng có thể dễ dàng trang bị, nhưng để sử dụng, bố trí, phối kết hợp các đèn, góc chiếu, hướng chiếu sáng, điều chỉnh cường độ, sử dụng các phụ kiện... để có thể chụp các bức ảnh mang lại hiệu quả theo yêu cầu thì cần người sử dụng phải có kiến thức nhất định về lĩnh vực này và không ngừng điều chỉnh các đèn trong quá trình chụp các hiện vật khác nhau.

 
Chiếu sáng điểm kết hợp với chiếu sáng nền trong trưng bày chuyên đề Vàng trắng của người Celt tại Bảo tàng Khảo cổ học Herne (CHLB Đức) (Ảnh: Trương Đắc Chiến) 

Trong không gian trưng bày của bảo tàng, các hiện vật được trưng bày có kích thước khác nhau, và trong giai đoạn thiết kế, có rất ít thiết kế chi tiết cho các hiện vật trưng bày, và ánh sáng chỉ có thể được bố trí một cách đại khái, nhiều bảo tàng thậm chí không có bản thiết kế ánh sáng trưng bày mà chỉ có phần bố trí đèn thuộc dự án xây dựng. Sau khi hiện vật được dàn dựng trưng bày xong mới bố trí đèn chiếu sáng, lúc này chỉ có thể dựa vào việc điều chỉnh góc, phạm vi và cường độ ánh sáng từng khu vực một.

Trong bảo tàng có rất nhiều trưng bày chuyên đề, triển lãm tạm thời, ánh sáng cần được thay đổi mỗi lần. Các trưng bày tạm thời này thường không có đủ thời gian, kinh phí để thiết kế ánh sáng một cách chuyên nghiệp, việc chiếu sáng lúc này chỉ có thể dựa vào việc điều chỉnh ánh sáng. Nhưng hiện nay tại các bảo tàng ở Việt Nam không có nhân sự chuyên nghiệp cho công việc này, và thường được thực hiện bởi thợ điện, nhân viên bảo trì, kỹ thuật viên của nhà cung cấp hoặc bên thi công... Những nhân sự này đều không được đào tạo chuyên môn, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân.
 
  
Chiếu sáng tại hành lang - không gian chuyển tiếptrong trưng bày chuyên đề Vàng trắng của người Celt tại Bảo tàng Khảo cổ học Herne (CHLB Đức) (Ảnh: Trương Đắc Chiến)

Những người làm công việc điều chỉnh ánh sáng ở Việt Nam không có chứng chỉ chuyên môn nên mọi người không nhìn nhận tính chuyên nghiệp trong công việc của họ, vì vậy khi điều chỉnh ánh sáng, các nhà thiết kế nội thất, chuyên gia, người phụ trách trưng bày sẽ chú ý đến ánh sáng - trong một trưng bày ai cũng có thể có ý kiến về ánh sáng trong khi thậm chí họ không có hiểu biết về chiếu sáng trong bảo tàng. Mọi người đều có cảm giác không thoả mãn với những gì đang đang nhìn thấy và họ đều hy vọng rằng ánh sáng sẽ như trong tưởng tượng của mình. Kết quả là sau khi chỉnh tới, chỉnh lui, hiệu ứng cuối cùng không được như ý, thậm chí việc nghe quá nhiều các ý kiến khác nhau dẫn đến việc chiếu sáng trở nên loạn xạ, xa rời mục đích ban đầu của việc thiết kế ánh sáng.

Những yếu tố khách quan và chủ quan kể trên đã khiến cho ánh sáng trưng bày trong các bảo tàng Việt Nam hiện nay hầu hết không đạt yêu cầu.

Một số giải pháp để từng bước cải thiện tình trạng này

Bảo tàng hoặc đơn vị thi công trưng bày phải có người điều chỉnh ánh sáng chuyên nghiệp

Bất kể là trưng bày thường xuyên hay triển lãm tạm thời, việc điều chỉnh ánh sáng là một công việc thường xuyên của bảo tàng, do đó, việc có nhân sự hiểu biết, điều chỉnh ánh sáng một cách chuyên nghiệp là một vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Hiện tại, hầu hết các công việc này được thực hiện bởi các thợ điện trong bảo tàng hay bất cứ một người nào có chút hiểu biết về điện. Một số người cũng có thể tạo ra kết quả tốt dựa trên nhiều năm kinh nghiệm của họ và đề xuất của các chuyên gia hoặc nhà thiết kế. Tuy nhiên, nếu dự án phức tạp hơn, ý kiến ​​của các nhà thiết kế, các chuyên gia, các nhà lãnh đạo… những nhân sự này rõ ràng là không đáp ứng được yêu cầu. Các bảo tàng cần cử các nhân sự này đi đào tạo chuyên môn, nắm vững kiến ​​thức chiếu sáng, bổ sung từ kinh nghiệm dự án thực tế và trở thành những người điều chỉnh ánh sáng có trình độ, chuyên nghiệp.

Cụ thể, kiến ​​thức đó bao gồm:

Đọc và nắm rõ được các bản vẽ thiết kế nội thất và bố trí ánh sáng. Bố trí chiếu sáng phải nắm rõ các bản vẽ liên quan và có thể sử dụng linh hoạt theo sự thay đổi của từng hiện vật, khung cảnh nhất định.

Thành thạo sử dụng các phụ kiện quang học, giúp cho người điều chỉnh ánh sáng có thể linh hoạt thay đổi kích thước vùng sáng, góc chiếu sáng, cường độ ánh sáng phù hợp với từng hiện vật được trưng bày.

Có kiến ​​thức về các sản phẩm, nắm rõ các thông số và đặc tính sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau và lựa chọn loại đèn phù hợp trong các tình huống khác nhau.

Trong nghệ thuật chiếu sáng cũng cần có các kiến thức về mỹ thuật, ít nhất phải hiểu ý đồ của người thiết kế và thể hiện qua ánh sáng.

Cách tốt nhất để đào tạo các nhân sự này là cử họ đi học các lớp đào tạo liên quan, tham gia các hội chợ quốc tế về thiết bị cho chuyên ngành bảo tàng, giúp họ có điều kiện tiếp xúc và nắm bắt công nghệ mới nhất cũng như tham gia các diễn đàn chuyên ngành để có thể giao tiếp, chia sẻ kinh nghiệm.

Chủ đầu tư dự án và các công ty thiết kế trưng bày bảo tàng nhất thiết phải tính đến việc thuê các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp làm tư vấn chiếu sáng. Công ty thiết kế trưng bày chịu trách nhiệm thiết kế nội thất tổng thể của bảo tàng, đối với ánh sáng, tốt nhất nên có đội thiết kế chuyên nghiệp để đạt được hiệu quả tổng thể, nếu không có những người thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp, dù có đầu tư nhiều tiền vào việc mua thiết bị, hiệu quả cũng không thể như mong muốn được. Đối với bất kỳ dự án bảo tàng nào, ánh sáng cũng cần phải được quan tâm, trọng thị vì nó là điểm nhấn cuối cùng, giúp các phần trưng bày, các hiện vật được trình hiện ra trước công chúng. Việc thiết kế chiếu sáng được thực hiện trên cơ sở thiết kế nội thất, người thiết kế chiếu sáng cần phải hiểu hết ý đồ của người thiết kế nội thất và kiến ​​trúc sư.
 
Chiếu sáng nền, chiếu sáng điểm kết hợp chiếu sáng đường dẫn tại không gian giao thông trong hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Khảo cổ học Herne (CHLB Đức) (Ảnh: Trương Đắc Chiến) 

Đối với thiết bị chiếu sáng

Đối với thiết bị chiếu sáng, các dự án đã thực hiện ở quy mô tương đối lớn, chúng ta vẫn thấy có tình trạng thiếu chuyên nghiệp, khi lựa chọn lựa chọn những thiết bị được cho là tốt nhất hoặc đắt tiền nhất, của những hãng nổi tiếng nhất. Trên thực tế, các tình huống khác nhau nên được xử lý theo cách khác nhau:

- Ánh sáng chung ở sảnh hoặc các lối đi, chiếu sáng ngoại thất của bảo tàng không yêu cầu quá chuyên nghiệp, chỉ cần phù hợp.

- Mỗi một nhà sản xuất có những ưu thế riêng về thiết bị, có những hãng có ưu thế về đèn chiếu sáng không gian chung, đèn rọi, đèn cắt sáng hay đèn chiếu sáng nền (wall washer light). Không nhà sản xuất nào có thể làm tốt tất cả các loại đèn cho các không gian chiếu sáng của bảo tàng. Với một thiết kế tốt, chúng ta có thể dễ dàng lựa chọn nhiều loại đèn của các nhà sản xuất ít nổi tiếng nhưng đặc trưng, ​​đáp ứng được yêu cầu, có hiệu suất tốt hơn và giá cả phải chăng hơn.

Khi các vấn đề về thiết kế chiếu sáng, thiết bị chiếu sáng và điều chỉnh ánh sáng được giải quyết một cách hiệu quả, chúng ta mới có thể mong đợi có những dự án chiếu sáng trưng bày bảo tàng đạt yêu cầu như mong muốn, tiếp cận được với các tiêu chuẩn của bảo tàng thế giới.

Nguyễn Quốc Bình

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Đàn đá: Nhạc cụ gõ cổ xưa của Việt Nam

Đàn đá: Nhạc cụ gõ cổ xưa của Việt Nam

  • 16/02/2022 11:24
  • 3496

Đàn đá là một trong những nhạc cụ thuộc bộ gõ cổ xưa nhất tại Việt Nam. Nhạc cụ này đã góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống, cũng như đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của một số dân tộc ở nước ta cách đây hàng nghìn năm.